Nỗi niềm giáo viên vùng cao

07:11, 23/11/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mỗi dịp 20.11, học trò vùng cao tặng quà cho thầy cô của các em là cánh hoa dại ven rừng, hay những trái bắp, củ khoai của núi rừng…Dù vậy, nhưng những giáo viên vùng cao vẫn cảm thấy ấm lòng.

TIN LIÊN QUAN

Phòng “hậu sản” bất đắc dĩ

Chúng tôi đến Trường Tiểu học- THCS Sơn Bua (Sơn Tây) lúc trời nhá nhem tối. Dãy nhà công vụ với 4 phòng nhỏ chưa đầy 20m2 là chỗ ở của 23 con người. Trong đó, 2 phòng của nữ, 2 phòng của giáo viên nam. Đến đầu dãy phòng của nữ, thì một mùi đặc trưng chỉ có ở bệnh viện khiến tôi ngỡ ngàng.

 

Bữa ăn tối tập thể của giáo viên Trường Tiểu học- THCS Sơn Bua.
Bữa ăn tối tập thể của giáo viên Trường Tiểu học- THCS Sơn Bua.


 Thầy Nguyễn Văn Hùng, hiệu trưởng nhà trường cho biết: Đây là phòng “hậu sản”- Giáo viên có con nhỏ đều tập trung vào đây. Chỉ có vậy họ mới dễ cảm thông và chia sẻ trong sinh hoạt. Ở đây có 3 cháu nhỏ rất kháu khỉnh, cháu lớn nhất chỉ mới 14 tháng tuổi, cháu nhỏ nhất được 7 tháng tuổi. Căn phòng này trở nên quá tải nên chỉ chừa 1 lối đi hẹp.

Chị Đỗ Thị Mỹ Duyên, giáo viên tiểu học, quê xã Tịnh Hiệp (Sơn Tịnh), vừa cho đứa con 7 tháng tuổi ăn dặm, cho biết: Chị lên Sơn Tây công tác được 4 năm và đây cháu Võ Thị Minh Thư -con gái đầu của chị. Vì điều kiện công tác, bé mới 5 tháng, Duyên phải đưa con lên để tiện bề chăm sóc. Vừa lo công tác chuyên môn, vừa chăm sóc con mọn, cuộc sống của những giáo viên nữ như Duyên gặp không ít khó khăn. Do hoàn cảnh mẹ già, hay đau ốm, nên người cô họ của Duyên, bà Lê Thị Hoà đã theo chị lên để phụ trông giữ cháu. Tối đến 3 cô cháu nằm ở cái giường chật hẹp. “Vì hoàn cảnh cả nên mình cũng phải thích nghi”- chị Duyên nói.

Chị Bùi Thị Ánh Minh cũng hoàn cảnh tương tự. Con gái chị mới 1 tuổi. Mấy hôm nay thời tiết mưa lũ khiến cháu bị ho, cảm sốt khiến chị không khỏi lo lắng. Chị Minh cho biết, sang tuần đến phải đưa cháu về dưới xuôi để gởi cho ông bà chăm sóc. Giáo viên nữ vùng cao nơi đây  phải chấp nhận hy sinh nhiều thứ, quyết tâm bám trụ vùng đất này để ngày ngày gieo chữ. “Dẫu cuộc sống khó khăn, nhưng không một ai chán nản, bỏ cuộc. Chúng tôi ở cùng nhau, dễ thông cảm và động viên nhau cùng cố gắng”- thầy Hùng, tâm sự.

Ở cái phòng “đặc biệt” này còn có 3 giáo viên nữ chưa lập gia đình, nhưng họ đều cảm thông cho đồng nghiệp. Rời bục giảng là họ cùng phụ giúp các chị có con nhỏ chăm sóc con, lo cơm nước. “Chỉ mong các cháu khoẻ mạnh, cứng cáp để các chị yên tâm lên lớp mà thôi” - chị Nguyễn Thị Minh Xuyến, mong ước.

Có an cư mới lạc nghiệp

Dân gian có câu “an cư mới lạc nghiệp”, nhưng với những giáo viên vùng cao, dù chưa an cư song họ vẫn nhiệt tâm bám trường, bám lớp đem cái chữ đến với học trò vùng khó. Điều khiến họ có được tâm huyết ấy chính là tình thương yêu, gắn bó với học trò vùng cao. Họ đã nuôi tình thương đó lớn dần với vô vàn kỷ niệm.

Cô giáo Bùi Thị Kim Huệ, ở thị trấn Sông Vệ (Tư Nghĩa), giáo viên cấp 2, Trường THCS Sơn Bua, chia sẻ: “Nhiều lần đến nhà vận động học sinh đi học, chúng tôi phải bật khóc khi chứng kiến nhiều hoàn cảnh éo le. Có em khóc, tâm sự với chúng tôi: Cô ơi, em chỉ có 1 cái quần, nhưng bị rách rồi. Em không dám đi học đâu. Có em bị đói, thiếu gạo ăn, phải đi đào sắn để qua cơn đói nên không thể đến lớp. Có em đi qua suối bị trượt chân, sách vở bị trôi nên nghỉ học… Thấy các em chịu nhiều thiệt thòi, nên khi khó khăn, mệt nhọc chúng tôi đều cố gắng vượt qua”.

Toàn huyện Sơn Tây có hơn 400/600 giáo viên có nhu cầu về chỗ ở, nhưng đến nay huyện chỉ có 40 nhà công vụ đáp ứng nơi ăn, chốn ở cho khoảng 200 giáo viên. Còn lại đa số thầy, cô phải ở tạm nhà dân, nhà bán trú học sinh…Ông Lê Hoài Thạnh- Trưởng Phòng Giáo dục huyện Sơn Tây cho biết: “Hiện nơi ăn, ở sinh hoạt của giáo viên rất khó khăn, vì thiếu phòng nên phải ở ghép 7-8 người trong một phòng chật hẹp. Trong khi đó, với đặc thù huyện nghèo, chúng tôi phải lo tập trung ưu tiên kinh phí xây phòng học cho học sinh trước. Mỗi dịp gặp mặt giáo viên nhân ngày nhà giáo, chúng tôi chỉ biết động viên anh em cố gắng công tác”.

Đó cũng là thực trạng chung của các huyện miền núi trong tỉnh. Hiện nay, hàng nghìn giáo viên vùng cao rất cần hỗ trợ về chỗ ở để có thể yên tâm, “an cư, lạc nghiệp” vì học trò vùng cao thân yêu.  
              

  Bài, ảnh: KN
 


.