Giáo dục miền núi: Những vấn đề cần quan tâm

10:09, 07/09/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giáo dục miền núi. Tuy nhiên, bên cạnh đó, giáo dục miền núi vẫn còn nhiều điều trăn trở.
Chuyển biến đáng mừng

Về những huyện miền núi vào những ngày cận kề khai giảng năm học mới, chúng tôi nhận thấy không khí phấn khởi của các thầy, cô giáo và học sinh (HS). Các trường đã có nhiều chuẩn bị cho năm học mới, nhất là về cơ sở vật chất. Ông Nguyễn Hữu Liệu- Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sơn Hà phấn khởi cho biết, trong những năm qua ngành GD&ĐT huyện Sơn Hà nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp ủy đảng, chính quyền.
 

 

Học sinh Trường Tiểu học số 2 thị trấn Di Lăng (Sơn Hà) trong giờ học.                                                                     Ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
Học sinh Trường Tiểu học số 2 thị trấn Di Lăng (Sơn Hà) trong giờ học. Ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

Đặc biệt, huyện đã đầu tư nhiều cho bậc học mầm non và hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi từ tháng 12.2014. Riêng năm học 2014- 2015, Sơn Hà đã đầu tư có trọng điểm 11 tỷ đồng từ nguồn vốn 30a cho một số trường mầm non. Ngoài ra, từ nguồn tiết kiệm chi, các trường đã chủ động đầu tư xây dựng, mua sắm cơ sở vật chất, đảm bảo cho nhu cầu dạy và học. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn. Mới đây,  UBND huyện cũng đã tổ chức bàn về việc nâng cao chất lượng giáo dục đối với cấp học mầm non, tiểu học và THCS.   

Còn đối với huyện miền núi Minh Long, năm học này có trên 4.000 HS ở các cấp học. Đến thời điểm hiện tại, gần 100% HS các bậc học đã ra lớp. Riêng đối với trẻ mầm non 5 tuổi và HS lớp 6 tỷ lệ ra lớp đạt 100%. Ở xã Long Môn nhiều học sinh nhà ở cách trường đến 10km nhưng cũng đã đến trường đông đủ. Thầy giáo Nguyễn Anh Tuấn-Hiệu trưởng Trường tiểu học- THCS Long Môn hồ hởi bảo: “Trước khi năm học mới bắt đầu, nhà trường phối hợp với các trưởng thôn đến từng hộ gia đình vận động học sinh ra lớp. Ý thức của người dân trong việc đưa con mình đến trường đã được nâng cao nên học sinh đi học đông đủ”. Năm học 2015-2016, huyện Minh Long đã chi 4 tỷ đồng để xây mới và tu sửa các phòng học, đảm bảo 100% các trường trên địa bàn huyện thực hiện việc dạy 2 buổi/ngày theo đúng quy định.

Còn đó nỗi lo

Bên cạnh những chuyển biến tích cực, công tác GD&ĐT ở các huyện miền núi vẫn còn nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn Cáng- Trưởng phòng GD&ĐT huyện Minh Long cho biết, mặc dù các trường thực hiện dạy 2 buổi/ngày, tuy nhiên có nhiều phòng học đã xuống cấp, chưa được tu sửa; nhà hiệu bộ và phòng chức năng của các trường đều thiếu. Thiết bị đồ dùng dạy học đều đã cũ, không đáp ứng được yêu cầu dạy và học. Toàn huyện có 6 trường mầm non nhưng chỉ có 4 trường có bếp ăn bán trú, còn trường mẫu giáo Long Mai và Long Môn vẫn chưa có kinh phí xây dựng, gây khó khăn cho gia đình và nhà trường.

Tại huyện Sơn Hà, do đặc thù địa hình cư trú của miền núi nên một số trường khó khăn trong việc tổ chức bán trú. Các điểm lẻ của các trường tiểu học ở Sơn Hạ không đủ phòng học phục vụ học 2 buổi/ngày. Một số trường học vẫn còn thiếu các phòng chức năng làm ảnh hưởng đến việc phát triển năng khiếu cho trẻ. Còn tại Trường Tiểu học số 2 thị trấn Di Lăng (Sơn Hà) năm học này có gần 340 HS, trong đó có 85% là người dân tộc thiểu số.

Trong những năm qua, nhờ thực hiện chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP) đã giúp trường rút ngắn khoảng cách giữa các em HS người đồng bào với người Kinh. Tuy nhiên, theo cô giáo Vương Thị Dung-Hiệu trưởng nhà trường, hiện tại  trường vẫn còn thiếu phòng chức năng âm nhạc, tin học… Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên vẫn còn thiếu cục bộ ở một số địa phương. Để đảm bảo công tác giảng dạy, năm học này huyện đã ký hợp đồng với 121 giáo viên ở bậc mầm non, tiểu học và THCS. “Việc hợp đồng giáo viên chỉ là giải pháp tình thế, huyện không thể tuyển dụng vì chỉ tiêu biên chế được giao của giai đoạn 2011- 2015 đã hết”, ông Liệu lý giải.

Thiếu giáo viên là thực trạng chung của các huyện miền núi hiện nay. Nhiều giáo viên sau khi ra trường đã tự nguyện xin lên miền núi công tác, nhưng vẫn không được tuyển dụng chính thức mà chỉ làm hợp đồng. Điều này phần nào ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục của các huyện miền núi. Giáo viên hợp đồng thường không bảo đảm tính ổn định, khi có việc làm khác tốt hơn thì phần lớn các giáo viên sẵn sàng chấm dứt hợp đồng. “Đề nghị các cấp có thẩm quyền bố trí biên chế lao động theo nhu cầu thực tế của ngành.

Đặc biệt đối với bậc mầm non cần bố trí định biên lao động theo Thông tư liên tịch  06 của Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ. Đồng thời cần tăng cường đầu tư về đầu tư cơ sở vật chất để các trường đảm bảo cho việc dạy 2 buổi/ngày”, ông Liệu kiến nghị.
 
T.Phương- X.Hiếu
 

.