Nỗi niềm xuất khẩu lao động

01:06, 25/06/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những tưởng đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) sẽ giúp người dân tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Nhưng với gia đình ông Nguyễn Văn Thái, ở tổ dân phố 1, thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng) thì ngược lại.

TIN LIÊN QUAN

Chúng tôi tìm đến nhà gia đình ông Nguyễn Văn Thái, thì được người dân ở đây cho biết, đã 5 năm trôi qua kể từ ngày con ông (Nguyễn Hữu Hưng) đi XKLĐ nhưng bị trả về địa phương, gia đình ông Thái phải gánh món nợ mà không biết đến bao giờ mới trả được. Vì thế, căn nhà ông ở trong khu dân cư đông đúc nhưng suốt ngày đóng cửa. Được biết, năm 2009, Nguyễn Hữu Hưng (SN1991) học hết cấp 3,  thi đỗ Đại học Bách khoa Đà Nẵng, nhưng gia đình nghèo nên Hưng phải ở nhà.

Ngôi nhà của vợ chồng ông Nguyễn Văn Thái có nguy cơ bị ngân hàng siết nợ.
Ngôi nhà của vợ chồng ông Nguyễn Văn Thái có nguy cơ bị ngân hàng siết nợ.


Năm 2010, Công ty Xuất khẩu lao động - Thương mại và Du lịch SOVILACO về Trà Bồng tuyển dụng lao động đi làm việc ở Malaysia với mức lương 6-8 triệu đồng/tháng và Hưng đã đăng ký. Trước khi xuất cảnh, gia đình Hưng ký vay Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Trà Bồng 21 triệu đồng để lo chi phí đi. Tuy nhiên, sang Malaysia được 1 năm thì Hưng bị chủ doanh nghiệp cho về nước, với lý do bị bệnh phổi, không đảm bảo sức khỏe.
 

Từ năm 2009 -2013, huyện Trà Bồng đưa 151 lao động đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài, chủ yếu là thị trường Malaysia 124 người, Hàn Quốc 16 người. Trong số đó có hơn 10 lao động phải về nước trước thời hạn. Điều này dẫn đến hệ lụy là người nghèo khi đi XKLĐ về không có tiền trả nợ cho ngân hàng nên càng nghèo thêm.

Về nhà, Hưng “gõ cửa” các cơ quan chức năng để hỏi, vì sao anh có triệu chứng của bệnh phổi nhưng vẫn cấp giấy khám sức khoẻ đủ tiêu chuẩn để đi XKLĐ nhưng không nơi nào giải quyết. Anh Võ Văn Quyền cùng làm việc với Hưng ở Malaysia cho biết: Vừa bay qua Malaysia, chủ doanh nghiệp đã biết Hưng có chấm đen trong phổi, nhưng vì mới sang nên họ để Hưng ở lại làm việc. Lương năm đầu học việc 4 triệu đồng/tháng không đủ ăn nên tôi và Hưng chẳng dư đồng nào. Làm việc được 1 năm, chủ DN cho về nước với lý do sức khỏe không đảm bảo. “Về nước được 3 tháng, Hưng lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự. Ngày ra quân, Hưng làm đủ thứ việc mỗi tháng cũng chỉ được vài ba triệu đồng, đủ chi tiêu nên món nợ giờ vẫn còn nằm trong ngân hàng”, ông Thái nghẹn ngào nói.

Ông Nguyễn Tấn Hóa - Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Trà Bồng cho biết: Ngân hàng giải ngân cho vay khi thấy hồ sơ của Hưng đủ điều kiện. Còn lý do vì sao Hưng về trước hạn, ngân hàng không biết. Nơi Hưng làm việc không có khủng hoảng kinh tế, hay bất ổn về chính trị nên khoản nợ của Hưng không có cơ chế xóa.

Còn bà Phan Thị Quyên - Trưởng Phòng LĐ-TBXH  huyện Trà Bồng, cho biết: Việc Hưng bị DN cho về trước hạn không phải lỗi của huyện, bởi Hưng qua đó 1 năm mới về nước. Tuy nhiên, để làm rõ vì sao Hưng bị cho về, huyện đã có văn bản yêu cầu Công ty SOVILACO làm việc với công ty phía Malaysia để nắm nguyên nhân. Mặt khác, huyện có văn bản kiến nghị ngân hàng xóa nợ, kiến nghị tỉnh, Bộ LĐ-TBXH và Công ty SOVILACO hỗ trợ cho những người lao động về nước trước thời hạn, nhưng chưa thấy cấp nào trả lời.
              

Bài, ảnh: Bá Sơn
 


.