(Báo Quảng Ngãi)- Những năm học trước, vì điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn nên việc học tập và sinh hoạt của các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Ba Xa gặp muôn vàn khó khăn. Thế nhưng, hai năm trở lại đây, nhờ sự quan tâm của các cấp đầu tư trang bị cơ sở vật chất, cộng với sự tâm huyết, nhiệt tình của các thầy cô ở đây, việc học hành, sinh hoạt của các em đã có sự cải thiện đáng kể.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Trường PTDTBT THCS Ba Xa cách thị tứ Ba Vì chừng 10km về hướng nam, với 270 học sinh đang theo học. Dù đang là mùa mưa, đường sá gập ghềnh, khó đi nhưng các em vẫn chăm chỉ bám trường, bám lớp để ôn tập và chuẩn bị cho kỳ thi học kỳ sắp tới. Thầy Nguyễn Duy Bắc – Hiệu trưởng nhà trường đưa chúng tôi đi thăm các khu lớp học, khu sân chơi, khu ăn ở của các em tại trường và chia sẻ: “Năm nay trường đã có nhiều đổi mới. Khu nhà ăn tập thể của các em cũng đã được xây dựng, khu vui chơi tuy còn thiếu thốn, nhưng cơ bản cũng đã có để các em sinh hoạt. Rồi giường cho các em ngủ cũng đã được tài trợ. Tuy vậy, vẫn còn nhiều thiếu thốn, chưa thật sự đầy đủ, nên rất mong các cấp quan tâm hơn nữa để cơ sở của trường được hoàn thiện, giúp các em có được ngôi trường khang trang”.
Bữa cơm trưa của các em ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Ba Xa. |
Được biết, từ tháng 10.2015, ngôi trường này chính thức đi vào hoạt động theo mô hình của trường bán trú. Năm học này, Trường có hơn 270 em học sinh với 8 lớp, trong đó có 188 em thuộc diện bán trú, nhưng trong điều kiện còn khó khăn nên chỉ có 120 em được ở lại tại trường. Các thầy cô giáo ở đây luôn đồng hành, hết lòng giúp đỡ để các em được đến trường, theo học con chữ.
Mô hình trường bán trú ở xã vùng cao Ba Xa được thầy cô, phụ huynh và các cấp chung tay thực hiện, đã và đang mang lại hiệu quả đáng mừng. Dù còn có nhiều thiếu thốn, nhưng đây được xem là một “ngôi nhà chung” để các em học sinh vùng khó khăn được sinh hoạt, học tập, nuôi dưỡng ước mơ để sau này trở thành người có ích cho xã hội. Nhà trường rất mong các cấp, ngành cần quan tâm hơn nữa, tạo điều kiện giúp đỡ, đầu tư xây dựng trường được hoàn thiện, khang trang hơn. |
Không chỉ thế, vừa qua, ban đại diện cha mẹ học sinh của trường cũng đã thống nhất và hợp đồng với hai nhân viên chuyên phụ trách chăm lo cho việc ăn uống của các em. Nên năm học này, các em không còn lo cảnh “vừa học, vừa lo cái ăn” như trước nữa. Khu bán trú của trường cũng đã được quy hoạch tương đối hoàn chỉnh gồm 3 khu: Nhà ở, khu vui chơi thể thao, bếp ăn và nhà ăn tập thể. Trường tổ chức nấu ăn 3 bữa cho học sinh, phân công cán bộ giáo viên, nhân viên trực hằng ngày để quản lý, chăm sóc sức khỏe và hướng dẫn các em học tập, tham gia các hoạt động ngoại khóa một cách nền nếp. Các em ở bán trú đều là người dân tộc thiểu số, ở nhiều độ tuổi khác nhau, nhưng rất đoàn kết và thương yêu giúp đỡ lẫn nhau.
Chính nhờ quyết tâm cao và những cách làm hết sức thực tế của nhà trường mà chất lượng giáo dục toàn diện của trường đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong nhiều năm liền trường luôn duy trì đạt 100% số lượng, tổng kết năm học 2014 – 2015 trường có 61 học sinh đạt học lực khá giỏi, trong đó 2 học sinh đạt học sinh giỏi cấp huyện.
Có được những đổi thay như vậy, cùng với nỗ lực của trường là nhờ sự đóng góp của cha mẹ học sinh và huy động sự giúp đỡ của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm. Hiện nay, trường có 6 phòng ở với hơn 30 giường tầng dành cho các em bán trú. Em Phạm Thị Phương, lớp 9A chia sẻ: “Thường thì đầu tuần chúng em lên trường, rồi cả tuần học tập, sinh hoạt tại trường đến cuối tuần mới về nhà. Vì nhà xa nên thầy cô cũng giúp đỡ, động viên bọn em rất nhiều. Năm học này, chúng em có thêm giường mới, khu nhà ăn tập thể và không còn tự lo việc ăn uống sau mỗi buổi học nữa. Giờ chỉ lo học tập thật tốt để không phụ lòng thầy cô, cha mẹ”.
Bài, ảnh: ĐÌNH DIỆU