Người thầy tâm huyết với nghề

10:11, 19/11/2012
.

(QNĐT)- Gần 40 năm gắn bó với nghề, thầy Hồ Anh Quang- giáo viên dạy toán trường THCS Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) vẫn tràn đầy nhiệt huyết như ngày mới vào nghề. Mỗi ngày đứng lớp đã trở thành động lực tiếp sức cho thầy không ngừng sáng tạo, tìm ra những phương thức dạy học hiệu quả, tạo nguồn cảm hứng cho học sinh.

TIN LIÊN QUAN


Năm 1974, sau khi hoàn thành khóa học chuyên ngành sư phạm tại Quy Nhơn, chàng trai trẻ Hồ Anh Quang tuổi mới tròn 20 đã gói trọn bầu nhiệt huyết của mình cho nghề giảng dạy tại quê nhà (Tư Nghĩa). Đó cũng chính là thời gian khốn khó nhất, khi đồng lương ba cọc ba đồng của người giáo viên trẻ không thể gánh vác nổi cuộc sống của gia đình.

Thầy Quang nhớ lại: Vào những năm đó, đồng lương giáo viên cả tháng đứng lớp chỉ đủ tiền mua khoảng 13kg gạo cho 4, 5 miệng ăn trong nhà. Nhiều đồng nghiệp của tôi phải bỏ nghề giáo, kiếm việc khác tạo nhiều thu nhập để mưu sinh.

 

Thầy Quang đã trút toàn bộ bầu nhiệt huyết của mình vào nghề giáo trong gần 40 năm qua
Thầy Quang đã trút toàn bộ bầu nhiệt huyết của mình vào việc tìm tòi phương pháp dạy học hiệu quả trong gần 40 năm qua


Ấy vậy mà, thầy Quang nhất quyết bám trụ với nghề. Thầy tâm sự: Mình đã nguyện theo nghề giáo, gắn bó với học sinh thì làm sao có thể bỏ được. Đó là niềm đam mê, là mơ ước từ lúc nhỏ của bản thân tôi.

Thế là, ngoài việc tập trung đứng lớp truyền đạt kiến thức cho các em, thầy còn làm đủ việc mới có thể lo cho gia đình và tiếp tục theo đuổi niềm mơ ước của mình. Những ngày gian khổ ấy, thầy Quang vẫn miệt mài đạp xe 40-50 km đi làm, buôn bán mưu sinh. Để rồi tối khuya về, thầy lại cặm cụi bên trang giáo án, chuẩn bị cho tiết dạy sắp tới.

Không chỉ gặp khó khăn trong cuộc sống hằng ngày, thầy còn gặp phải nhiều khó khăn trong giảng dạy. Ngày ấy, có đủ gạo để ăn, để sống đã khó thì nói chi đến điều kiện học tập của các em học sinh ở vùng nông thôn còn quá nghèo nàn. Thế cho nên, các em không thể thu nạp và hiểu bài ở các môn toán, lý vốn rất khó hiểu và khô khan theo kiểu lý thuyết suông. Rồi những thiếu thốn về các thiết bị máy móc hiện đại và công nghệ thông tin lại làm cho các em học sinh thêm nản trong mỗi tiết học.

Băn khoăn ấy luôn trường trực và thôi thúc trí sáng tạo của thầy qua việc “phát minh” ra nhiều dụng cụ tự chế, hỗ trợ dạy học, làm cầu nối giữa học sinh với kiến thức thay cho các thiết bị hiện đại. Thế nhưng, bắt tay vào làm mới thấy khó, hết khó khăn này đến thất bại khác, thầy vẫn kiên trì thực hiện ý tưởng của mình.

Năm tháng qua mau, khó khăn nào rồi cũng chùn bước trước sự nhiệt tình và sức sáng tạo của người giáo viên trung thành với nghề. Đến nay, hàng chục thiết bị tự chế hết sức thiết thực của thầy được áp dụng vào trong các tiết học dành cho các học sinh thân yêu.

