Bài ca người giáo viên

01:11, 17/11/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau nhiều trận mưa lớn liên tiếp trút xuống, đường về xã mới chia tách Sơn Long càng trở nên khó khăn hơn. Cô và trò nhiều điểm trường lẻ phải lội bộ đến lớp. Áo quần lấm lem bùn đất nhưng những đôi chân ấy vẫn miệt mài đuổi theo con chữ. Cô dạy, trò học, tiếng giảng bài, đọc bài vang vang...

TIN LIÊN QUAN


Một buổi sáng đầu đông, khi nắng lên, sương tan, chúng tôi theo chân đám học trò nhỏ thôn Nước Đót (thôn Ra Manh, xã Sơn Long) đến lớp. Điểm trường Nước Đót chỉ 3 lớp, gồm 1 lớp mầm non và 2 lớp tiểu học “ghép”. Từ ngày thủy điện Đắkdrinh tích nước, mực nước lòng hồ dâng cao làm biến mất con đường về Nước Đót. Muốn đến Nước Đót bây giờ phải đi đò tốn 60.000 đồng/lượt cho một người một xe máy. Nếu không đi đò, có thể chọn cách đi bộ 7km đường mòn xuyên rừng mất gần 3 tiếng đồng hồ.

Gian khó là vậy nhưng cô giáo mầm non Nước Đót Phạm Thị Việt không ngày nào ra lớp trễ. Chính sự miệt mài, quyết tâm vượt qua khó khăn mà cô giáo người Hrê ấy đã trở thành điển hình trong nghề giáo ở xã Sơn Long. “Mình là người dân tộc thiểu số, mình hiểu lắm nỗi khát khao học tập của các em nhỏ vùng cao. Điều đó đã thôi thúc mình cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của một người giáo viên”. Tính đến nay cô đã là “người mẹ hiền thứ hai” của đám học trò nhỏ Nước Đót được 3 năm. Ba năm ấy dù cực nhọc nhưng đã cho cô bao trải nghiệm về tình người, tình cô trò nơi mảnh đất gian khó nhất Sơn Tây này.

Ở Sơn Long, nữ giáo viên “cắm bản” lâu năm nhất là cô Đỗ Thị Kim Chung. Cô đã có mặt và đồng hành với hành trình nuôi chữ cùng các học trò nhỏ nơi đây gần 15 năm. Quê ở tận Sơn Giang (Sơn Hà), lên Sơn Long công tác vất vả đã tăng lên bội phần khi vừa phải hoàn thành vai trò làm vợ, làm mẹ, vừa phải làm tốt nhiệm vụ của một giáo viên.

Đôi tay nhỏ nhắn của nữ giáo viên ấy đâu chỉ cầm viên phấn nắn nót từng nét chữ, mỗi ngày cô phải cầm tay lái chạy xe máy hơn 50km đường núi để đến với học trò nhỏ vùng cao. Ban đầu cũng cảm thấy lo ngại, thế rồi quen dần, giờ thì hình như không còn khoảng cách giữa Sơn Giang (Sơn Hà) và Sơn Long (Sơn Tây) nữa. Càng tuyệt vời hơn khi tình yêu nghề, mến trẻ đã được cô truyền sang cho người con trai lớn Trần Đỗ Hữu Sinh. Hiện nay Sinh được trường tiểu học giao đảm trách điểm trường xa lắc trên núi cao ở tập đoàn 20, xã Sơn Long. Hai mẹ con cô Chung giờ là đồng nghiệp cùng công tác dưới mái trường tiểu học Sơn Long thân yêu.

Hôm chúng tôi về Sơn Long vào một ngày trung tuần tháng 11. Ghé vào thăm từng lớp học trong ngôi trường tiểu học Sơn Long, bất chợt cảm giác tuổi học trò ùa về trong tôi khi nhìn thấy những bức tranh học trò vẽ tặng thầy cô nhân ngày 20.11 được trân trọng treo trên những bức tường. Thầy hiệu trưởng Phan Tấn Thanh bảo rằng: Học trò vùng cao Sơn Long yêu quý, kính trọng thầy cô lắm. Những ngày này đến lớp, em nào cũng có món quà ý nghĩa để tặng thầy cô. Em thì bức tranh, bạn thì bó hoa rừng. Cảm động vô cùng. “Giáo viên nặng lòng với mảnh đất này cũng là vì sự níu kéo của tình người, tình thầy trò”. Khi thầy cô cắm bản đau ốm, phụ huynh và học sinh đưa thầy cô đi bệnh viện. Và khi học trò ốm đau, thầy cô quan tâm chăm sóc rất chu đáo.

 Thầy Thanh kể cho tôi nghe câu chuyện cảm động đám học trò khiêng giáo viên Đinh Xuân Hân đi bệnh viện mổ cấp cứu ruột thừa trong đêm khuya mưa lớn. Để rồi hôm nay, dù xa xôi, sức khỏe giảm sút, nhưng người giáo viên ấy vẫn một mực tình nguyện gắn bó lâu dài với điểm trường nặng lòng tình nghĩa với mình này.
    

Thanh Nhị
 


.