Chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong trường học: Cần liều thuốc đặc trị

02:08, 20/08/2013
.

(QNg)- Mặc dù có quy định hẳn hoi về việc thu, chi ở các trường học, song tình trạng lạm thu, sử dụng nguồn thu sai mục đích vẫn cứ diễn ra, gây bức xúc trong dư luận.  

TIN LIÊN QUAN


Mỗi trường một kiểu thu

Vào đầu năm học, học sinh thường phải đóng rất nhiều khoản từ học phí, tiền mua sắm cơ sở vật chất và vô số các loại quỹ như quỹ đội, vệ sinh, nước uống, khen thưởng, nha học đường, quỹ giáo dục, giấy thi, quỹ xây dựng trường học thân thiện, tiền bảo hiểm y tế, đồng phục, phù hiệu, tiền trực trưa bán trú… Qua kết quả giám sát mới đây của HĐND tỉnh tại các trường tiểu học, mầm non cho thấy, việc thực hiện quy định thu, chi ở các trường trong những năm học vừa qua có sự bất ổn. Mỗi trường một kiểu thu, chi khác nhau.

Trong số các khoản thu, “nhức nhối” nhất vẫn là khoản thu trên danh nghĩa của ban đại diện cha mẹ học sinh. Tùy vào ban đại diện cha mẹ học sinh ở mỗi trường mà ngay từ đầu năm học học sinh phải “gánh” từ 8 đến 13 khoản thu. Ban đại diện cha mẹ học sinh một số trường có nhiểu khoản thu thỏa thuận như: Trường TH Nghĩa Chánh thu 10 khoản (300.000đ/hs/ năm); Trường TH Lê Hồng Phong thu 10 khoản (215.000đồng/hs/năm), Trường TH Phổ An (Đức Phổ) thu 8 khoản (245.000đ/hs/ năm); Trường TH Đông Hà (Tư Nghĩa) thu 9 khoản (240.000đ/hs/năm)... Cùng với học phí, học sinh phải đóng các khoản từ đầu năm học không dưới 700.000đ/học sinh.

 

Cần quản lý chặt chẽ công tác thu, chi ở các trường học để tạo môi trường lành mạnh trong học trường. (ảnh minh họa).
Cần quản lý chặt chẽ công tác thu, chi ở các trường học để tạo môi trường lành mạnh trong học trường. (ảnh minh họa).          Ảnh: T.L


Theo quy định, mức thu học phí học 2 buổi/ngày đối với học sinh tiểu học ở khu vực nông thôn do nhà trường thỏa thuận với phụ huynh nhưng không vượt quá 25.000đ/tháng/học sinh, thế nhưng nhiều trường tổ chức thu vượt. Một số trường thu cao gấp đôi, đơn cử như Trường tiểu học Đông Hà (Tư Nghĩa), Trường tiểu học Hành Trung (Nghĩa Hành), trong năm học 2012-2013 thu 50.000đồng/ tháng/học sinh.

Quy định bị “bỏ ngoài tai”      

Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh do Bộ GD&ĐT ban hành, nêu rõ: “Không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh”. Quy định này bị “bỏ ngoài tai” bởi ban đại diện cha mẹ học sinh các trường hầu hết ấn định một mức thu thống nhất cho toàn trường và mang tính bình quân trên mỗi học sinh.

 

 Học sinh Trường mầm non Nghĩa An (Tư Nghĩa) trong giờ học.
Học sinh Trường mầm non Nghĩa An (Tư Nghĩa) trong giờ học.


Bộ GD&ĐT cũng nghiêm cấm việc thu các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh như: Bảo vệ cơ sở vật chất, đảm bảo an ninh nhà trường; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường... Quy định là vậy nhưng thực tế gánh nặng của các khoản thu vẫn cứ “đè nặng” trên vai các bậc phụ huynh học sinh, nhất là đối với những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Bởi ban đại diện cha mẹ học sinh của nhiều trường thu, chi trái với quy định nêu trên.

Ở TP Quảng Ngãi, có trường tiểu học chi hỗ trợ giáo viên, nhân viên nhân dịp lễ, tết trong một năm học từ quỹ hội cha mẹ học sinh với số tiền  113 triệu đồng, chiếm 64,5% tổng quỹ hội. Việc thu tiền của học sinh để sửa chữa cơ sở vật chất của trường; thuê lao động dọn vệ sinh trường, trả lương cho bảo vệ… thì “nhan nhản” ở các trường học. Mặc dù thực hiện việc thu, chi trái với quy định thế nhưng chưa một cơ sở giáo dục nào trên địa bàn tỉnh bị xử lý nghiêm khắc, thường thì cán bộ thanh tra nhắc nhở vài lời… rồi “đâu lại vào đấy”.

 Mới đây, dư luận xôn xao việc Trường THPT số 1 Sơn Tịnh thu khoản kiểm tra chung, giấy nháp, giấy thi 140.000đ/hs là quá cao. Sở GD&ĐT đã tiến hành thanh tra và cho rằng “Không có quy định cụ thể cho khoản thu này, nhưng Sở GD&ĐT nhận thấy việc thu, chi của trường là hợp lý và phù hợp với tình hình chung. Tuy nhiên nhà trường và thường trực ban đại diện cha mẹ dự trù nội dung này tương đối cao so với thực tế dẫn tới hiện tại thừa mỗi em khoảng 35.000đồng”. Qua sự việc này cho thấy cùng với việc cố tình làm trái một số quy định thì chính việc “không có quy định cụ thể” là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự bất ổn trong công tác quản lý thu, chi, gây ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường.

Theo quy định của UBND tỉnh: “Ngoài những nội dung chi chủ yếu, nếu phát sinh những nội dung khác thì trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh trường, trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh lớp thống nhất với hiệu trưởng  và giáo viên chủ nhiệm xem xét, quyết định”. Nhiều người cho rằng quy định của UBND tỉnh mang tính chung chung. Nhiều trường học lấy lý do “là khoản thu thỏa thuận với ban đại diện cha mẹ học sinh” để lý giải cho việc lạm thu. Thiết nghĩ cần phải có “liều thuốc đặc trị” để chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong trường học, để học sinh, nhất là những em có hoàn cảnh khó khăn không phải chịu  “gánh nặng” trước các khoản thu.

 


Bài, ảnh: MINH ANH
 


.