Doanh nghiệp cần được “trợ lực”

08:06, 19/06/2013
.

(QNg)- Dự buổi đối thoại có các đồng chí Võ Văn Thưởng- Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Cao Khoa-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Minh-Phó Bí thư Tỉnh ủy, cùng nhiều lãnh đạo sở, ngành tỉnh.
 

TIN LIÊN QUAN


Doanh nghiệp mong có đất:

Đi thẳng vào vấn đề, nhiều DN cho rằng, trong những năm qua, do tình hình kinh tế gặp khó khăn chung nên đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của không ít DN. Một số DN đã phá sản hoặc tạm ngừng hoạt động, số khác “lực đã kiệt”… Chính vì thế, các DN mong muốn, tỉnh cần quan tâm, giải quyết kịp thời những khó khăn mà DN đang đối mặt.

 

Nhiều doanh nghiệp xây dựng, sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng đang hết sức khó khăn do thiếu công trình.                      Ảnh: Hoàng Triều
Nhiều doanh nghiệp xây dựng, sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng đang hết sức khó khăn do thiếu công trình. Ảnh: Hoàng Triều


Bà Trần Thị Nguyệt- Giám đốc Công ty TNHH Trung Nghĩa kiến nghị: Năm 2001, tỉnh cho DN thuê 4.200 m2 đất, nhưng đến 2007, tỉnh lại ra quyết định thu hồi một phần đất. Hiện DN đang gặp không ít khó khăn do mặt bằng bị thu hẹp, nên mong muốn tỉnh sớm bố trí mặt bằng hợp lý để tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, ông Dương Quốc Đạt-Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thương mại Đại Việt phản ánh: Công ty có dự án được lập từ năm 2010 nhưng xin đất đến nay vẫn chưa được cấp.

Cũng liên quan đến việc xin cấp đất, ông Nguyễn Chí Bích- Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Quảng Ngãi kiến nghị, hiện cơ sở kinh doanh của Công ty tại KDL Mỹ Khê đang kinh doanh có hiệu quả nên tỉnh cần tạo điều kiện cho DN có thêm quỹ đất để đầu tư. Ông Bích còn cho rằng: Để phát triển du lịch, tỉnh cần phải có đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng như điện, đường, nước, cùng chính sách ưu đãi để thu hút nhà đầu tư. Vấn đề DN quan tâm hiện nay là tỉnh cần sớm đầu tư xây dựng bờ kè chống sạt lở tại KDL Sa Huỳnh.

Trả lời vấn đề này, ông Phí Quang Hiển-Phó Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường cho biết, việc thu hồi đất của Công ty Trung Nghĩa là do liên quan đến quy hoạch đường gom của đường Đinh Tiên Hoàng (TP Quảng Ngãi). Công ty xin mở rộng, nhưng do quỹ đất xung quanh hầu như không còn. Hơn nữa, với chủ trương hạn chế cấp phép cho ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong nội thị, nên Sở sẽ tìm và bố trí một vị trí khác trong quy hoạch.

Đối với dự án của Đại Việt, ông Hiển cho rằng, do ảnh hưởng đến diện tích đất lúa nên phải trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định (vấn đề này ở tất cả các địa phương đều không đủ thẩm quyền). Do vậy, việc cấp đất có kéo dài. Về việc Công ty Du lịch xin mở rộng diện tích ở Mỹ Khê, ông Hiển cam kết, Sở sẽ phối hợp với Sở VH-TT&DL cùng huyện Sơn Tịnh khảo sát thực tế để tìm quỹ đất và trả lời chính thức cho DN trước ngày 30/6/2013.

Liên quan đến đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, ông Nguyễn Cao Phúc - Giám đốc Sở Kế hoạch&Đầu tư cho rằng, trong những năm qua, dù nguồn lực có hạn nhưng tỉnh cũng tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng 2 khu du lịch Sa Huỳnh và Mỹ Khê. Riêng dự án kè chống sạt lở Sa Huỳnh, tỉnh đã có dự án và đang tranh thủ nguồn vốn Trung ương để thực hiện.

Doanh nghiệp xây dựng thiếu việc làm, vướng quyết toán:

Nói lên tâm trạng chung của các DN xây dựng, ông Hoàng Liêm- Giám đốc Công ty Cổ phần 20/7, cho rằng: Trong những năm qua, tình hình đầu tư công giảm sút khiến không ít DN xây dựng rơi vào cảnh khó khăn. Đáng lo ngại nhất là tình trạng thiếu việc làm, phương tiện để không, trong khi lãi vay ngân hàng cao. Vì vậy, đề nghị tỉnh tạo điều kiện cho DN tham gia các gói thầu, đồng thời có giải pháp can thiệp với ngân hàng để gia hạn nợ cho DN.

