(Baoquangngai.vn)- Năm học 2014-2015, Quảng Ngãi tổ chức thí điểm dạy tiếng Việt lớp 1 theo phương pháp mới “Công nghệ giáo dục”. Phương pháp được cho là đặc biệt ưu việt- “học đâu biết đấy” này đang gây tranh cãi ngay trong nội bộ của ngành giáo dục.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Người dạy lo
Sau một buổi “múa may” bằng điệu bộ theo chương trình giáo dục mới, cô giáo Lê Thị Hạnh- giáo viên chủ nhiệm lớp 1A, Trường Tiểu học xã Hành Thuận (Nghĩa Hành) chỉ tay lên bảng vẽ các ô vuông tô màu hồng than thở: “Ngủ thì thôi chứ thức là lo ngay ngáy. Cả buổi mà dạy chưa xong bài tiếng Việt còn thời gian đâu mà dạy các tiết khác”.
Xưa nay, học sinh lớp 1 bắt đầu học từ âm đơn, đến âm đôi, âm kép rồi mới đến vần. Âm + vần = tiếng, tiếng + tiếng= từ, từ + từ= câu. Nay, bài đầu tiên là đọc câu, tìm từ giống nhau, dùng từ chính tả thay vì tập chép. Chính tả là cô đọc trò chép, trong khi các em lớp 1 chưa thể viết chính tả được.
Ghi nhận tại lớp học, học sinh phải học theo điệu bộ của cô giáo. Khi cô giáo giơ tay trái là các em đọc âm, tay phải là vần. Khi xòe hai bàn tay ra là phân tích, gập hai bàn tay lại là tổng hợp.
Theo phương pháp dạy mới, phải dạy và học theo điệu bộ. |
Cũng theo cô Hạnh, cái ngại nhất của phương pháp này là chỉ học mô hình, không viết, chương trình mới quá nặng, dàn trải đối với học sinh lớp 1. Hồi xưa lấy học sinh làm trung tâm, giờ giáo viên nói suốt ngày. Thời khóa biểu một buổi có 2 tiết tiếng Việt, 1 tiết Toán, 1 tiết đạo đức, nhưng giáo viên loay hoay mãi cả buổi vẫn chưa xong 2 tiết tiếng Việt.
Đồng quan điểm, nhiều giáo viên dạy lớp 1 cho rằng, nếu thay đổi thì phải áp dụng ngay từ mẫu giáo chứ mẫu giáo thì cấm học chữ mà lên lớp 1 lại đòi hỏi quá cao. Học trò còn nhỏ, đã nhớ trong đầu rồi khó thay đổi.
Thầy Trần Văn Bằng- Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Hành Thuận lý giải: Phương pháp này phải có đồ dùng dạy học mới phát huy hiệu quả trong khi đó mình lại không có, thị trường cũng chưa bán, học sinh đi học chỉ có 2 que tính bảo sao học tốt được, những từ khó không có giải nghĩa.
Lẽ ra thay đổi, tỉnh phải thông báo ngay từ cuối năm học trước để nhà trường và phụ huynh chuẩn bị. 100% phụ huynh đã mua sách theo chương trình cũ cho con, gây lãng phí lớn.
Nhà trường phải tổ chức họp phụ huynh toàn khối lớp 1 để giải thích, động viên phụ huynh tạm thời nên kiên nhẫn, biết đợi và biết lắng nghe những điều con nói.
Sách "Giáo dục công nghệ" đang gây tranh cãi. |
“Không biết học kiểu gì mà nó về toàn vẽ hình vuông, hình tam giác, hình tròn. Mấy bữa đầu mình không biết lại lấy tẩy gom sạch. Phụ huynh phó thác cho giáo viên chứ chúng tôi mù tịt. Trước kia còn biết dạy cho nó chữ a, chữ b chứ giờ đọc sao nó cũng bảo mẹ đọc sai”- chị Nguyễn Thị Trang- một phụ huynh có con học lớp 1 lắc đầu chia sẻ.
Người quản lý bảo dễ
Công nghệ giáo dục bắt đầu thí điểm năm 1978 tại Trường phổ thông cơ sở Thực nghiệm (Hà Nội). Năm 1990, đề tài quốc gia Công nghệ Giáo dục được nghiệm thu, thành lập Trung tâm Công nghệ Giáo dục.
Đến năm 2001 thì dừng lại vì cả nước sử dụng “một chương trình, một bộ sách giáo khoa”. Công nghệ giáo dục kể từ đó chỉ còn áp dụng tại trường thực nghiệm.
Vào năm 2006, có thí điểm tại Trường Tiểu học Nguyễn Nghiêm (TP. Quảng Ngãi), nhưng thời điểm này chưa phù hợp nên dừng lại. Và đến năm học này, tỉnh quyết định “hồi sinh”, triển khai ở 41 trường tiểu học ở Nghĩa Hành, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Minh Long, Trà Bồng, Ba Tơ, Sơn Tây.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Phiên- Phó trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT) khẳng định: Cách nhìn theo lối cũ, cứ thay đổi một chút thì bảo khó. Phản hồi từ các địa phương khác, điển hình như Quảng Trị cho thấy học sinh hiểu và nhớ lâu, miền núi sẽ có kết quả tốt, vì thế không đáng lo ngại”.
Cũng theo ông Phiên, sách này nội dung không khó có điều hình thức biên soạn và hình thức dạy mới, còn kiến thức không thay đổi. Hiện nay cả nước đã có 42 tỉnh, thành phố triển khai thí điểm chương trình này.
Bản chất là tổ chức và kiểm soát quá trình dạy học bằng một quy trình kỹ thuật được xử lý bằng giải pháp nghiệp vụ sư phạm, để học sinh lớp 1 chiếm lĩnh được ngữ âm ngay từ đầu, biết cách phân tích ngữ âm, đọc thông viết thạo, nắm chắc các quy tắc chính tả, không tái mù chữ… “Học đâu biết đấy”.
Một phần nội dung yêu cầu trong sách giáo dục công nghệ lớp 1. |
Cái khó của chương trình mới đòi hỏi giáo viên phải có kiến thức sâu, không dạy chữ trước mà dạy ngữ âm trước. Ngoài ra, tâm lý của phụ huynh cũng rất hoang mang khi những tháng đầu kết quả học tập của con em chưa đạt như chương trình cũ.
“Các bậc phụ huynh nên khuyến khích con tự học, kiên nhẫn, biết đợi và biết lắng nghe những điều con nói”- ông Phiên nhấn mạnh. Tuy nhiên, câu trả lời này không nhận được sự đồng tình từ đội ngũ giáo viên trực tiếp đứng lớp.
“Có đi đêm mới biết lạnh. Có trực tiếp dạy mới biết khó khăn thế nào? Kết quả chưa thể khẳng định được! Chúng tôi chỉ lo là các em đã học rồi thì phải theo suốt chứ nếu bỏ giữa các em sẽ rất khó tiếp cận lại”- một giáo viên xin được dấu tên chia sẻ.
Bài, ảnh: Ái Kiều