Cơ sở đào tạo nghề ở Quảng Ngãi: Loay hoay trong "bể" khó (kỳ 2)

08:06, 28/06/2014
.

TIN LIÊN QUAN

 

Kỳ 2: Đâu là giải pháp?


(Báo Quảng Ngãi)- Để duy trì hoạt động, các cơ sở đào tạo nghề “tung” ra mọi hình thức có thể nhằm thu hút người học, song việc thực hiện chưa đồng bộ.

 

Ráo riết quảng bá

Qua làm việc với lãnh đạo các cơ sở đào tạo nghề cho thấy, tăng cường công tác quảng bá là giải pháp căn cơ để kêu gọi học viên. Đối với Trường CĐ Nghề cơ giới, học sinh THCS là đối tượng được chú ý hàng đầu. Theo ông Võ Thanh Trí-Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề cơ giới, học sinh sau khi tốt nghiệp THPT hiếm khi chọn trường nghề. Ngay sau Tết Nguyên đán, trường đã tiến hành công tác quảng bá để chiêu sinh. Cùng với việc cán bộ làm công tác tuyển sinh trực tiếp đến  trường học nói chuyện với học sinh, Trường CĐ Nghề cơ giới ký hợp đồng với đài truyền thanh các xã tuyên truyền, giới thiệu về trường suốt nhiều tháng liền.

Học viên Trường Trung cấp Nghề Quảng Ngãi trong giờ thực hành.                  Ảnh: T.PHƯƠNG
Học viên Trường Trung cấp Nghề Quảng Ngãi trong giờ thực hành. Ảnh: T.PHƯƠNG


Đối với Trung tâm Dạy nghề Trà Bồng, ông Hạ Huy Tiến - Giám đốc Trung tâm cho biết, cán bộ và nhân viên của trung tâm trực tiếp đến tận các thôn ở huyện Trà Bồng, Tây Trà để chiêu sinh. Hơn nữa, việc đào tạo nghề của trung tâm còn gắn với chương trình đưa thanh niên các huyện nghèo đi xuất khẩu lao động và đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, trước thực tế trung tâm hoạt động kém hiệu quả, lãnh đạo huyện Trà Bồng đang tính đến phương án sáp nhập với Trung tâm GDTX&HN-DN huyện, từ đó nâng cấp thành Trường Trung cấp nghề để tránh lãng phí cơ ngơi như hiện nay. Ông Nguyễn Xuân Bắc-Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng, thẳng thắn nói: “Khi xây dựng, Trung tâm Dạy nghề huyện được kỳ vọng sẽ đào tạo lao động có tay nghề cho thị trường lao động trong tỉnh và phục vụ công tác xuất khẩu lao động. Do đó bằng mọi cách phải đưa trung tâm đi vào hoạt động hiệu quả. Huyện đã có đề án trình lên cấp thẩm quyền xin được nâng cấp lên thành Trường Trung cấp Nghề Trà Bồng”.

Đào tạo theo “đơn đặt hàng”

Ông Võ Đình Tá-Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Quảng Ngãi cho biết: Để học viên an tâm khi học tập tại trường, nhà trường thường xuyên cung cấp cho các em thông tin nghề nghiệp, thị trường lao động, việc làm và ký các hợp đồng cung ứng lao động với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Nhà trường khảo sát nhu cầu lao động ở các doanh nghiệp để giới thiệu học viên đến thực tập cuối khóa nhằm tạo cho các em cơ hội việc làm. Trường thường xuyên giới thiệu học viên thực tập và làm việc tại các doanh nghiệp như: Công ty CP Đường Quảng Ngãi, Công ty Công nghiệp nặng Doosan Vina, Công ty Cơ khí An Ngãi, Xí nghiệp may Dung Quất… Nhờ đó tỷ lệ học viên Trường Trung cấp Nghề Quảng Ngãi có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt trên 90%.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp sau khi tuyển dụng lao động phải đào tạo lại do trình độ chuyên môn không đáp ứng yêu cầu. Điều này dẫn đến tốn kém về mặt thời gian và kinh phí, trong khi đó trường nghề lại “vắng” người học. Do đó, đào tạo theo “đơn đặt hàng” của doanh nghiệp đang được xem là một trong những giải pháp để “giải cứu” trường nghề, cũng như cung ứng nguồn lao động đáp ứng  nhu cầu của doanh nghiệp.
 

