Thầy giáo đam mê sáng tạo

06:11, 09/11/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Gần 40 năm gắn bó với nghề giáo là cũng chừng ấy năm thầy Hồ Anh  Quang - giáo viên Trường THCS Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) luôn tìm tòi sáng tạo ra nhiều công cụ hữu ích  phục vụ công tác dạy và học.

Gắn bó với nghề “bất đắc dĩ”

Gặp thầy Quang tại trường, trái ngược với hình dung về một người thầy dạy môn toán khô cứng và đầy khuôn phép, người đàn ông dong dỏng cao, ăn mặc chỉnh tề, có nụ cười ấm áp và đôi mắt hiền hậu ẩn sau cặp kính trắng. Thầy thổ lộ: “Thực ra, mình đến với nghề giáo là vì bất đắc dĩ thôi. Hồi thanh niên mình mong muốn làm kĩ sư cơ!”.

 

 Học sinh cùng thấy Quang ứng dụng sáng chế trong việc dạy và học.
Học sinh cùng thấy Quang ứng dụng sáng chế trong việc dạy và học.


Ấy vậy mà từ chuyện “bất đắc dĩ” đó, gần 40 năm qua thầy Quang đã gắn bó và cống hiến không ít tâm huyết của mình cho sự nghiệp sư phạm. Thầy kể, ngày đó làm giáo viên cực khổ lắm, lương giáo viên “ba cọc ba đồng” của cả hai vợ chồng không đủ nuôi con, nên ngoài giờ lên lớp vợ chồng thầy phải buôn bán thêm mới có đủ tiền trang trải cuộc sống. Tuy cuộc sống vất vả, nhưng những buổi lên lớp, nhìn đám học trò chăm chú tiếp thu kiến thức mình truyền đạt, thầy Quang như được tiếp thêm động lực.

 Dạy học trường làng nhiều năm, nhận thấy đám trò quê chịu không ít thiệt thòi khi điều kiện cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị dạy học khá sơ sài, khiến thầy nhiều đêm trằn trọc. Rồi những món đồ dùng học tập dần được thành hình từ những “đêm trằn trọc” ấy. “Mới đầu mình chỉ tập tành làm vài món đồ dùng học tập thôi. Lần đầu mang đến lớp thử nghiệm được các học trò mắt tròn mắt dẹt chiêm ngưỡng và hào hứng hơn trong tiết học, mình thấy vui lắm. Thế là mình tiếp tục làm”, thầy Quang tiết lộ về động lực sáng tạo của mình đơn giản như thế.

Sáng chế cho học sinh

Được “mục sở thị” một tiết học của thầy mới thấy được sự thú vị của các phương pháp, dụng cụ học tập mà thầy Quang sáng chế. Những bảng vẽ màu kích thích thị giác, bảng phụ dạy toán nhỏ gọn nhưng chứa đựng nhiều thông tin, hệ thống đèn báo giải toán nhanh được sử dụng hiệu quả, tạo sự hào hứng trong tiết học. Một tiết toán khô khan với những con số, công thức biến đổi có thể gây “khó dễ” cho người đối diện lại nhận được sự hưởng ứng của học sinh. Hàng chục cánh tay giơ lên, tranh giành nhau để được giải những bài toán khó bằng dụng cụ dạy học của thầy Quang là minh chứng rõ rệt nhất cho những sáng tạo của thầy.

Em Tô Phan Tấn Phát – học sinh lớp 7E hào hứng, kể: “Chúng em rất thích tiết toán của thầy Quang vì thầy có nhiều dụng cụ học tập mới lạ. Mấy bạn học sinh học yếu môn toán giờ cũng thích tiết học của thầy lắm. Nhờ phương pháp của thầy, chúng em có thể học thuộc bài được ngay trên lớp”.

Hiện thầy Quang “sở hữu khối tài sản” khá đồ sộ với 13 bộ đồ dùng dạy học được giải thưởng cấp tỉnh và 6 đề tài sáng tạo khoa học kỹ thuật (KHKT) được công nhận sáng tạo KHKT của Sở KHCN, trong đó có 5 đề tài thuộc lĩnh lực giáo dục. Sáng chế mới nhất của thầy là bảng phương pháp dạy toán bằng bản đồ tư duy, trên nền phần mềm MINDMAP.

Với mong muốn học sinh vùng nông thôn cũng được tiếp cận với các phương pháp dạy học hiện đại, thầy Quang luôn mày mò tìm hiểu và “dụng cụ hóa” những phần mềm dạy học trên vi tính để học sinh của thầy được học tập đầy đủ hơn. Thầy bảo, hiện nay có rất nhiều phần mềm dạy học rất hiệu quả nhưng học sinh vùng nông thôn như nơi mình dạy đây không có khả năng tiếp cận bởi cơ sở vật chất thiếu thốn. Dựa trên những phương pháp dạy học này, mình tạo ra các dụng cụ trực quan mà học sinh của mình có thể tiếp cận và sử dụng hiệu quả như những học sinh được học bằng các thiết bị công nghệ hiện đại khác.

Hầu hết các sáng chế của thầy Quang đều được làm bằng các vật liệu đơn giản, ít tốn kém nhưng lại có hiệu quả cao. “Những dụng cụ này không chỉ dùng trong việc giảng dạy môn toán mà còn có thể ứng dụng ở nhiều môn học khác nhau nữa. Mình làm các dụng cụ này bằng các vật liệu dễ kiếm và ít tốn kinh phí để các giáo viên ở các trường, các nơi vùng sâu, vùng xa cũng có thể tự làm được”, thầy Quang chia sẻ.

Năm học này là năm học cuối cùng thầy Quang đứng trên bục giảng. Nói vui như thầy là “sang năm mình về vườn dưỡng già rồi, sẽ thôi không còn sáng chế nào nữa”, nhưng chắc chắn những sáng chế của thầy sẽ trở thành công cụ đắc lực cho các thầy cô giáo khác, giúp cho học sinh vùng nông thôn học tập tích cực hơn.


Bài, ảnh: Xuân Hiếu
 


.