Giáo viên vùng cao cần lắm chốn an cư

09:12, 23/12/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhà ở xa nơi công tác, nên nhu cầu nhà công vụ của giáo viên (GV) giảng dạy ở các huyện miền núi là rất bức thiết. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau nên đến nay, hàng nghìn GV đang gặp khó khăn vì không có nơi an cư. Họ chưa thể yên tâm công tác, bám nghề...

TIN LIÊN QUAN

Bất tiện khi quanh năm tá túc nhà dân

Sau giờ tan trường, cô Võ Thị Thức, GV Trường Mầm non xã Sơn Liên (Sơn Tây) dẫn người bạn đồng nghiệp về nơi mình ở để cùng trao đổi tài liệu, giáo án. Nơi cô Thức tá túc là một ngôi nhà cấp bốn của người dân trong thôn, gần điểm dạy. Chủ nhà đã đi vắng. Loay hoay mãi, cô Thức mới tìm được chiếc ghế mời bạn ngồi. Cô Thức chia sẻ với chúng tôi, ở đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn so với dưới xuôi. Biết vậy nên mình không dám đòi hỏi gì. Bà con cho mình về ở là vui lắm rồi! Bà con sống sao thì mình theo vậy”.

Điểm trường mầm non ở xóm Tu Mít, xã Sơn Liên còn hết sức tạm bợ.
Điểm trường mầm non ở xóm Tu Mít, xã Sơn Liên còn hết sức tạm bợ.


Quê ở xã Bình Trung (Bình Sơn), cô Thức đã hơn ba năm ngược núi bám trụ dạy học ở điểm trường mầm non xóm Tu Mít, thôn Đăk Doa, xã Sơn Liên, nằm giáp ranh với xã Đắc Nên, huyện Kon Plông (Kon Tum). Suốt quãng thời gian đó cô Thức cùng đồng nghiệp phải mượn nhà dân để làm nơi sinh hoạt hằng ngày. Cùng ăn, cùng ở với bà con, được họ xem như một thành viên trong gia đình. Đó là niềm hạnh phúc đối với những GV vùng cao như cô Thức. Người dân tạo điều kiện để cô Thức cùng đồng nghiệp bám núi rừng dạy chữ.

Tình cảm là vậy, nhưng cô Thức vẫn mong ước có nhà công vụ để thuận tiện hơn trong sinh hoạt. Bởi lẽ, theo cô Thức, ở nhờ nhà dân một ngày, một tuần thì không đáng lo, nhưng quanh năm suốt tháng tá túc như vậy cô và đồng nghiệp thấy rất khó xử. Nhưng biết làm sao được khi GV không thể về nhà mình vì cách nơi dạy cả trăm cây số. Nếu đồng bào không cưu mang, đùm bọc, GV cắm bản khó bề xoay xở.

Cũng nằm gần điểm Trường Mầm non Tu Mít, Trường Tiểu học Ông Ngang, xã Sơn Liên có 3 phòng học chính, với 25 học sinh. Nhiều năm qua hai GV cắm bản ở đây cũng phải tá túc trong nhà dân. Thầy Nguyễn Ngọc Duy, GV của trường cho biết: "Điểm lẻ này chỉ có hai phòng học chính và một phòng chờ của GV. Phòng chờ ấy dự định làm nơi ở cho GV. Nhưng vì thiếu nơi học, nên chúng tôi bố trí thành phòng học luôn. Sống ở nhà dân bất tiện lắm, nhưng tụi mình đành chịu!".

Nhu cầu lớn, nhưng kinh phí hạn hẹp

Thực trạng thiếu nhà công vụ không chỉ xảy ra ở huyện Sơn Tây mà các huyện miền núi khác cũng chịu chung tình cảnh này. Những nhu cầu thiết yếu như nhà công vụ không được đáp ứng thì việc nhiều GV vùng cao, khi đã đủ tiêu chuẩn chuyển công tác nóng lòng xin chuyển về dạy dưới xuôi cũng là điều dễ hiểu. Đây thực sự là “nút thắt” khó tháo gỡ của nhiều địa phương trước thực trạng thiếu GV giàu kinh nghiệm cắm bản.

Ông Phạm Sơn - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tây Trà  chia sẻ: "Đề án Kiên cố hóa trường lớp học và phòng ở công vụ giáo viên giai đoạn 2008 – 2012 được phê duyệt, nhu cầu của huyện là phải xây 120 phòng công vụ. Thế nhưng, khi mới xây được 48 phòng thì hết vốn nên phải dừng lại. Vì vậy, nhiều GV trong huyện gặp khó khi không có nhà công vụ”.

Cũng trao đổi về vấn đề trên, ông Trần Minh Điệp- Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Trà Bồng cho biết: "Nhu cầu nhà công vụ của GV các cấp trong huyện là rất lớn. Nhưng năm 2015 không có một phòng công vụ nào được đầu tư xây dựng. Điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục. GV ở các điểm trường lẻ gặp nhiều khó khăn khăn thiếu thốn.

Ngoài việc dạy học họ kiêm luôn nhiệm vụ tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp. Họ phải thường xuyên lặn lội đến những thôn làng xa xôi, hẻo lánh vận động phụ huynh cho con em ra lớp đúng ngày giờ. Nếu không vì lòng yêu nghề, thương học trò thì không gì có thể níu chân họ ở lại".

Bài, ảnh: NGỌC VIÊN
 


.