Vùng rốn lũ: Bậc học mầm non chồng chất khó khăn

09:12, 28/12/2013
.

(Baoquangngai.vn)- Đã 1 tháng rưỡi sau lũ lịch sử, bậc học mầm non ở vùng rốn lũ Nghĩa Hành, trẻ em vẫn chưa đến trường như bình thường. Nỗi lo và gánh nặng vẫn đang chồng chất trên vai của những cô giáo mầm non và phụ huynh nơi đây.

TIN LIÊN QUAN

Cơn lũ lịch sử hồi tháng 11 đi qua, Trường Mầm non xã Hành Thiện trống trơn, đồ dùng học tập, đồ chơi, vạt gường, vật dụng bán trú, đồ nấu ăn của trẻ trôi sạch, chỉ còn lại vài cái vạt gường. Học sinh đến lớp cũng thưa thớt. Có hôm được hơn 10 cháu, có hôm chỉ một vài cháu.
 
Chỉ tay về phía tủ đựng đồ cho trẻ bị nứt nẻ, chênh vênh, máy quạt, bếp ga, bếp điện… hư hỏng chất đầy sân, cô Mai Thị Lệ- Phó Hiệu trưởng nhà trường buồn bã: “Ở đây thường xuyên có lũ nên chúng tôi cần có 1 phòng lầu để vận chuyển đồ đạt lên cao cất giữ chứ như vầy chẳng khác nào dã tràng xe cát. Không có đồ chơi, trang thiết bị dạy học nên không thể tổ chức dạy học theo chương trình nên phụ huynh cũng không muốn đưa các cháu tới trường”..

 

Gần 1 tháng rưỡi sau lũ, các lớp học ở Trường Mầm non Hành Thiện vẫn chưa đủ sỉ số học sinh.
Gần 1 tháng rưỡi sau lũ, các lớp học ở Trường Mầm non Hành Thiện trống rỗng, thưa thớt.
 
Sau bao nhiêu năm chờ đợi, năm ngoái nhà trường mới được trang bị cơ sở vật chất, các cô và phụ huynh nơi đây ai cũng vui mừng, ai ngờ niềm vui chẳng được bao lâu. Tiếc của các cô để lại một số tủ, bàn ghế, nghĩ rằng để phơi khô rồi tận dụng nhưng khổ nỗi bàn, tủ làm bằng gỗ ván ép nên khô càng vênh, nứt nẻ, xiêu vẹo.
 
Tại Trường Mầm non Hành Tín Đông cũng diễn ra tình trạng tương tự. Bình thường  lớp có 24 cháu, mấy ngày qua chỉ có hơn nửa số cháu đến lớp. Đồ chơi chỉ còn lại vài cái hiếm hoi nên cô giáo Võ Thị Ánh phải bỏ tiền  mua giấy ruy băng về làm đồ chơi, bong bóng cho các em chơi tạm. 
 
Thế nhưng, những nỗ lực của cô giáo dường như không bù đắp được sự trống vắng của lớp học. “Không có đồ dùng học tập, mình chỉ cho các cháu học chay, hát và chơi tự do, chúng kiếm được gì thì chơi thứ đó vậy thôi”. Cô Ánh cho biết.
 
Phụ huynh Bùi Thị Kiều băn khoăn: “Không biết bao giờ việc dạy và học mới trở lại bình thường? Đến lớp mà không có gì học và chơi thì buổi chiều cho nó ở nhà chơi với ông bà. Thời điểm xuống giống bận lắm, mình không có thời gian đón tới đón lui”.

 

Đồ đạt hư hỏng vứt khắp nơi.
Vật dụng hư hỏng nằm khắp nơi.
 
Sau lũ, hơn 80% thiết bị, dụng cụ học tập, sinh hoạt của toàn bộ 12 trường mầm non ở huyện Nghĩa Hành bị cuốn trôi. Số còn lại bị ẩm ướt, hư hỏng. Tại các nhà bếp, đồ dùng, vật dụng phục vụ bán trú cho trẻ cũng không còn. Không có dụng cụ học tập, đồ dùng sinh hoạt, các chương trình giáo dục mầm non theo chương trình giáo dục mầm non mới không thể triển khai dạy cho trẻ. 
 
Cô Nguyễn Thị Xuân Thuận- Hiệu trưởng Trường Mầm non hành Tín Đông lo lắng: “Nếu cứ tiếp tục kéo dài thì cả thầy và trò chúng tôi chỉ đến trường chiếu lệ chứ không thể nói là dạy và học đúng nghĩa được”.
 
Cố gắng lắm nhà trường mới tổ chức bán trú để xây dựng trường tiến đến đạt chuẩn quốc gia, vì thế giải pháp trước mắt để kéo học sinh trở lại các cô phải chạy đôn chạy đáo mua thiếu, mua chịu để tổ chức bán trú trở lại. Nhà trường cũng huy động giáo viên, phụ huynh cho mượn vật dụng nấu ăn, mua chiếu, gối, vạt gường cho trẻ. Còn để khắc phục cơ sở vật chất, các trường cần nguồn kinh phí rất lớn nhưng điều này nằm ngoài khả năng của trường. 
 
Bà Lê Thị Kim Thuyết, Phòng GD&ĐT huyện Nghĩa Hành cho rằng những thiệt hại vừa qua là quá lớn vì thế ngành giáo dục địa phương không có kinh phí để hỗ trợ cho các trường, đặc biệt là bậc mầm non. Hơn bao giờ hết là lúc này, bậc mầm non cần sớm đầu tư khắc phục, nếu không chắc chắn sẽ ảnh hưởng không chỉ chất lượng giáo dục mà đường về đích của công tác phổ cập giáo dục mầm non sẽ còn xa xôi.
 
Mặc dù tỉnh ta đã có những chủ trương, chính sách nhằm nhanh chóng khôi phục cho ngành giáo dục các vùng lũ, thế nhưng cho đến nay những chủ trương, chính sách nói trên vẫn chưa đến tay các trường. Không biết đến khi nào, việc học tập của con trẻ sẽ trở lại bình thường, như trước khi lũ đến?
 
 
Bài, ảnh: Ái Kiều
 

.