Ông Lê Văn Thái-Phó trưởng Phòng Việc làm (Sở LĐ-TB&XH) cho biết, Chỉ thị 10 của Bộ Chính trị về phân luồng sau THCS quy định 30% học sinh sau THCS vào các trường nghề. Điều này vừa đáp ứng nhu cầu bức thiết của xã hội, vừa mở ra cơ hội để trường nghề phát triển. Tuy nhiên, ở tỉnh ta chỉ mới đạt từ 6 - 7% học sinh sau THCS vào học trường nghề. Để đạt được con số theo Chỉ thị 10 quy định đòi hỏi tỉnh ta phải có lộ trình phù hợp.

Gỡ “nút thắt” từ việc phân luồng

Chỉ thị 10 của Bộ Chính trị về việc phân luồng học sinh sau THCS có ý nghĩa to lớn trong việc cung ứng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đồng thời tạo cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi người phù hợp với năng lực. Tuy nhiên, chỉ thị ra đời đến nay đã gần 3 năm nhưng chưa thật sự đi vào cuộc sống. Các cơ sở đào tạo nghề đìu hiu vì thiếu vắng người học, trong khi đó học sinh ồ ạt vào đại học khiến xã hội mang gánh nặng “thừa thầy thiếu thợ”.  

Trong thời gian qua, để nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề, tỉnh đã phân bổ nguồn kinh phí đáng kể cho trường nghề. Hằng năm, tỉnh bố trí ngân sách từ 5 - 7 tỷ đồng để đào tạo khoảng 4,5 - 5 nghìn lao động lành nghề. Bộ LĐ-TB&XH cũng phân bổ cho tỉnh khoảng 5 tỷ đồng/năm, giúp đào tạo khoảng 4 nghìn người. Con số trên được phân bổ tùy vào khả năng, đặc thù của từng cơ sở.

Dù vậy, trong những năm gần đây, hầu hết trường nghề vẫn không hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh. Được biết, tỉnh ta hiện có gần 40% lao động qua đào tạo nghề, phấn đấu đến cuối năm 2015 đạt 45%. Trong bối cảnh người học “chê” trường nghề như hiện nay, để thực hiện mục tiêu nói trên quả là một thách thức. Theo ông Lê Văn Thái, để “giải cứu” trường nghề, thực hiện có hiệu quả việc phân luồng học sinh sau THCS cần thiết phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về lợi ích học dạy nghề; khuyến khích các doanh nghiệp và cá nhân tích cực tham gia vào quá trình giáo dục nghề nghiệp; bảo đảm công bằng xã hội về cơ hội học nghề đối với mọi đối tượng. Bên cạnh đó, các trường nghề cần gia tăng các chính sách ưu đãi học viên.

Với tư cách là một cán bộ quản lý giáo dục bậc THCS, ông Lê Văn Khang-Hiệu trưởng Trường THCS Bình Chánh (Bình Sơn) thì cho rằng, các trường nghề cần phối hợp với các hội đoàn thể, cùng phụ huynh học sinh để hướng nghiệp cho các em ngay từ giữa năm lớp 8, đầu lớp 9, để các em định hình môi trường giáo dục-đào tạo phù hợp với năng lực. Thực hiện tốt việc phân luồng, góp phần giảm áp lực cho xã hội về tình trạng thất nghiệp, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo.

Thực tế đã chứng minh, đại học không phải là con đường duy nhất để vào đời. Vấn đề là các ngành chức năng cần có sự phối hợp đồng bộ để thay đổi nhận thức của các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của trường nghề. Ông Lê Thành Nam-Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ (KTCN) Dung Quất nói: “Phải đẩy mạnh tuyên truyền để mọi người thấy rằng học nghề là một trong những biện pháp tối ưu để kiếm được việc làm và có cơ hội hoàn chỉnh lên đại học theo con đường ngắn nhất. Nếu học viên tốt nghiệp các trường nghề có tay nghề bậc 3/7 thì có thể đăng ký học liên thông tiếp lên đại học theo hệ kỹ sư thực hành. Ngoài ra, sau khi tốt nghiệp học viên có thể vừa đi làm vừa học ở các hệ cao đẳng, đại học không chính quy khác”.
 

LÝ - TRIỀU – PHƯƠNG
 


.