Quan hệ giữa doanh nghiệp và người lao động: Còn nhiều bất cập

08:09, 16/09/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp (DN) là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, nhằm thực hiện mục tiêu ổn định chính trị xã hội, đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, tạo việc làm, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động.

TIN LIÊN QUAN

Bà Ngô Thị Kim Ngọc - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: Thời gian qua, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng nội dung Chỉ thị 22 của Ban Bí thư trong cán bộ công đoàn và CNVCLĐ. Đồng thời chỉ đạo tập huấn, hướng dẫn kỹ năng thương lượng, ký thỏa ước lao động tập thể; tăng cường giám sát thực hiện pháp luật lao động trong DN, cơ sở sản xuất kinh doanh. Hướng dẫn CĐCS tổ chức hội nghị dân chủ cơ sở trong các loại hình DN và đã có 100% DN nhà nước tổ chức Đại hội CNVC, 51% DN khu vực ngoài nhà nước tổ chức hội nghị người lao động.

 


LĐLĐ còn chỉ đạo tham gia xây dựng chính sách pháp luật liên quan đến chế độ, chính sách lao động qua việc xây dựng thang bảng lương, quy chế trả lương, trả thưởng. Phối hợp với các ngành liên quan thực hiện thanh kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động tại DN, trợ giúp pháp lý cho người lao động… góp phần chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Đến nay, toàn tỉnh có 140/223 DN đủ điều kiện và thành lập tổ chức công đoàn tại các DN, với 24.800 đoàn viên tham gia.

Việc đánh giá, phân loại công đoàn cơ sở vững mạnh từng bước đi vào nền nếp, đánh giá đúng thực chất. Hằng năm, có 72,8% CĐCS đạt vững mạnh và vững mạnh xuất sắc. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn được quan tâm. Tính từ năm 2008 đến nay, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức 66 lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ về công tác công đoàn, với 16.211 lượt cán bộ công đoàn tham dự. Cử 42 cán bộ chuyên trách công đoàn đi học lớp Đại học Công đoàn tại Trường Công đoàn miền Trung - Tây Nguyên ở Đà Nẵng... Qua đó, đã trang bị cho cán bộ công đoàn trình độ nghiệp vụ, nhất là bản lĩnh chính trị, cũng như các kỹ năng hoạt động công đoàn.

 LĐLĐ tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý, điều phối có hiệu quả nguồn vốn vay hỗ trợ việc làm, với 48 lượt dự án vay 1,1 tỷ đồng, tạo thêm việc làm cho 599 lao động. Thông qua chương trình “Mái ấm công đoàn”, các cấp công đoàn đã huy động, vận động được 3,5 tỷ đồng, hỗ trợ làm mới và sửa chữa 126 nhà ở “Mái ấm công đoàn”…

Bên cạnh những mặt đạt được thì tình trạng vi phạm pháp luật lao động vẫn xảy ra ở một số DN, mà lỗi xuất phát từ người sử dụng lao động và người lao động. Thu nhập của người lao động còn thấp, với mức 3,5 triệu đồng/người/tháng. Do đó đã xảy ra một số vụ việc tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể. Nguyên nhân là người sử dụng lao động chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật như chế độ tiền lương, BHXH, BHYT, BHTN, thời gian làm việc và thời gian nghỉ ngơi…

Mặt khác, do ảnh hướng của suy thoái kinh tế, nhiều DN chưa tham gia ký kết thỏa ước lao động tập thể. Hiện mới chỉ có 76/140 DN có tổ chức công đoàn ký thỏa ước lao động tập thể (chiếm 54,2%) và có 38,9% số lao động được DN thực hiện đóng BHXH, BHYT, BHTN. Đến cuối năm 2012, trên địa bàn tỉnh có 500 đơn vị, DN nợ BHXH, BHYT, BHTN với số tiền 30 tỷ đồng.

Theo bà Ngô Thị Kim Ngọc - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, nguyên nhân của tình trạng trên là do việc thực hiện quy chế dân chủ trong các loại hình DN còn bất cập, môi trường sinh hoạt dân chủ ít thuận lợi, dân chủ trực tiếp chưa được phát huy, quan hệ giữa chủ DN với người lao động còn hạn chế. Công tác tuyên truyền pháp luật chưa sâu rộng đến CN, NLĐ. Công tác tổ chức tập huấn chuyên sâu về kỹ năng thương lượng, đàm phán, xây dựng thỏa ước lao động, tư vấn pháp luật còn hạn chế…
  

 Bài, ảnh: Bá Sơn

 


.