(Báo Quảng Ngãi)- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu này đòi hỏi sự quyết tâm cao độ của ngành giáo dục với những giải pháp căn cơ.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Cần sự nỗ lực của toàn ngành
Ngành giáo dục đã có những chuyển biến sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện ngành giáo dục và đào tạo. Lần đầu tiên, Sở GD&ĐT tổ chức khảo sát đối với học sinh lớp 6 trong toàn tỉnh vào đầu năm học 2014-2015, khảo sát đối với học sinh lớp 10 ở miền núi, hải đảo; thi nghe, nói trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 đối với học sinh chuyên Anh, đối với các trường THPT không chuyên đánh giá điểm nghe, nói môn tiếng Anh trong kiểm tra cuối học kỳ; thi tuyển vào lớp 10 Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh năm học 2015-2016… Qua đây cho thấy, quyết tâm của ngành GD&ĐT trong thực hiện mục tiêu đổi mới.
Đổi mới phương pháp dạy và học là giải pháp căn bản để nâng cao chất lượng giáo dục. Ảnh: T.L |
Tuy nhiên, những đổi mới trên đây của ngành GD&ĐT chỉ mới là bước đầu, chưa tạo được những chuyển biến quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục của toàn tỉnh. Ông Đoàn Dụng - Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng, nhiệm vụ tuy nặng nề nhưng phải làm cho kỳ được, đó là tập trung rà soát và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên. “Ngành giáo dục sẽ làm một cách bài bản, khoa học để đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên và đánh giá trình độ của giáo viên các bậc học để đáp ứng được yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy, nếu không nâng cao trình độ giáo viên, không đổi mới phương pháp giảng dạy thì sẽ không thực hiện được mục tiêu của Nghị quyết 29-NQ/TW cũng như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX về giáo dục”, ông Dụng nói.
Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX phải đảm bảo theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực, kỹ năng của người học; chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, thẩm mỹ, kiến thức pháp luật và ý thức công dân. Do vậy, trong thời gian tới, Sở GD&ĐT sẽ chỉ đạo quyết liệt để thay đổi phương pháp giảng dạy, phát huy năng lực, phẩm chất của người học, tăng cường công tác giáo dục để nâng cao đạo đức, nhân cách cho người học. Đồng thời, tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề để tìm ra phương án tối ưu trong giáo dục phẩm chất, đạo đức cho học sinh.
Những vướng mắc cần được tháo gỡ
Một vướng mắc từ lâu đã được nhận diện nhưng chưa có giải pháp căn cơ để tháo gỡ, đó là sự chênh lệch quá lớn về chất lượng giáo dục giữa đồng bằng và miền núi. Về vấn đề này, ông Đoàn Dụng bày tỏ quan điểm: “Giải pháp tối ưu là luân chuyển giáo viên khá, giỏi từ đồng bằng lên miền núi, mỗi giáo viên chỉ cần thực hiện nhiệm vụ ở miền núi từ 3-5 năm, như thế sẽ giải quyết được tình trạng anh em công tác lâu năm ở miền núi không về được đồng bằng, và mục đích chính là nâng cao chất lượng giáo dục ở miền núi. Đề án luân chuyên giáo viên của tỉnh đã được Bộ GD&ĐT thống nhất, hiện đang chờ ý kiến của các bộ, ngành liên quan”.
Bên cạnh đó, còn nhiều hạn chế mà ngành giáo dục đã thẳng thắn nhìn nhận và đề ra quyết tâm phải tháo gỡ để thực hiện có hiệu quả chủ trương đổi mới. Đó là vẫn còn nhiều trường học xuống cấp, thiếu các điều kiện đảm bảo các hoạt động giáo dục; còn tình trạng học nhờ, học tạm, học ghép, nhất là ở miền núi dẫn đến khó khăn trong triển khai chương trình giáo dục đổi mới. Nhiều giáo viên chậm đổi mới phương pháp, còn nặng về truyền thụ nội dung kiến thức, tổ chức các hoạt động học chưa theo kịp yêu cầu, trong giảng dạy chưa thật sự phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh. Chất lượng giáo dục phổ thông chưa thật sự bền vững, học sinh học yếu chiếm tỷ lệ cao. Nhiều cơ sở giáo dục chưa sử dụng có hiệu quả các thiết bị đã được cung ứng vào công tác dạy và học…
Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