(Báo Quảng Ngãi)- Ngoài kiến thức ở giảng đường, thầy cô giáo vùng cao cần phải học thêm tiếng bản địa, biết dỗ dành học sinh, biết rèn thể lực để trèo đèo lội suối, chấp nhận cuộc sống gian khó, thiếu thốn…
TIN LIÊN QUAN |
---|
Gian nan cắt rừng dạy chữ
Con đường bê tông rộng thênh thang mang tên Trường Sơn Đông, dẫn chúng tôi về điểm trường khu dân cư Nước Đốp, thôn Ra Manh, xã Sơn Long (Sơn Tây), cứ như một mê cung uốn lượn. Hết dốc cao lại đến vực sâu, ấy thế mà gần một năm qua kể từ ngày lòng hồ thủy điện Đăkđrinh tích nước, thầy cô nơi đây vẫn quyết tâm bám trường bám lớp, dạy chữ cho học trò.
Giáo viên ở huyện miền núi Sơn Tây tận tình hướng dẫn cho học sinh học tập. Ảnh: TL |
Từ trung tâm xã Sơn Long để vào được điểm trường Nước Đốp, các thầy cô giáo phải cắt rừng, leo núi trong 2 tiếng đồng hồ. “Hồi trước tết đi còn khó hơn nhiều, chỉ là đường mòn người dân hay đi thôi, cây cối rậm rạp lắm! Sau tết người ta phát quang, mở rộng nên giờ mới được như thế này. Đi có hơn 3km thôi nhưng rất mất sức do toàn dốc dựng đứng. Học trò ở đó không nhiều, mỗi lớp chưa đến 10 em nhưng phải mở điểm trường để dạy. Mình thanh niên trai trẻ không vào với học trò thì ai vào!” – thầy giáo Đàm Vị nói.
Còn với cô giáo trẻ Nguyễn Thị Trâm, dạy tiểu học ở xã Trà Quân, huyện Tây Trà, thì bảo, ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ lên Trà Quân công tác cô rất bỡ ngỡ và chưa thể hình dung ra Trà Quân như thế nào. “Trong suy nghĩ của mình lúc đó thì Trà Quân là một xã miền núi còn nhiều khó khăn và học trò đang cần con chữ. Đam mê nghề nghiệp và muốn “thử cảm giác” vùng cao, nhưng đâu ngờ lên đây rồi mới thấy khó khăn hơn nhiều so với những gì mình từng nghĩ. Từ nhà ở quê chạy xe máy mất gần 3 tiếng đồng hồ mới đến được trung tâm xã Trà Quân.
Đường tỉnh lộ đi còn được nhưng khi đến đường từ Trà Phong về Trà Quân thực sự là thử thách. Nhận nhiệm vụ vào đầu năm học mới nên trời mưa gió, đường sá thì ổ gà, ổ voi, một bên là núi cao bên kia là vực sâu nhìn sợ lắm! Mà đoạn đường hơn 5km ấy toàn băng qua giữa các ngọn núi vắng lạnh không một bóng người. Những tưởng có lúc sẽ bỏ cuộc nhưng rồi mình đã vượt qua. Giờ đường nhựa rồi khỏe hơn nhiều !” – cô giáo Trâm tâm sự.
Không chỉ thầy Vị, cô Trâm mà hàng trăm thầy cô giáo đang công tác ở các xã vùng cao, vùng xa của tỉnh còn lắm khó khăn. Nhiều điểm trường đến giờ thầy cô vẫn phải cắt rừng đi bộ hàng chục cây số để gieo chữ cho học trò, họ vẫn ngày ngày lặng lẽ ươm mầm tri thức.
Giáo viên “3 trong 1”
Chăm chút từng nét chữ để các em vào đời. |
Khác xa với thầy cô giáo miền xuôi những ngày đầu năm học mới chỉ cần họp phụ huynh là bắt đầu dạy học. Đối với thầy cô giáo miền núi thì thời điểm đầu năm học mới thật gian nan. Bởi ngoài giờ ra lớp họ phải đi vận động học sinh đến trường. “Mà để đi vận động hiệu quả thì điều đầu tiên là mình phải biết tiếng Ca Dong. Nhờ được tham gia học tiếng đồng bào nên giờ mình đi vận động cũng “dễ thở” hơn so với các đồng nghiệp mới lên dạy một hai năm đầu. Học trò lớp tôi đi đông đủ lắm dù cũng có em nghỉ giã gạo” - thầy giáo Nguyễn Tấn Tỵ, dạy tại điểm trường khu dân cư Nước Đốp, thôn Ra Manh, xã Sơn Long tâm sự. Mới đây, để chuẩn bị cho năm học mới, huyện Tây Trà cũng mở lớp dạy tiếng Cor cho gần 200 giáo viên đang công tác trên địa bàn huyện.
Không chỉ giỏi trong công việc chuyên môn, nhiều thầy cô còn vào bếp nấu cơm, ra suối giặt từng bộ đồ cho học sinh vì trên đường ra lớp bùn đất vấy bẩn... Ông Lê Hoài Thạnh - Trưởng Phòng Giáo dục huyện Sơn Tây tâm sự: “Hầu hết giáo viên công tác trên địa bàn huyện rất tâm huyết với học trò. Chúng tôi hay gọi họ là giáo viên “3 trong 1” bởi nhờ có những người như họ mà số lượng học sinh của các lớp luôn đảm bảo và người dân an tâm đưa con ra lớp học. Hình ảnh các thầy cô như người mẹ hiền của các em vậy!”.
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC