Giáo dục TP. Quảng Ngãi: Tín hiệu vui ở các xã mới sáp nhập

10:02, 29/02/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau khi sáp nhập, điều kiện dạy và học của thầy và trò các xã khu đông của thành phố vẫn còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chất lượng giáo dục ở khu vực này đã từng bước bắt nhịp được với các trường ở trung tâm.

TIN LIÊN QUAN

Sau khi sáp nhập, ngành giáo dục thành phố nhận thêm 46 trường, trong đó có 14 trường mầm non, 19 trường tiểu học và 12 trường THCS. Điều kiện dạy và học ở các trường này có sự chênh lệch so với những trường trung tâm của thành phố. Nguyên nhân, do điều kiện kinh tế của người dân còn thấp nên chưa quan tâm nhiều đến việc học của con em; cơ sở vật chất trường lớp học chưa đảm bảo cho việc nâng cao chất lượng dạy và học; đội ngũ cán bộ quản lý kiện toàn chưa đồng bộ...

Tu sửa, xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học cũng là yếu tố để nâng cao chất lượng giáo dục.  Đánh giá chất lượng sát thực tế
Tu sửa, xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học cũng là yếu tố để nâng cao chất lượng giáo dục.


Ông Nguyễn Văn Anh- Trưởng Phòng GD&ĐT TP. Quảng Ngãi, cho biết: “Việc nâng cao chất lượng giáo dục, thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các địa phương là nhiệm vụ trọng tâm, nên phòng đã tập trung bồi dưỡng chuyên môn, đầu tư cơ sở vật chất và kiểm tra chất lượng giáo dục”.

Trên cơ sở đó, phòng đã phối hợp với Trường Đại học Tài chính – Kế toán bồi dưỡng cho Hiệu trưởng các trường, cán bộ kế toán về công tác điều hành, cải cách, quản lý công tác tài chính; phối hợp với Trường Đại học Phạm Văn Đồng bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán nhằm nâng cao công tác quản lý giáo dục đào tạo. Hàng năm, ngành còn tổ chức các hội thi để từ đó đánh giá lại chất lượng giáo dục. Tập trung thanh, kiểm tra chuyên môn để đánh giá chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý. Qua rà soát, trong tổng số trên 2.900 cán bộ, giáo viên và nhân viên thì chỉ có 70% đảm bảo chất lượng. Con số này thấp hơn nhiều so với những năm trước và so với các phòng giáo dục trong tỉnh. "Quan điểm của phòng là đánh giá thực chất để có cơ sở bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho  cán bộ, giáo viên còn yếu, hơn là để tồn tại con số ảo làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục”, ông Nguyễn Văn Anh khẳng định.

Ngành giáo dục thành phố cũng tập trung đầu tư máy vi tính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và chuyên môn. Tăng cường tổ chức bồi dưỡng, rèn luyện học sinh yếu kém... Nhờ đó, sau gần hai năm sáp nhập, chất lượng giáo dục ở các trường mới dần bắt nhịp với các trường trung tâm của thành phố. Thầy Võ Duy Phát – Hiệu trưởng Trường THCS xã Tịnh An, ví von: “Sự học như con thuyền đi ngược nước, không tiến ắt sẽ lùi”. Nhờ sự lạc quan, cố gắng trên từng lĩnh vực mà thầy và trò nhà trường đã  vượt qua nhiều khó khăn, đưa chất lượng giáo dục ngày càng đi lên. Năm học 2015 – 2016, Trường THCS Tịnh An có 414 học sinh/12 lớp. Kết quả thi học kỳ I, toàn trường có 66 học sinh giỏi (chiếm 16%); 99 học sinh khá (đạt tỷ lệ 24%); tỷ lệ học sinh đạt hạnh kiểm tốt có gần 50%, trên 34% học sinh đạt hạnh kiểm khá.

Ở các xã ven biển, phụ huynh, học sinh, chính quyền địa phương cũng dần quan tâm hơn đến việc học của con em mình. Việc bỏ trường, bỏ lớp đi biển sau Tết đã hạn chế rất nhiều. Chủ tịch UBND xã Nghĩa An Võ Thị Lệ Thu, chia sẻ: Trước đây, Nghĩa An là điểm nóng có số lượng học sinh bỏ học nhiều so với các xã khác. Trước thực trạng đó, chính quyền đã thành lập Ban chỉ đạo để vận động, tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh nâng cao ý thức trong việc học. Xã đã trích kinh phí cùng với ngành sửa chữa, xây dựng nhỏ trường lớp học, tạo điều kiện cho các em học tập tốt, vì thế chất lượng giáo dục cũng được nâng lên.  

Đánh giá chất lượng sát thực tế

Kết quả học kỳ I năm học 2015- 2016, TP. Quảng Ngãi có trên 45.100 học sinh/1.300 lớp học; trong đó, bậc THCS có tỷ lệ học sinh giỏi đạt trên 13%, khá trên 28%... Ông Nguyễn Văn Anh – Trưởng Phòng GD&ĐT TP. Quảng Ngãi, khẳng định: Kết quả học kỳ I, tuy khiêm tốn nhưng đây là chất lượng thật. Nhiều cán bộ quản lý, giáo viên đã nhận thức rõ trách nhiệm, nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp trồng người nên đã quản lý cách dạy, đánh giá chất lượng giáo dục sát với thực tế. Đây là cơ sở để ngành giáo dục thành phố tiếp tục triển khai các nhiệm vụ đổi mới toàn diện, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

 

Bài, ảnh: MAI HẠ
 


 


.