 

Thầy Quang luôn sử dụng các thiết bị hỗ trợ dạy học trực quang tự chế trong các tiết dạy của mình
Thầy Quang luôn sử dụng các thiết bị hỗ trợ dạy học trực quang tự chế trong các tiết dạy của mình


Chúng tôi có dịp tham dự một tiết dạy toán hình học của thầy Quang với lớp 9D, Trường THCS Nghĩa Thương vào một ngày mưa rả rích. Trái hẳn với thời tiết bên ngoài, buổi dạy và học tràn đầy không khí hào hứng, thoải mái và sự tập trung cao độ của các em học sinh.

Bên cạnh chiếc bảng đen, thầy còn bố trí thêm một chiếc bảng phụ tự cuốn và bảng trắc nghiệm dùng đèn báo. Đây là các thiết bị do thầy Quang tự tìm hiểu, chế tạo để phục vụ cho tiết dạy của mình.

Chiếc bảng phụ được dùng để tóm tắt những kiến thức cơ bản nhất của bài học cũ theo sơ đồ tư duy. Thay chức năng của chiếc máy chiếu, bảng phụ tự cuốn này có 6 miếng nhựa bên trong và có thể lần lượt thay thế nhau.

Bên cạnh đó, chiếc bảng trắc nghiệm dùng đèn báo được sử dụng để làm bài tập theo phương pháp trắc nghiệm, nhằm tạo ra sự năng động, rèn luyện khả năng phản xạ cho học sinh và tạo không khí sôi nổi của lớp học. Với các thiết bị này, thầy giáo dễ dàng hướng dẫn, truyền đạt cho các em học, hiểu và thuộc bài ngay tại lớp.

 

Cách dạy học cùng với các sáng kiến hỗ trợ dạy học của thầy Quang đã giúp các em học sinh hiểu bài nhanh chóng trong không khí tiết học sôi nổi, hào hứng
Cách dạy học cùng với các sáng kiến hỗ trợ dạy học của thầy Quang đã giúp các em học sinh hiểu bài nhanh chóng, không khí tiết học sôi nổi, hào hứng


Kinh nghiệm giảng dạy và các thiết bị tự chế hỗ trợ môn học của thầy đã giúp tiết học toán không còn khô khan mà trở nên sinh động đến bất ngờ. Em Mai Thị Phương- học sinh lớp 9D, Trường THCS Nghĩa Thương chia sẻ: Qua tiết học của thầy Quang, với việc áp dụng các thiết bị tự làm,  em cảm thấy hiểu bài ngay tại lớp và tiết học rất thú vị. Không khí học tập của lớp lúc nào cũng rất sôi động nên học sinh chúng em rất thích học toán với thầy.

Không chỉ chế tạo bảng phụ tự cuốn, bảng trắc nghiệm dùng đèn báo, mà còn hơn 13 sáng kiến khác mang tính khả dụng cao của thầy Quang được cấp trên khen thưởng. Với những sáng tạo đó, thầy đã góp phần không nhỏ vào thành tích dạy và học của nhà trường.

Đến lúc này, ở cái tuổi sắp về hưu, ngày ngày thầy Quang vẫn cặm cụi, mày mò tìm ra nhiều thiết bị, giáo cụ hỗ trợ cho tiết dạy của mình thêm hiệu quả. Hiện, thầy Quang đang ấp ủ thực hiện phương pháp dạy học tích cực ứng dụng sơ đồ tư duy. Trên cơ sở sử dụng các thiết bị điện tử, dùng màu sắc, hình ảnh và đường nét để phát huy tinh thần học tập, khơi dậy niềm sáng tạo, đam mê cho học sinh trong nhà trường.

Có lẽ, hình ảnh người thầy có dáng người dong dỏng cùng đôi mắt tinh tường giấu sau đôi kính lúc nào cũng lọ mọ mang vác các thiết bị tự chế vào từng tiết học của mình đã in sâu vào lòng bao thế hệ học sinh. Với thầy, cả đời gắn với nghề giáo là cả đời thầy có được niềm vui trọn vẹn khi nhìn các học sinh của mình trưởng thành, và trở thành người có ích cho xã hội. Đó cũng chính là suối nguồn bất tận khơi dậy lòng yêu nghề tha thiết của thầy Quang.


Thanh Phương
 

 


.