Nêu thêm cái khó, ông Đoàn Thanh Tân-Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng Đô thị và Khu công nghiệp tỉnh cho rằng, DN xây dựng đã khó lại càng khó bởi nhiều công trình làm xong vẫn chưa quyết toán được do trượt giá, rồi do giá nhân công tăng… làm vượt dự toán. Do đó, tỉnh cần quan tâm tháo gỡ vấn đề này.

 Một vấn đề khiến không ít DN có sản phẩm xuất khẩu than phiền, thậm chí nhiều DN ngoài tỉnh không muốn đầu tư vào Quảng Ngãi là do chi phí bốc xếp hàng hóa tại 2 cảng ở Dung Quất quá cao so với tất cả các cảng hiện nay trong nước. “Tỉnh cần làm việc với 2 đơn vị kinh doanh cảng nhằm giảm giá bốc xếp tại cảng”, ông Nguyễn Nị- Giám đốc Công ty cổ phần nguyên liệu giấy Dung Quất, đại diện đề đạt.

Chia sẻ với những khó khăn của DN xây dựng, ông Nguyễn Cao Phúc-Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, đối với những công trình vượt dự toán sau khi Nghị định 83 có hiệu lực, tỉnh đã 3 lần có công văn gửi Bộ Xây dựng nhưng mới đây nhất vào tháng 5/2013, Bộ Xây dựng mới có văn bản trả lời cho rằng… “thẩm quyền giải quyết thuộc Thủ tướng Chính phủ”. Vì thế, Sở yêu cầu các nhà thầu phối hợp với các chủ đầu tư sớm rà soát, báo cáo để Sở tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.

 Ông Dương Quốc Đạt-Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thương mại Đại Việt: “Công ty có dự án được lập từ năm 2010 nhưng xin đất đến nay vẫn chưa được cấp”.
Ông Dương Quốc Đạt-Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thương mại Đại Việt: “Công ty có dự án được lập từ năm 2010 nhưng xin đất đến nay vẫn chưa được cấp”.


Chủ tịch UBND tỉnh Cao Khoa đã trực tiếp trả lời thêm về vấn đề này và cho rằng, việc điều chỉnh dự toán sau khi Nghị định 83 có hiệu lực sẽ được chia làm 3 nhóm: Với những dự án đã và đang triển khai tỉnh sẽ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đối với những dự án chuẩn bị triển khai thì tiến hành điều chỉnh những hạng mục nhỏ để thực hiện (nhưng không ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư của dự án); còn những dự án đã phê duyệt nhưng chưa triển khai thì phải điều chỉnh ngay từ đầu.
 

Sẽ thành lập bộ phận tiếp nhận những kiến nghị của các DN
Bộ phận này sẽ được thành lập tại Sở KH&ĐT, là đầu mối tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của DN. Sau đó, ít nhất 2 tháng một lần, lãnh đạo tỉnh sẽ ngồi lại để tháo gỡ khó khăn của DN nhanh hơn, kịp thời hơn, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất.

Liên quan đến giá dịch vụ tại cảng quá cao, đại diện BQL KKT Dung Quất thừa nhận giá bốc dỡ hàng hóa thông qua 2 cảng của Gemadept và PTSC cao hơn so với các cảng khác trong khu vực, BQL cũng đã nhiều lần làm việc với đại diện 2 cảng này, tuy nhiên vẫn chưa tháo gỡ được vấn đề này.

Tại hội nghị, một số doanh nghiệp còn đề nghị tỉnh xem xét, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong thực hiện các thủ tục hành chính, giảm bớt phiền hà; tạo điều kiện thuận lợi trong việc xác lập quyền sở hữu tài sản; vận tải hàng hóa; có chính sách ưu đãi về tiền thuê đất; việc đảm bảo an ninh trật tự ngoài hàng rào các DN…

Phát biểu kết thúc buổi tiếp xúc, đối thoại với các DN, Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Thưởng cho rằng, mặc dù chưa phản ánh hết những khó khăn của DN, nhưng với những vấn đề nêu ra tại hội nghị, UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành trao đổi, trong thời gian 30 ngày trả lời dứt khoát, rõ ràng cho DN. Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Thưởng cho biết, có 2 điểm tương đối yếu trong chỉ số đánh giá về công tác quản lý của tỉnh, đó là, thể chế pháp lý và hỗ trợ DN. Thời gian tới tỉnh sẽ tập trung khắc phục các vấn đề này, với tinh thần hỗ trợ tối đa cho DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 Đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: “Đảng xác định kinh tế là trọng tâm, nhưng lực lượng xung kích, chủ yếu là đội ngũ DN, doanh nhân thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, còn Đảng, chính quyền cố gắng tạo điều kiện, tạo môi trường thuận lợi cho DN, doanh nhân phát triển và cần trao đổi thắng thắn với nhau để cùng làm”. Lãnh đạo tỉnh mong muốn tỉnh ta sẽ có những DN lớn, không chỉ trong tỉnh mà còn vươn ra tỉnh ngoài, thể hiện bằng chứng sinh động cho sự phát triển của tỉnh.


Bài, ảnh: Hoàng Triều

 


.