(Báo Quảng Ngãi)- Từ những việc làm cụ thể trong đổi mới giáo dục, chất lượng dạy và học ở Trường THPT Tư Nghĩa 1 đã được nâng lên đáng kể, được tỉnh ghi nhận và tặng Cờ thi đua xuất sắc.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Thực hiện Nghị quyết 29/NQ- TW của Trung ương, Chương trình hành động số 51 của Tỉnh ủy về đổi mới căn bản, toàn diện GD& ĐT, Trường THPT Tư Nghĩa 1 đã xây dựng kế hoạch chi tiết và tổ chức thực hiện. Theo đó, trường bắt đầu đổi mới từ khâu quản lý, sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, nội dung dạy học theo chủ đề, đến đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá... và đã có sự thay đổi rõ rệt. Ban Giám hiệu có 4 người, được phân công nhiệm vụ rõ ràng. Mỗi thành viên đều xây dựng chi tiết việc làm và chịu trách nhiệm trước nhà trường.
Một tiết dạy học theo phương pháp đổi mới ở Trường THPT Tư Nghĩa 1. |
Đến nay, đội ngũ giáo viên ở trường đã nắm được cách thức tiến hành sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, ý nghĩa của hoạt động dạy học theo chủ đề. Giáo viên đã xác định các phương pháp, kỹ thuật dạy học phù hợp với đặc trưng từng bộ môn, hướng học sinh vận dụng tốt kiến thức, kỹ năng thực tế vào đời sống; khắc phục tình trạng truyền thụ kiến thức một chiều…
Trong năm học 2014 – 2015, năm học đầu tiên thực hiện phương pháp đổi mới giáo dục, Trường THPT Tư Nghĩa 1 có 115 học sinh giỏi đạt giải cấp tỉnh; trong đó có 2 em đạt học sinh giỏi cấp Quốc gia. Trường được xếp thứ 3/38 trường THPT không chuyên có giải cao trong các kỳ thi năm học 2014 – 2015. Tỷ lệ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia đạt 96,7%. |
Thầy Trương Quang Dũng – Hiệu trưởng Trường THPT Tư Nghĩa 1, cho rằng: “Chỉ có đổi mới phương pháp dạy học mới có thể nâng cao chất lượng đào tạo”. Nói rồi, thầy trao cuốn vở ghi chép phương pháp đổi mới giáo dục cho chúng tôi. Cuốn vở hội đủ hai cách dạy truyền thống và đổi mới. Với cách dạy đổi mới thay vì học sinh trình bày trong vở bằng cách ghi chép xuống dòng theo từng đường kẻ của ô vở thì nay các em đã vẽ sơ đồ bài học.
Theo hình vẽ, các em ghi ý tứ rất rõ ràng, chặt chẽ. Đọc qua rất dễ nhớ, dễ hiểu. Thầy Dũng, tự hào: “Cũng nhờ đổi mới phương pháp giảng dạy mà mỗi giáo viên ở trường đã phát huy tính sáng tạo trong việc truyền thụ kiến thức cho các em. Học sinh cũng nhận thức bài học tốt hơn”. Hằng ngày, ngoài công việc quản lý, thầy Dũng cũng dành thời gian dạy thêm môn Văn học khối 12. Kể từ ngày đổi mới giáo dục ở trường, thầy là người đi đầu trong việc đổi mới phương pháp dạy học. Ví như, trong một tác phẩm, ngày trước muốn truyền thụ kiến thức cho các em, thầy phải giới thiệu quê quán tác giả, hoàn cảnh xuất xứ tác phẩm và giảng dạy nội dung bài học với giọng đều đều, rồi đọc cho các em ghi chép. Còn bây giờ, thầy vừa giảng dạy, vừa chỉ cho các em cách chọn ý tứ bài, quê quán tác giả, xuất xứ bài để tự các em ghi nhớ. Chính cách dạy này mà nhiều học sinh đã sáng tạo mổ xẻ bài văn, thơ vẽ thành sơ đồ trong vở rồi chọn ý ghi chép để dễ học, dễ nhớ.
Thầy Lâm Duy Kiệt – phụ trách môn Hóa học ở trường cũng có cách dạy khác so với trước. Thầy bộc bạch: Kể từ ngày thực hiện phương pháp đổi mới giáo dục, các em tự nghiên cứu bài trước, sưu tầm tranh, ảnh, tư liệu liên quan bài giảng để lên lớp các em thảo luận theo nhóm. Những chỗ các em chưa nắm vững, cộng với các ý kiến, các em thảo luận theo nhóm, giáo viên hệ thống lại thành nội dung bài giảng để các em dễ nắm kiến thức. Với cách học này đã có nhiều học sinh tiến bộ rõ rệt”.
Đến nay, Trường THPT Tư Nghĩa 1 có 84 giáo viên trực tiếp đứng lớp thì có khoảng 70% giáo viên đã thực hiện đổi mới phương pháp giáo dục. Mỗi thầy, cô đã không ngừng nỗ lực sáng tạo trong phương pháp truyền thụ kiến thức, kích thích tư duy học tập của các em.
Bài, ảnh: MAI HẠ