(Báo Quảng Ngãi)- Sáng 11.8, các em học sinh bậc THCS và THPT trên địa bàn toàn tỉnh bước vào năm học mới 2014- 2015. Đến thời điểm này, các trường trên địa bàn tỉnh kể cả bậc mầm non cũng đã sẵn sàng cho năm học mới. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường gặp nhiều khó khăn, nhất là các trường miền núi, do thiếu thốn về cơ sở vật chất, giáo viên...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Làm đẹp trường lớp
Đầu tháng 8, về các địa phương trong tỉnh chúng tôi đều nhận thấy các ngôi trường đã được sửa chữa, dọn dẹp vệ sinh khang trang hơn trước. Nhiều ngôi trường được đầu tư xây dựng mới, nhiều nhất là bậc học mầm non. Không chỉ ở đồng bằng mà ở huyện miền núi Sơn Hà cũng đầu tư mạnh cho bậc học này. Với những ngôi trường vừa được xây mới hoàn toàn và được đưa vào sử dụng trong năm học này như Trường Mầm non Sơn Hạ, Trường Mầm non Sơn Thành (Sơn Hà)… sẽ là niềm vui và sự động viên lớn lao đối với phụ huynh, học sinh và giáo viên nơi đây. Hệ thống trường bậc tiểu học và THCS cũng được quan tâm tu sửa và xây mới nhiều phòng học, tạo khí thế cho một năm học mới.
Học sinh Trường THCS Sơn Thủy (Sơn Hà) dọn vệ sinh trường lớp chuẩn bị cho năm học mới. |
Bà Nguyễn Thị Thành - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sơn Hà, cho biết: Phòng vừa bàn giao và đưa vào sử dụng 4 phòng học và tường rào cổng ngõ Trường Mầm non Sơn Kỳ và Sơn Hạ. Hai trường mầm non này được xây dựng từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia, với tổng kinh phí gần 9,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay Phòng GD&ĐT mới chỉ được bố trí hơn 3,5 tỷ đồng.
Phòng GD&ĐT cũng sẽ bàn giao Trường Mầm non Sơn Nham, Sơn Thành để kịp đưa vào sử dụng cho năm học 2014- 2015, với tổng kinh phí gần 14 tỷ đồng từ nguồn vốn 30a. Ngoài ra, ngành cũng sử dụng nguồn vốn sự nghiệp giáo dục để sửa chữa, nâng cấp trên 30 phòng học và một số công trình phụ trợ khác với tổng kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng. Hiện ngành giáo dục Sơn Hà đang triển khai kế hoạch mua sắm trang thiết bị, sách giáo khoa với tổng kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng.
Thầy Tạ Đình Trường An- Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Thủy (Sơn Hà), cho biết: Thực hiện chỉ đạo của ngành, hơn 2 tháng nghỉ hè, nhà trường đã phân công giáo viên có kinh nghiệm, năng lực và yêu nghề bồi dưỡng cho học sinh yếu kém học hè. Sau khi hoàn thành chương trình ôn tập, giáo viên phối hợp với nhà trường tổ chức đánh giá, nhận xét học sinh. Trong thời gian gần đây, các em có khả năng tiếp thu và nhận thức tiếng Việt rất nhanh, đặc biệt là học sinh cấp 2. Ngay khi vừa nghỉ hè, nhà trường đã kiểm kê lại cơ sở vật chất và sửa chữa phòng học, bàn ghế. Đến đầu tháng 8, trường tổ chức cho các em dọn vệ sinh làm đẹp trường lớp. Đến nay, trường đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị cho năm học mới.
Để chuẩn bị cho năm học mới, ngành giáo dục huyện Sơn Tây cũng đã trích hơn 1,5 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp giáo dục để sửa chữa và nâng cấp hơn 30 phòng học xuống cấp. Đến nay, địa phương đã hoàn thành việc dạy phụ đạo cho học sinh yếu kém với trên 100 lớp cho 2 bậc tiểu học và THCS. Riêng đối với bậc học mầm non, các trường cũng đã hoàn thành việc luyện nói và giao tiếp bằng tiếng Việt cho các cháu. Đến nay, tỷ lệ nghe, nói tiếng Việt của các cháu vào lớp 1 đạt khoảng trên 80%.
Còn bộn bề những khó khăn
Bà Nguyễn Thị Thành, cũng trăn trở: Hầu như trường nào cũng thiếu cơ sở vật chất. Trong đó, thực trạng chung là thiếu các phòng chức năng, phòng học để đảm bảo nhu cầu học 2 buổi/ngày; các công trình phụ trợ như phòng thực hành, phòng chuyên biệt… Bên cạnh đó, toàn huyện Sơn Hà cũng thiếu trên 100 giáo viên. Trong đó nhiều nhất là bậc tiểu học. “Chúng tôi đã có báo cáo lên Sở Nội vụ nhưng đến nay vẫn chưa được giao biên chế. Để đảm bảo cho công tác dạy và học trong năm học này, chúng tôi phải tiếp tục ký hợp đồng với 54 giáo viên các bộ môn của bậc tiểu học và 47 giáo viên, nhân viên bậc mầm non.
Thầy Tạ Đình Trường An, cho biết: Năm học 2014- 2015, trường sẽ đón trên 300 học sinh được chia làm 9 lớp. Tuy nhiên, hiện tại nhà trường chỉ có 5 phòng học. Với số lượng phòng học quá ít, không đảm bảo sắp xếp cho học sinh học 2 buổi/ngày, dạy phụ đạo cho học sinh yếu kém. “Trước mắt, trường có định hướng sẽ dạy phụ đạo ban đêm cho học sinh yếu kém. Tuy nhiên với khu vực miền núi thì việc vận động các em ra lớp đủ đã là điều khó khăn, giờ vận động các em học thêm buổi tối sẽ là một thách thức lớn”, thầy An, trăn trở. Để đảm bảo đủ điều kiện cho hoạt động dạy và học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, về lâu dài, ngành giáo dục cần quan tâm đến việc đầu tư về cơ sở vật chất. Theo thầy An, hiện Trường THCS Sơn Thủy vẫn còn thiếu 2 phòng học, phòng thư viện, phòng thiết bị và phòng bộ môn.
Không riêng gì Sơn Hà mà đó cũng là thực trạng chung của các huyện miền núi. Thầy Lê Hoài Thạnh- Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây, cho biết: Hiện địa phương cũng còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhất là khi chuyển đổi một số trường THPT qua trường phổ thông dân tộc bán trú đã dẫn đến tình trạng thiếu nhà ăn, nhà ở cho học sinh. Để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đòi hỏi sự đầu tư mạnh về cơ sở vật chất. Có như vậy mới đảm bảo chất lượng giáo dục trong năm học 2014-2015 và những năm tiếp theo.
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG