(Báo Quảng Ngãi)- Không những giúp trẻ khuyết tật học chữ mà còn dạy nghề, giúp các em tìm kiếm việc làm để tự nuôi sống bản thân. Đó là điều mà các thầy, cô giáo ở Trường Giáo dục trẻ khuyết tật tỉnh nỗ lực thực hiện với tất cả tình yêu thương và trách nhiệm.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Học nghề để không là gánh nặng
Chúng tôi đến thăm lớp dạy nghề may của Trường Giáo dục trẻ khuyết tật tỉnh, thoạt nhìn ai cũng nghĩ rằng các em đều bình thường như bao trẻ em khác với đôi bàn tay linh hoạt trên từng đường kim, mũi chỉ. Em nào cũng chăm chú quan sát giáo viên hướng dẫn rồi tập trung vào công việc của mình. Khi gặp vấn đề khó, các em sẵn sàng giúp đỡ nhau thông qua ngôn ngữ ký hiệu từ đôi tay để cùng hoàn thành công việc. Lớp học có 30 học viên khiếm thính, trong căn phòng thực hành, mọi thứ đều được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng.
Học sinh Trường Giáo dục trẻ khuyết tật trong giờ học thực hành may công nghiệp. |
Cô giáo Trang Lê Lê (dạy nghề may) cho biết, để có thể tự cắt may những thao tác cơ bản, các em đã phải khổ luyện nhiều tháng trời, nỗ lực gấp nhiều lần so với người bình thường. Quả thật không đơn giản để có thể dạy trẻ khiếm thính học nghề. “Có khi tôi chỉ đi chỉ lại nhiều lần nhưng nhiều em cứ lắc đầu không hiểu. Những lúc như vậy, một số em nản chí, buồn rầu. Chúng tôi phải an ủi, vỗ về giống như những người mẹ. Nhờ vậy mà giờ đây em nào cũng tiến bộ”, cô giáo Lê nói.
Qua “phiên dịch” của cô giáo chủ nhiệm, em Võ Quỳnh Châu (ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) tâm sự: “Gia đình em khó lắm, nên em nỗ lực học may để sau này có việc làm, tự lo cho mình”. Nhìn các em say mê học tập, chúng tôi biết rằng trong các em cháy bỏng ước mơ có được cái nghề để mai này tự lao động nuôi sống bản thân, không là gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Ngoài việc dạy văn hóa, trong 9 năm qua, Trường Giáo dục trẻ khuyết tật tỉnh đã nỗ lực đào tạo nghề cho hàng trăm học sinh khuyết tật, đồng thời hỗ trợ tìm việc làm để tạo điều kiện cho các em hòa nhập cộng đồng. Tính đến nay, nhà trường đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề thanh niên mở 11 lớp dạy nghề, gồm các nghề như: May công nghiệp; photoshop-chụp ảnh; thêu; làm hoa; nghề thủ công mỹ nghệ… Có khoảng 80% trẻ khiếm thính sau khi ra trường tìm được việc làm.
Cần sự hỗ trợ mạnh mẽ của cộng đồng Ông Trương Quang Nghĩa-Hiệu trưởng Trường Giáo dục trẻ khuyết tật trăn trở, ngoài Công ty Vinatex thì hiện nay chưa có doanh nghiệp nào liên kết với trường để hỗ trợ đầu ra, giải quyết việc làm cho học sinh khuyết tật. Nhiều trẻ khuyết tật quyết tâm học nghề và khát khao có việc làm để tự lo cho bản thân. Do đó rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng xã hội để nâng bước các em trong cuộc đời. Sở LĐ-TB&XH cần có cơ chế tạo điều kiện mở rộng thời gian 2-3 lần dạy nghề cho trẻ khuyết tật. |
Hái quả ngọt
Em Võ Thị Thu Thủy (bị khiếm thính, ở phường Lê Hồng Phong, TP.Quảng Ngãi) từng là học sinh của Trường Giáo dục trẻ khuyết tật. Thủy được học nghề thêu, sau khi ra trường em thêu những bức tranh giàu tính nghệ thuật, được bạn hàng ưa chuộng. Hiện tại, với thu nhập từ nghề thêu Thủy không những tự lo cho bản thân mà còn có điều kiện phụ giúp gia đình. Còn em Lê Hoàng Tâm (cũng bị khiếm thính) được các thầy giáo dạy cho nghề nhiếp ảnh. Đến nay, Tâm đã có thể tự hành nghề chụp ảnh, với thu nhập từ 3- 5 triệu đồng/tháng. Mặc dù, trên bước đường hòa nhập cộng đồng, Tâm đã nếm trải không ít gian nan với biết bao mồ hôi và nước mắt, song em đã tự khẳng định bản thân “tàn nhưng không phế”.
Cũng từ mái trường giáo dục trẻ khuyết tật đầy tình thương, 15 em khuyết tật được các thầy, cô giáo dạy nghề và hiện đang làm việc tại Công ty Vinatex Tư Nghĩa và Vinatex Sơn Tịnh. Mỗi em có mức thu nhập từ 2,5- 3,5 triệu đồng/tháng. Các em đang hàng ngày lao động kiếm sống và thỏa ước mơ tự lập của mình. Ông Trần Nhất Linh- Trưởng phòng Tổ chức- hành chính, Công ty May Vinatex Tư Nghĩa, cho biết: “Ban đầu khi nhận các em vào làm, chúng tôi phải hỗ trợ thêm kỹ thuật để các em may được thành thục. Không ngờ, sau thời gian ngắn, các em đã tiếp cận công việc khá nhanh. Sản phẩm các em làm ra không thua kém gì người bình thường, thậm chí hiệu quả làm việc, độ tập trung của các em còn cao hơn người lao động bình thường khác. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với nhà trường để các em khuyết tật được vào làm việc. Đó cũng là trách nhiệm của doanh nghiệp để tạo điều kiện cho người khuyết tật có được việc làm, ổn định cuộc sống”.
Bài, ảnh: KIM NGÂN