Lạm thu trong các trường học: Bài toán nan giải

10:05, 04/05/2013
.

(QNĐT)- Lạm thu trong trường học, một vấn đề bức xúc trong dư luận xã hội trong thời gian dài. Nhiều quyết định, công văn, chỉ thị ra đời nhưng tất cả chưa phải là đáp án cho bài toán nan giải này.

TIN LIÊN QUAN


*1 học sinh gánh 13 loại phí

Ngay từ những ngày đầu năm học mới 2012-2013, nhiều bậc phụ huynh ở Trường Tiểu học Đông Hà, xã Nghĩa Hà (Tư Nghĩa) “đau đầu” vì giáo viên chủ nhiệm đưa ra 16 khoản thu. Với số tiền 1,2 triệu đồng cho mỗi học sinh thì nhiều bậc phụ huynh khá giả ở thành phố còn chật vật cho con đến trường huống chi là ở vùng quê thuần nông như Nghĩa Hà.

Bên cạnh những khoản thu bắt buộc mà các trường tiểu học được phép thu gồm học phí, bảo hiểm y tế và một số khoản thu hộ (tự nguyện, không bắt buộc) để mua sắm phục vụ trực tiếp cho học sinh như tiền quần áo đồng phục, thể dục, phù hiệu… thì nhà trường còn đưa ra rất nhiều khoản thu mang tên “thỏa thuận, thu hộ” như: nước uống, quỹ lớp, tiền điện, khen thưởng, hoạt động Đội, bảo vệ trực đêm và vệ sinh, ghế nhựa ngồi chào cờ…

Đặc biệt, hầu hết phụ huynh bức xúc với khoản thu xây dựng nhà xe 80.000 đồng vì theo nhiều bậc phụ huynh khoản thu này nhà trường đã thu nhiều năm nhưng nhà xe thì chẳng thấy đâu. Còn khoản thu học phí 60.000 đồng là sai phạm vì theo Quyết định số 37 của UBND tỉnh Quảng Ngãi, trường chỉ được áp dụng khung học phí ở khu vực nông thôn là 25.000 đồng/học sinh (2 buổi/ngày).

Bấy nhiêu chưa phải là nhiều khi Trường tiểu học Thạch Trụ thu sửa chữa nhà xe tường rào cao hơn gần gấp đôi là 150.000 đồng/HS.

 

Mỗi học sinh khi đến trường phải cõng hơn 10 loại phí.
Nhiều trường, mỗi học sinh khi đến trường phải cõng 13 loại phí. Ảnh minh hoạ


Nhiều phụ huynh cho biết, lúc nào họp phụ huynh giáo viên chủ nhiệm cũng than vãn nhà trường không có kinh phí. Phụ huynh sẵn sàng sẻ chia khó khăn với nhà trường, nhưng với quá nhiều khoản thu như hiện nay khiến họ rất chật vật khi cho con đến trường.

Chị Anh Thư, phụ huynh có con học tại một trường điểm trên địa bàn TP. Quảng Ngãi cho hay: “Để con được lên sân khấu diễn văn nghệ, mỗi phụ huynh chúng tôi phải đóng tới 450.000 đồng. Đã vậy, con còn dặn dò cha mẹ là đi họp phụ huynh không được phàn nàn, như thế con sẽ bị phân biệt đối xử ”.

Cứ vào năm học, nhiều trường diễn ra tình trạng lạm thu, lợi dụng vào Hội cha mẹ học sinh để “vẽ rồng vẽ rắn” các khoản thu, khiến nhiều bậc phụ huynh phải than trời. Trong khi đó, Hội cha mẹ học sinh lại xem đó là "thành tích", "tất cả vì con em chúng ta" nên "tiếp tay" cho nhà trường.

Đặc biệt tại Trường THPT Số 1 Sơn Tịnh có khoản thu kiểm tra chung, giấy thi, giấy nháp lên đến 140.000 đồng/HS; nước uống, vệ sinh 100.000 đồng/HS; đề thi thử tốt nghiệp, đại học 135.000 đồng/HS. Trong khi đó cùng khoản thu này nhưng ở các trường khác không thu hoặc có thu cũng chỉ từ 24.000-25.000 đồng. Với nhiều khoản thu “nặng ký”, Trường THPT Số 1 Sơn Tịnh được xếp vào tốp những trường thu cao nhất trên địa bàn tỉnh.

*Nguyên nhân do đâu?

