Chủ động đào tạo, cung ứng nguồn lao động

03:06, 16/06/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thực tế công tác đào tạo lao động tại KKT Dung Quất và các KCN tỉnh trong những năm qua dù các cấp, các ngành có sự quan tâm nhưng hiệu quả chưa cao. Công tác đào tạo và cung ứng lao động luôn bị động, vì giữa các nhà đầu tư và cơ quan chức năng chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong việc dự báo nhu cầu tuyển dụng, yêu cầu về trình độ chuyên môn, tay nghề và thời gian cần cung ứng.

DN phải đào tạo lại

Theo tổng hợp của UBND tỉnh, KKT Dung Quất và hai KCN Quảng Phú và Tịnh Phong hiện có trên 25 nghìn lao động làm việc tại các DN. Mặc dù lao động tại các KCN tỉnh dồi dào nhưng chất lượng lao động trong các KCN chưa cao, số lượng lao động có trình độ đại học và trên đại học còn ít, công nhân kỹ thuật chiếm tỷ lệ thấp (24%), phần lớn là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo (chiếm gần 50%). Do đó, các DN sau khi tuyển dụng lao động vào làm việc tại các nhà máy họ phải đào tạo và đào tạo lại lao động. Hầu hết DN tuyển dụng lao động phổ thông để đào tạo phục vụ cho DN mình.

Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại Thuyên Nguyên phải đào tạo lại mỗi khi tuyển dụng lao động.
Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại Thuyên Nguyên phải đào tạo lại mỗi khi tuyển dụng lao động.


Từ năm 2011-2013, hầu hết các DN trong các KCN đã tổ chức đào tạo theo hình thức kèm cặp cho người lao động và đào tạo ngắn hạn, nhằm nâng cao chất lượng lao động, đáp ứng yêu cầu sản xuất của doanh nghiệp. Khoảng 3 nghìn lao động được DN tự tổ chức đào tạo với các ngành nghề, sản xuất linh kiện điện tử, may công nghiệp, chế biến thủy sản, chế biến gỗ, công nhân vận hành máy và ngành nghề khác. Một số DN tiên phong trong công tác đào tạo và bồi dưỡng kiến thức chuyên môn ngắn hạn cho người lao động là Công ty TNHH Điện tử Foster Quảng Ngãi, Công ty Giầy Rieker Việt Nam-chi nhánh Quảng Ngãi, Công ty CP Đường Quảng Ngãi…

Qua khảo sát cho thấy lao động kỹ thuật về may công nghiệp, giày da, chế biến thực phẩm…ít được quan tâm đào tạo nên khó đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Lý giải cho vấn đề này, ông Nguyễn Duy Nhân-Giám đốc Sở LĐTB&XH cho rằng, thời gian qua một số cơ sở dạy nghề vẫn chưa thật sự năng động, linh hoạt trong việc tìm hiểu thị trường lao động, tìm hiểu nhu cầu sử dụng lao động của DN để gắn đào tạo với sử dụng lao động. Mặt khác, năng lực đào tạo các nghề kỹ thuật chất lượng cao của một số trường chưa đáp ứng yêu cầu.

Lao động đã qua đào tạo: Làm gì để tránh lãng phí?

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 30 cơ sở đào tạo lao động. Mỗi năm các trường nghề trong tỉnh đào tạo khoảng 20 nghìn lao động, cộng với 8 nghìn lao động được đào tạo ngoài tỉnh cho thấy số lượng lao động đã qua đào tạo là rất lớn. Tuy nhiên, giải quyết việc làm cho lao động đã qua đào tạo vẫn là bài toán chưa có lời giải tối ưu. Đây là một sự lãng phí lớn.

Theo dự báo từ nay đến năm 2015, KKT Dung Quất sẽ khó có biến động lớn về lao động do không có dự án lớn nào đi vào hoạt động. Nhu cầu lao động chỉ tập trung ở Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi và KCN Tịnh Phong với dự án Giầy Rieker. Dự kiến từ cuối năm 2014, năm 2015 cần khoảng 5 nghìn lao động và đến năm 2020 có nhu cầu tuyển dụng khoảng 16 nghìn đến 20 nghìn lao động.

“Hệ thống dạy nghề trên địa bàn tỉnh còn tràn lan, đào tạo những nghề DN không cần. Do vậy sắp xếp lại hệ thống trường nghề để có chiến lược đào tạo phù hợp”, ông Trần Tấn Châu- Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề xuất.

Một số ý kiến khác cho rằng, cần phải mở rộng ngành nghề, tăng số lượng và hiệu quả đào tạo theo yêu cầu sử dụng lao động của các DN để đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH và hội nhập kinh tế quốc tế. Thực hiện chiến lược liên kết đào tạo, phải có sự kết hợp giữa các đơn vị đào tạo nghề trong tỉnh, các trường ĐH, CĐ, Trung học chuyên nghiệp… của tỉnh trong việc khảo sát nhu cầu cần tuyển dụng tại KKT, các KCN để có kế hoạch đào tạo theo địa chỉ và phù hợp với những tiêu chuẩn mà DN đặt ra nhằm tạo ra đội ngũ lao động có tay nghề đáp ứng cho các DN, tránh tình trạng đào tạo tràn lan, không theo địa chỉ sử dụng.

“Tới đây, DN và các trường dạy nghề cần có ký kết hợp đồng đào tạo và Sở LĐTB&XH sẽ làm cầu nối giữa DN và các trường nghề” - ông Nguyễn Duy Nhân đề xuất. Đồng thời, các trường, trung tâm đào tạo phải đảm bảo cơ sở vật chất kỹ thuật các trang thiết bị hiện đại, đội ngũ giáo viên có tay nghề cao, cải cách chương trình đào tạo, các ngành nghề đáp ứng yêu cầu đào tạo của DN.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh  Phạm Như Sô cho rằng, từ thực tế yêu cầu của nguồn lao động, tỉnh Quảng Ngãi đề ra một số giải pháp để đáp ứng lao động cho doanh nghiệp trong thời gian tới. Đó là cần phải có sự gắn kết giữa chiến lược phát triển KKT, KCN với chiến lược đào tạo nghề để chuẩn bị đội ngũ lao động đáp ứng yêu cầu, đồng thời giải quyết việc làm cho người bị thu hồi đất. Các địa phương cần nắm rõ thực trạng lao động để đề xuất nhu cầu đào tạo nghề. Tỉnh sẽ có đề án, chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực dài hạn, trung hạn, ngắn hạn cho các KKT, KCN. Với các cấp chính quyền, cần tăng cường làm cầu nối giữa các trường dạy nghề với người sử dụng lao động để cung gặp được cầu.  
 

Bài, ảnh: Hoàng Triều
 


.