Dấu ấn Trường Trung học kháng chiến Lê Khiết

08:09, 01/09/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau Cách mạng Tháng Tám, cùng với nhiệm vụ diệt giặc dốt, Đảng và Nhà nước ta đã có một chiến lược chăm lo đào tạo nhân tài cho đất nước. Trong bối cảnh đó, tháng 10.1945, sau khi thiết lập chính quyền cách mạng, tỉnh ta đã thành lập trường mang tên một chí sĩ yêu nước đó là Trường Trung học Lê Khiết. Suốt 10 năm hình thành và phát triển, ngôi trường là cái nôi đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

TIN LIÊN QUAN

Cái nôi hiếu học

Dạy và học trong hoàn cảnh chiến tranh nên Trường Trung học Lê Khiết phải thường xuyên đối phó với rất nhiều thiếu thốn, ác liệt. Từ tháng 10.1945 đến tháng 8.1949, do thực dân Pháp liên tục pháo kích, trường phải dời địa điểm 4 lần: Từ thị xã Quảng Ngãi lên Chợ Chùa (Nghĩa Hành) đến thị tứ Sông Vệ (Tư Nghĩa) rồi đến làng An Ba, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành). Do điều kiện kinh tế khó khăn lại được hình thành trong thời kỳ bom đạn khốc liệt nên cơ sở vật chất phục vụ cho nhiệm vụ dạy và học, ăn và ở lúc bấy giờ của thầy và trò rất eo hẹp. Nói là trường chứ thực ra là mượn nhà dân làm cơ sở. Lớp học chỉ là những túp lều tranh mái lá đơn sơ. Riêng ngôi trường Lê Khiết tại làng An Ba, xã Hành Thịnh cũng 3 lần bị pháo kích.

 

Các em học sinh dâng hương tại mộ cụ Lê Khiết ở xã Hành Thịnh. Ảnh T.Ptrịnh phương
Các em học sinh dâng hương tại mộ cụ Lê Khiết ở xã Hành Thịnh. Ảnh T.Ptrịnh phương


Được sự quan tâm của đại diện Trung ương Đảng ở miền Trung, của Khu ủy Khu 5 và tỉnh Quảng Ngãi, trường đã không ngừng phát triển, chiêu sinh từ Quảng Nam đến Bình Định, mở thêm các lớp cấp 3, thực hiện quan điểm, phương châm giáo dục cách mạng, gắn việc dạy và học của nhà trường với cuộc kháng chiến và các phong trào cách mạng ở địa phương, góp phần làm cho phong trào cách mạng địa phương ngày càng lớn mạnh.

Suốt 10 năm hình thành và phát triển (1945- 1955), nhà trường luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong số gần 3.500 học sinh kháng chiến thời ấy, nhiều người đã trở thành chiến sĩ Vệ quốc đoàn, cán bộ chủ chốt của Khu 5, của Trung ương sau này như Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ... Phần lớn trong số họ đã tập kết ra Bắc, trên 200 người đã trở thành Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, giáo sư, tiến sĩ, văn nghệ sĩ nổi tiếng như Giáo sư Viện trưởng Lê Xuân Tú, Phạm Duy Hiển; Hiệu trưởng các trường đại học như Đặng Công Lý, Trương Quốc Sang; các nhà văn, nhạc sĩ Nguyên Ngọc (Nguyễn Trung Thành), Trương Quang Lục...
 

Hành Thịnh đang tập trung mọi nguồn lực để phát triển hệ thống giáo dục. Đến thời điểm này, 2 cấp học: Tiểu học và THCS của xã đã hoàn thành việc xây dựng trường chuẩn. Riêng đối với bậc học mầm non, xã phấn đấu đến cuối năm 2015 sẽ hoàn thành việc xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Tiếp lửa truyền thống

Chính cái nôi dân trí làng An Ba là một phần cốt cách, máu thịt để trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Hành Thịnh đứng vững trước sự đánh phá vô cùng ác liệt của kẻ thù, trở thành đơn vị Anh hùng LLVTND. Và hôm nay, Hành Thịnh ngày càng trở nên giàu đẹp nhờ những đóng góp to lớn của những người con quê hương.

Đây cũng là xã văn hóa đầu tiên của huyện Nghĩa Hành, là bàn đạp để Hành Thịnh vươn lên đạt 14/19 tiêu chí của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Dự kiến đến cuối năm 2014, Hành Thịnh sẽ tiếp tục hoàn thành 3 tiêu chí, gồm đường giao thông nông thôn, trường học và chợ nông thôn. Riêng 2 tiêu chí còn lại trong số 19 tiêu chí gồm tiêu chí 3 (kênh mương thủy lợi), tiêu chí số 10 (thu nhập) đòi hỏi cần có sự đầu tư lớn.

Trong khoảng 5 năm trở lại đây Hành Thịnh đã phát triển mạnh về kinh tế và cơ sở hạ tầng. Hệ thống điện, đường, trường, trạm đảm bảo; nhà cửa, đường làng ngõ xóm bố trí theo quy hoạch của nông thôn mới. Nếu như cách đây 5 năm thu nhập bình quân đầu người đạt 8-9 triệu đồng/người/năm thì đến cuối năm 2013 là 14,5 triệu đồng/người/năm.  
 

Trịnh Phương


 


.