Theo quy định, với nguồn kinh phí được cấp, các trường được chi lương và có tính chất lương 80% và 20% dành cho hoạt động, nhưng hầu hết kinh phí chi lương và có tính chất lương chiếm tỷ lệ cao, từ 85-92%, tỷ lệ chi cho hoạt động rất ít, từ 8-15%.

Nói thế, không có nghĩa là các trường không tổ chức các hoạt động mà ngược lại thu thêm các khoản như: nước uống, vệ sinh, khen thưởng, giữ xe đạp…, thậm chí có một số trường thu khoản thu tăng cường cơ sở vật chất như: mua quạt, nhà xe, bê tông sân trường…, nhằm hạn chế chi ngân sách để tiết kiệm chi.
 
Theo ông Đỗ Văn Phu- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT thì nguyên dẫn dẫn đến tình trạng lạm thu là do ngân sách đầu tư cho giáo dục còn hạn hẹp, nhất là các trường mầm non, tiểu học cơ sở vật chất còn rất thiếu thốn, nguồn chi thường xuyên cho các cơ sở giáo dục không đảm bảo tỷ lệ 80% chi cho người và 20% chi cho hoạt động giáo dục nên cần phải huy động nguồn lực rất dồi dào trong nhân dân.

 

Nhiều trường
Để giải quyết bài toán ‘lạm thu”, Sở đã yêu cầu các phòng giáo dục, trường công khai thu chi, kiểm tra, nhắc nhở, nhưng cũng chỉ dừng lại ở lý thuyết. Ảnh minh hoạ.


Theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT tại Công văn số 5584 ngày 23/8/2011, hướng dẫn các khoản thu học phí và lệ phí tuyển sinh có tính chất gợi mở như các khoản thu thỏa thuận giữa nhà trường và cha mẹ học sinh trong công tác nuôi dạy học sinh như: Tiền ăn, tiền chăm sóc bán trú, tiền nước uống, giấy thi, vệ sinh, giấy nháp…, nên một số cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã tổ chức thu các khoản này, dẫn đến tình trạng lạm thu.

*Cần có chế tài xử lý

Để giải quyết bài toán ‘lạm thu”, Sở đã yêu cầu các phòng giáo dục, trường công khai thu chi, kiểm tra, nhắc nhở, nhưng cũng chỉ dừng lại ở lý thuyết. Trường vẫn cứ thu và phụ huynh vẫn cắn răng mà đóng. Những trường hợp bị phản ánh lên các phương tiện thông tin đại chúng, trước sức ép của dự luận thì điều chỉnh được phần nào.

Đơn cử như Trường tiểu học Đông Hà, sau khi bị phụ huynh phản ứng gay gắt, báo chí vào cuộc, nhà trường đã giảm xuống còn 13 khoản. Còn thực tế, ít khi dư luận được thông tin về những trường bị xử lý vì lạm thu.

Vừa qua, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thực hiện giám sát các quy định về thu, chi ở một số trường mầm non, tiểu học và Ban đại diện cha mẹ học sinh trên địa bàn tỉnh. Theo đó yêu cầu các trường công khai thu chi, khi huy động đóng góp của phụ huynh phải theo hình thức hoàn toàn tự nguyện. Mỗi phụ huynh cần nắm rõ ý thức và trách nhiệm của mình, không nên “tiếp tay” cho nhà trường lạm thu nhiều khoản thu mang tên “tự nguyện” một cách vô lý, gây áp lực cho nhiều phụ huynh có hoàn cảnh eo hẹp.

Cũng theo ông Phu, nhằm giải quyết lạm thu, hàng năm, UBND các huyện, thành phố trong tỉnh phân bổ kinh phí phải đảm bảo nguyên tắc tính định mức phân bổ sự nghiệp giáo dục theo đúng quy định.

Song Bộ GD&ĐT cần hướng dẫn cụ thể các khoản thu ngoài học phí, trong đó quy định rõ danh mục, mức thu, việc chi, chế tài xử lý…, làm căn cứ pháp lý để các địa phương theo đó mà thực hiện ngay trong năm học tới. UBND tỉnh nên ban hành quy định việc vận động, quản lý thu chi kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Sở sẽ tăng cường kiểm tra việc quản lý thu chi tại các cơ sở giáo dục, nhằm chấn chỉnh kịp thời các thiếu sót, sai phạm, lạm thu, đồng thời nghiêm khắc xử lý các trường học lạm thu, sử dụng nguồn sai mục đích.



Bài, ảnh: Ái Kiều

 


.