Hệ thống trường bán trú cần được quan tâm

08:08, 16/08/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)-Trong những năm gần đây, hệ thống trường bán trú các bậc học ở các huyện miền núi trong tỉnh đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng cao. Tuy nhiên, do nguồn lực đầu tư của địa phương có hạn nên hệ thống trường bán trú vẫn chưa đáp ứng nhu cầu ăn ở, học tập cho học sinh vùng cao.

TIN LIÊN QUAN

Tiếp chúng tôi, cô Đặng Thị Nhung - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Thanh (Tây Trà) nhắc lại chuyện năm học cũ trong nỗi niềm khát khao của người làm giáo dục vùng cao: Năm học vừa qua có gần 140 học sinh phải ở lại trường để ăn học, nhưng chỉ 1/3 có  chỗ ở; bếp ăn thì không có bàn ghế, nước sinh hoạt thiếu triền miên... Năm học 2016 - 2017, chắc cũng không khá hơn! Hiện tại, ngoài dãy nhà 2 tầng, 6 phòng học còn vững chãi, thì xung quanh là những lán trại xập xệ, cửa đóng cũng như không.

Đã vào năm học mới, nhưng khu nhà bán trú của học sinh Trường Phổ thông bán trú THCS Trà Thanh (Tây Trà) chưa được sửa chữa.
Đã vào năm học mới, nhưng khu nhà bán trú của học sinh Trường Phổ thông bán trú THCS Trà Thanh (Tây Trà) chưa được sửa chữa.


Bên trong ngôi nhà bằng phên nứa, thứ kiên cố nhất là 2 chiếc giường tầng nằm chỏng trơ giữa những sạp tre nứa đã hỏng. Phía trên mái, những tấm tôn cong vênh được che bởi những tấm bạt cũ, để tránh mưa dột và chống nắng mà học sinh căng lên trong năm học trước giờ cũng đã hư hỏng.
 

Ông Đoàn Dụng – Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Việc tổ chức mô hình trường bán trú là cách làm hay của các huyện miền núi, giúp các em học sinh xa nhà có điều kiện ở lại trường yên tâm học tập. Ngành giáo dục chỉ cho chủ trương, còn kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất tùy theo điều kiện của từng địa phương.

Theo cô Nhung, năm học vừa qua, nhà trường có 201 học sinh. Trong đó có 134 em phải ở lại trường để học vì nhà xa. Tuy nhiên, trường chỉ có 4 phòng ở cấp 4 (trung bình 16 em/phòng). Số học sinh bán trú còn lại phải ở lán trại bằng tre nứa tạm bợ.  "Kinh phí trường không có, địa phương cũng chưa nói gì, nên chắc nhà trường tiếp tục vận động phụ huynh đến giúp đỡ sửa sang lại chỗ ở cho các em như năm học trước thôi", cô Nhung cho biết.

Nói là trường bán trú, nhưng gần như là trường nội trú, vì các em ở lại trường cả tuần mới về nhà. Trong khi nơi ở không có đủ, khiến các em phải ngủ tạm trên những tấm phên dưới đất. Mùa nắng thì nóng, mùa mưa thì dột, ẩm ướt.

Cạnh nhà ở cho học sinh là bếp ăn tập thể cũng tạm bợ. Một chiếc tủ lạnh bảo quản thức ăn hằng ngày, đã cũ nằm trơ trọi bên cạnh những hòn gạch được kê làm bếp, được bao quanh bởi cuộn lưới B40. Cô Nhung cho biết, năm học này chắc chắn cũng sẽ có hơn 100 em ăn uống tại trường, nhưng bàn ăn, ghế ngồi chỉ tận dụng một số bàn học cũ nhưng cũng đã hỏng. Công trình nhà vệ sinh cũng đã xuống cấp, nên nguy cơ gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường trong khu vực ăn ở bán trú rất lớn.

Từ năm học 2013-2014, huyện Tây Trà đã tổ chức dạy học theo mô hình trường bán trú được 4 trường. Đây cũng là địa phương đi đầu trong 6 huyện miền núi của tỉnh áp dụng mô hình này, tạo điều kiện cho hàng trăm học sinh được ở lại trường để học tập. Tuy nhiên, cơ sở vật chất tại các điểm trường bán trú này chưa được đầu tư mới, những hạng mục đầu tư từ những năm trước thì phần lớn đã xuống cấp.

Bài, ảnh:  X.THIÊN

 


.