Hết lòng với giáo dục vùng cao

01:04, 03/04/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Phải giảng dạy trong điều kiện thiếu thốn về cơ sở vật chất, học sinh đều là người đồng bào dân tộc thiểu số chưa có ý thức cao trong việc học, nhưng với tinh thần trách nhiệm với giáo dục vùng cao, cán bộ, giáo viên Trường THCS Ba Xa (xã Ba Xa, huyện Ba Tơ) đã cùng nhau nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.
 

TIN LIÊN QUAN

Nhiều năm rồi, Trường THCS Ba Xa luôn được biết đến là ngôi trường có nhiều học sinh bỏ học sau những ngày nghỉ lễ, Tết. Có những thời điểm sĩ số trong các lớp ở mức dưới 50%. Nắm bắt được điều này, năm nay, ngay trong buổi học đầu năm, sau khi thống kê sĩ số và lên danh sách học sinh nghỉ học tại các lớp, Ban giám hiệu nhà trường cùng toàn thể 25 cán bộ, giáo viên đứng lớp đã chia nhau về 7 thôn, xóm trong toàn xã để vận động học sinh nghỉ học trở lại trường. Sau những ngày băng rừng lội suối đến tận nhà vận động đã có 100% học sinh của trường ra lớp sau đó.

Thầy Nguyễn Duy Bắc – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ba Xa trực tiếp đến nhà vận động học sinh bỏ học quay lại trường.
Thầy Nguyễn Duy Bắc – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ba Xa trực tiếp đến nhà vận động học sinh bỏ học quay lại trường.


Ở xã vùng cao Ba Xa còn nhiều khó khăn này, nhiều học sinh bỏ học đi đập vỏ keo, thu hoạch mì…để phụ giúp gia đình tìm kế mưu sinh. Đã có gần 15 năm gắn bó với ngôi trường này, thầy Trần Phúc không thể nhớ rõ đã có bao nhiêu lần thầy cùng các đồng nghiệp phải đi bộ hàng chục cây số đường rừng, để tìm lên tận rẫy thuyết phục học sinh đi học trở lại. “Lâu lâu lại có một vài học sinh nghỉ học nhiều ngày không lý do. Vì vậy, chúng tôi phải đến tận nơi để tìm hiểu nguyên nhân và thuyết phục các em không bỏ học. Gian nan, vất vả và đôi khi còn có cả nguy hiểm, nhưng vì tương lai của các em chúng tôi luôn động viên nhau phải cố gắng thôi”, thầy Phúc tâm sự.

Song song với việc nỗ lực vận động học sinh ra lớp, giáo viên ở đây còn tích cực trau dồi và nâng cao kiến thức chuyên môn, vận dụng những phương pháp giảng dạy mới, nhằm xây dựng những buổi học trực quang, sinh động để lôi cuốn học sinh. Em Phạm Văn Vũ, học sinh lớp 9B, vui vẻ cho biết. “Trước kia do ham chơi nên kết quả học tập của em không được tốt. Nhưng nay nhờ thầy cô khuyên bảo, thay đổi phương pháp dạy học nên đã giúp em học khá hơn”.

Thầy Nguyễn Duy Bắc - Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm, đặc thù của trường là 100% học sinh đều là con em đồng bào Hrê với sức học còn  hạn chế. Vì thế, Ban giám hiệu nhà trường chỉ đạo các giáo viên bộ môn và giáo viên chủ nhiệm phải nắm rõ sức học của từng em, cùng với đó tổ chức biên soạn những giáo án sát với thực tế, dễ hiểu và sinh động. “Bên cạnh việc nâng cao chất lượng giảng dạy, nhà trường còn chú ý tới các hoạt động ngoài giờ lên lớp, ngoại khoá, thể thao, văn nghệ…để giúp học sinh phát triển toàn diện, tạo sự gắn kết, hoà đồng giữa học sinh với học sinh và học sinh với giáo viên”, thầy Bắc nói.

Những nỗ lực không mệt mỏi của thầy và trò ở vùng cao này đã phần nào có được tín hiệu vui khi trong học kỳ 1 vừa qua, lần đầu tiên trường có đến 65 em được xếp học lực loại khá, giỏi, đạt 30%. Trong đó có hai em là học sinh giỏi cấp huyện, một em vinh dự được đại diện cho huyện đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Số học sinh yếu kém cũng giảm xuống còn dưới 13%.

Bài, ảnh: LÊ DANH


 


.