Trợ cấp thâm niên cho nhà giáo nghỉ hưu: Còn nhiều người chịu thiệt

10:12, 16/12/2013
.

(Baoquangngai.vn)- Gần 2 tháng qua, BHXH Quảng Ngãi đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết chế độ trợ cấp thâm niên cho nhà giáo nghỉ hưu trong giai đoạn từ ngày 1.1.1994 đến 31.5.2011. Đây được coi là tin vui đối với các nhà giáo về hưu, nhưng vẫn còn nhiều chịu thiệt trong chính sách này.
* Quyền lợi chính đáng
 
Sau nhiều năm đấu tranh, đòi quyền lợi chính đáng của Hội Cựu giáo chức Việt Nam cho đội ngũ các nhà giáo nghỉ hưu từ ngày 1.1.1994 đến 31.5.2011 (giai đoạn phụ cấp thêm niên bị cắt). Ngày 30.8.2013, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 52 Quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15.10.2013. 
 
Theo quy định, người được hưởng trợ cấp là các nhà giáo nghỉ hưu khi trực tiếp giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục công lập và các học viện, trường, trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội hoặc giảng dạy, hướng dẫn thực hành tại các xưởng trường, trại, trạm, phòng thí nghiệm, tàu huấn luyện của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục đại học công lập.
 
Thời gian trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn thực hành tại các cơ sở giáo dục công lập từ đủ 5 năm (60 tháng) trở lên, nghỉ hưu trong thời gian từ 1.1. 1994 đến ngày 31.5.2011.
 
Trợ cấp thâm niên trong lương hưu là quyền lợi chính đáng mà các cựu nhà giáo được hưởng. Ảnh minh họa.
Trợ cấp thâm niên trong lương hưu là quyền lợi chính đáng mà các cựu nhà giáo được hưởng. Ảnh minh họa.
 
 
Mức trợ cấp nêu trên được tính theo công thức: Lương hưu hằng tháng * 10% * số năm được tính trợ cấp. Trong đó, lương hưu hằng tháng là mức lương hưu đang hưởng tại thời điểm quyết định này có hiệu lực. 
 
Số năm được tính trợ cấp là tổng thời gian trực tiếp giảng dạy đã được tính để hưởng chế độ hưu trí. Nếu có tháng lẻ từ 3 đến 6 tháng được tính tròn là nửa năm, từ trên 6 tháng đên 1 dưới 12 tháng được tính tròn 1 năm. Trường hợp đang tạm dừng hưởng lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội thì được hưởng trợ cấp sau khi được hưởng lại lương hưu.
 
Theo Quyết định này, Quảng Ngãi có khoảng 2.500 giáo viên đã nghỉ hưu trong giai đoạn này phải chịu thiệt thòi trong suốt nhiều năm qua. Ông Trương Văn Nam- Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, sau gần 2 tháng thi hành, BHXH Quảng Ngãi đã tiếp nhận 1.760 hồ sơ và đã tiến hành thẩm định 1.100 hồ sơ. Theo đúng quy định, sau 30 ngày tiếp nhận hồ sơ, BHXH đã phát hành chi trả cho 624 người, với tổng số tiền gần 7 tỷ đồng.
 
Với mức truy trả cho các nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu, trung bình mỗi người được nhận từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng là không quá lớn, nhưng đây là quyền lợi chính đáng mà họ được hưởng. 
 
Nhà giáo Huỳnh Ái Đức, Phó Chủ tịch Hội cựu giáo chức tỉnh Quảng Ngãi khẳng định: Đây không phải là chính sách ưu tiên mà là quyền lợi chính đáng mà các cựu giáo viên phải được hưởng. Dù mức phụ cấp được hưởng rất ít, nhưng các nhà giáo hưu trí cũng xem đây là một sự động viên của Nhà nước.
 
* Còn nhiều người chịu thiệt
 
Để các nhà giáo nghỉ hưu được nhận truy nhận phụ cấp thâm niên trong lương hưu, Hội Cựu giáo chức và BHXH đã thông báo đến các cơ sở hội cấp dưới và thông qua việc chi trả tiền lương hưu. Tuy nhiên, sau 2 tháng triển khai vẫn còn hơn 700 giáo viên nghỉ hưu chưa làm thủ tục hồ sơ để được chi trả. 
 

 

Nhiều người chịu thiệt.
Quảng Ngãi hiện còn hơn 700 cựu giáo viên chưa làm thủ tục, hồ sơ truy trả.
 
Ông Trương Văn Nam cho biết, để tạo điều kiện cho các cựu nhà giáo được hưởng thụ một cách nhanh gọn, thuận tiện, BHXH Quảng Ngãi không giới hạn thời gian giải quyết chế độ chi trả, thời gian tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và chi trả cho các nhà giáo nghỉ hưu kéo dài cho đến khi giải quyết hết.
 
Trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định 52, Hội Cựu giáo chức nhận được nhiều kiến nghị của những người trong cuộc. Đối tượng được hưởng thụ bó hẹp trong phạm vi nhà giáo có thời gian trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập, còn nhà giáo giảng dạy trong các trường bán công, công tác ở các Trung tâm giáo dục thường xuyên, những cựu nhà giáo thuộc đối tượng được hưởng thụ nhưng đã qua đời cũng không được truy lĩnh. 
 
Những người đã có thời gian giảng dạy, sau đó được điều động chuyển về các cơ quan cấp trên như Bộ, Sở, chuyển sang công tác tuyên giáo, khoa giáo của Đảng… cũng chịu thiệt. Điều này gây thiệt thòi và thiếu công bằng vì đây là những người đã từng giữ vai trò nòng cốt trong chỉ đạo dạy và học ở các trường, nhiều người đảm nhiệm vai trò nghiên cứu, soạn thảo… trong ngành giáo dục.
 
Về vấn đề này, Nhà giáo Huỳnh Ái Đức cho biết, Hội Cựu giáo chức tỉnh đang phối hợp với ngành giáo dục thống nhất các kiến nghị trình lên cấp trên để có hướng xử lý hợp lý trong thời gian tới. Chúng tôi mong cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét, có chính sách hỗ trợ với đối tượng này.
 
 
Bài, ảnh: Ái Kiều

.