(Baoquangngai.vn)- Không quà, không hoa, món quà mà hàng ngàn giáo viên ở miền núi nhận được trong ngày mà cả xã hội tôn vinh đó là những nhánh hoa rừng ngát hương chứa chan tình cảm của học sinh đồng bào.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Vượt qua gần 100 km trên con đường quanh co, hiểm trở, chúng tôi đến xã Sơn Liên (Sơn Tây). Ngôi trường cấp 1 và cấp 2 học chung nằm bên sườn núi vắt vẻo bên sườn rộn ràng tiếng nói cười trong giờ nghỉ giải lao.
Cô giáo trẻ Lý Thị Mỹ Dung, giáo viên dạy môn Ngữ văn, Trường THCS Sơn Liên cười tươi: “ Ở trên này làm gì có quà, hoa hồng. Quà mà học sinh tặng cho chúng em Ngày Nhà giáo là những bó hoa rừng, hoa dại. Dù vậy tụi em chẳng lấy làm buồn vì đó là quà tặng chân thành và ý nghĩa nhất”.
4 năm gắn bó lặn lội từ miền quê lúa vàng Mộ Đức lên gắn bó với sự nghiệp trồng người nơi vùng cao xa xôi hẻo lánh này, cô giáo trẻ Mỹ Dung chưa bao giờ quên cái lần đầu tiên các em mang hoa rừng đến tặng và nói lời chúc mừng.
Qùa tặng cho giáo viên vùng cao Ngày 20.11 là những đóa hoa rừng. |
Không hoa mỹ, lãng mạng, chỉ là những lời nói giản dị mà chứa chan tình cảm “Chúc cô vui vẻ, cô đừng bỏ chúng em về xuôi nhé!”. Những câu nói như tiếp thêm nghị lực để các thầy cô giáo vững vàng vượt qua bao gian nan, thử thách, ươm mầm tri thức cho rẻo cao.
Ôm bó hoa rừng thập thò trước cửa lớp, em Đinh Thị Thời, học sinh lớp 9 thẹn thùng: “Tụi em không biết lấy gì làm quà, chỉ có hoa rừng tặng thầy cô mà thôi. Để có hoa tặng các thầy cô, tụi em rủ nhau đi hái hoa rừng trước hai ngày về gói gắm cẩn thận”.
Hầu hết những giáo viên làm nhiệm vụ trồng người ở miền núi là những giáo viên từ vùng xuôi. Nhiều người đã hy sinh cả tuổi thanh xuân, dẫu đối mặt với bao khó khăn, thiếu thốn trăm bề, nhưng tình yêu thương của học trò, của bà con đồng bào đã giúp họ vượt qua bao gian nan, khắc nghiệt để vững tâm với sự nghiệp trồng người.
Ở cái nơi chủ yếu là đồng bào nghèo, khó khăn, thiếu thốn, đường sá xa xôi, hiểm trở. Với các thầy cô giáo, quà tặng lớn nhất với họ là các em đến lớp đông đủ, là những bữa cơm các em được ăn no, có áo ấm để mặc. Đơn giản vậy thôi!
Toàn huyện Sơn Tây có hơn 600 giáo viên thì có đến 200 thầy cô phải cắm bản ở vùng sâu vùng xa. Tuổi đời còn trẻ, nhưng tình thương và trách nhiệm của người thầy như người cha, người mẹ của những học sinh nghèo.
Thầy Lê Hoài Thạnh- Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây chia sẻ: Các thầy cô giáo, nhất là giáo viên cắm bản ở đây rất thiệt thòi, nhiều cô phải hy sinh hạnh phúc riêng tư, xa chồng, xa con để bám trụ với nghề.
Đến thăm xã Sơn Liên vào ngày 19.11, Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Minh đã vô cùng xúc động trước nghĩa tình thầy trò nơi đây. Phó Bí thư Tỉnh ủy bảo rằng: “Không hoa, không quà, nhưng tấm lòng của các thầy cô là những đóa hoa bất tử”.
Bài, ảnh: Ái Kiều