Đổi mới ngành giáo dục: Từ sự cương quyết, trách nhiệm

09:09, 26/09/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Không còn cách nào khác ngoài việc phải đổi mới, phải quyết liệt để nâng cao chất lượng giáo dục”, ông Đoàn Dụng-Giám đốc Sở GD&ĐT quả quyết khi đề cập đến vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện ngành giáo dục và đào tạo.

TIN LIÊN QUAN

Tuy nhiên, đổi mới như thế nào để tạo sự đồng tình cao trong xã hội, tạo đà nâng cao chất lượng giáo dục là điều mà nhiều người quan tâm. Tại Quảng Ngãi, sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Sở GD&ĐT với những giải pháp thiết thực, qua 1 năm thực hiện Chương trình hành động số 51 của Tỉnh ủy về đổi mới căn bản, toàn diện ngành GD&ĐT, bước đầu có những chuyển biến đáng mừng.

Thầy nghiêm túc để trò noi theo

Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Phạm Sy-Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh cho rằng: “Thầy giáo nếu không nắm được yêu cầu đổi mới, không tự mình đổi mới thì khó làm tròn trách nhiệm. Tôi hoan nghênh cách làm sâu sát, cương quyết của lãnh đạo Sở GD&ĐT để đạt chất lượng trong giáo dục”. Nhìn từ hội thi giáo viên (GV) dạy giỏi cấp tỉnh bậc tiểu học, THCS năm học vừa rồi cho thấy sự quyết liệt của lãnh đạo Sở GD&ĐT trong việc tạo tính nghiêm túc từ trong suy nghĩ của mỗi GV đối với công tác thi cử.

Giám đốc Sở GD&ĐT Đoàn Dụng trao giấy khen cho GV đạt giải trong cuộc thi GV dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2014-2015.
Giám đốc Sở GD&ĐT Đoàn Dụng trao giấy khen cho GV đạt giải trong cuộc thi GV dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2014-2015.


Hội thi được tổ chức 4 năm một lần. Thi phải cho ra thi, nghiêm túc phải được đặt lên hàng đầu, nhất là hội thi dành cho những nhà giáo để vinh danh những người thầy giỏi. Lãnh đạo Sở GD&ĐT đã chỉ đạo tổ chức kỳ thi nghiêm túc, đích thân đồng chí giám đốc Sở Đoàn Dụng trực tiếp kiểm tra, giám sát việc làm bài thi của GV. Kết quả bậc tiểu học có 119/197 GV được công nhận GV dạy giỏi cấp tỉnh (60,4%); bậc THCS có 233/358 GV được công nhận GV dạy giỏi cấp tỉnh (65%). Duy nhất chỉ có 1 GV đạt giải nhất. Con số tuy không “đẹp” như những năm trước, nhưng phản ánh tính nghiêm túc, công bằng. Các giáo viên dạy giỏi xứng đáng được vinh danh sau thời gian dài miệt mài nghiên cứu, đổi mới phương pháp giảng dạy.

PGS-TS Phạm Đăng Phước-Hiệu trưởng Trường ĐH Phạm Văn Đồng, bày tỏ quan điểm: “Thi GV dạy giỏi là để tiếp tục cải tiến phương pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy. Theo tôi đạt hay không đạt đều rất đáng được biểu dương, các trường  khuyến khích GV đi thi, không nên đặt nặng thành tích…”.

 Phải biết rõ thực lực để có giải pháp đúng

 Mặc dù từ lâu đã triển khai cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, tuy có chuyển biến tích cực nhưng ở nhiều trường vẫn xảy ra “lỗ hổng” kiến thức, kết quả chưa sát với thực lực của học sinh. Vẫn còn tình trạng cán bộ quản lý, GV chủ quan, ngại đổi mới, vi phạm quy định của ngành.  

Việc chỉ đạo khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục được thực hiện một cách mạnh mẽ. Lần đầu tiên từ Sở GD&ĐT cho đến các huyện, thành phố đều tổ chức các cuộc hội thảo bàn về giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục. Sở GD&ĐT tổ chức khảo sát môn Toán, Ngữ văn đối với HS lớp 6 trong toàn tỉnh và lớp 10 đối với 6 huyện miền núi, hải đảo vào đầu năm học 2014-2015. Sở cũng đã chỉ đạo tổ chức kiểm tra học kỳ I, II theo đề thi chung của Sở ở một số môn đối với lớp 9, 10, 11, 12. Đành rằng kết quả kiểm tra, khảo sát khiến cho không ít người buồn lòng, nhưng là một thực tế buộc phải chấp nhận để có cái nhìn toàn diện, đúng đắn và có giải pháp quản lý, giảng dạy hiệu quả hơn. Có vậy mới có thể từng bước “lấp” lỗ hổng kiến thức, nâng cao chất lượng giáo dục.

Cùng với đó, Sở GD&ĐT tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là thanh tra đột xuất các cơ sở giáo dục. Cựu nhà giáo Lâm Chuyển bộc bạch: “Qua theo dõi ngành giáo dục, tôi thấy rất vui trước sự mạnh dạn triển khai các giải pháp, nhất là thực chất, trung thực trong thi cử, đánh giá, đó cũng là thể hiện đạo đức của nhà giáo”.

Thực tế cho thấy qua 1 năm thực hiện chủ trương đổi mới, chất lượng giáo dục ở các trường có sự chuyển biến tích cực. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, khảo sát, từng đơn vị đã xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp phụ đạo HS yếu, kém, bồi dưỡng HS khá, giỏi.

 Xóa bỏ tuyển sinh kiểu “đếm đầu chia xôi”

Đối với Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, lâu nay việc tuyển sinh thực hiện theo kiểu “đếm đầu chia xôi” giữa các huyện miền núi. Việc học, việc ăn, việc ở của học sinh đều được bao cấp. Thế nhưng, lo nhất vẫn là việc học. Các thầy cô giáo dạy ngày, dạy đêm, song chất lượng giáo dục khó mà vực dậy, bởi chất lượng tuyển sinh đầu vào quá thấp. Việc tuyển sinh ở Trường THPT DTNT tỉnh có năm thực hiện theo kiểu “vét” để đạt chỉ tiêu, nộp hồ sơ bao nhiêu tuyển bấy nhiêu. Hệ quả là nhà trường “đau đầu” với việc dạy, nhưng kết quả thì học sinh yếu kém vẫn chiếm tỷ lệ lớn.

Kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2015-2016 ở Trường THPT DTNT tỉnh hoàn toàn đổi mới. Sở GD&ĐT quyết định cho thi tuyển và mở rộng đối tượng tuyển sinh cho cả học sinh ở miền núi là người Kinh, người dân tộc thiểu số nằm ngoài các trường nội trú của huyện. Trong tổng số 420 thí sinh dự thi có 140 em trúng tuyển. Ông Đặng Văn Giữ-Hiệu trưởng Trường THPT DTNT tỉnh phấn khởi nói: “Do có sự sàng lọc nên chất lượng đầu vào năm nay cao hơn hẳn mọi năm. Học sinh tiếp thu kiến thức rất nhanh. Nền nếp, kỷ cương học tập ngay từ đầu năm học rất tốt”. Hy vọng rằng, với sự đổi mới mang tính đột phá trong công tác tuyển sinh, cùng với nhiệt huyết, trách nhiệm của người thầy, Trường THPT DTNT tỉnh sẽ từng bước nâng cao chất lượng giáo dục.
         

Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ
 


.