Nỗi niềm đời sống công nhân

08:07, 20/07/2013
.

(QNg)- Những năm gần đây, người lao động trong tỉnh làm việc ở các tỉnh phía Nam về quê tìm việc làm ngày càng đông. Đây là tín hiệu đáng mừng, nhưng đồng thời cũng đặt ra cho các cấp, các ngành trong việc quản lý, chăm sóc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, nếu không muốn họ một lần nữa phải ly hương.

TIN LIÊN QUAN


 Theo Ban quản lý các KCN tỉnh, hiện ở KCN Tịnh Phong có hơn 6.000 lao động làm việc tại 23 DN. Trong đó 80% là lao động nữ, đa số là người dân địa phương và phải sống ở những căn nhà trọ chật hẹp quanh KCN. Tuổi đời của họ còn rất trẻ, nhưng sau một ngày làm việc họ chỉ biết quay về nhà trọ ăn bữa cơm đạm bạc và nghỉ ngơi lấy lại sức khoẻ cho ngày làm việc hôm sau.

Thiếu đủ bề!

Xóm Hàng Gia, thôn Phong Niên Thượng, xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh) là nơi có nhiều khu nhà trọ được công nhân thuê. Nơi này nằm sát bên KCN Tịnh Phong nên người dân đầu tư xây dựng nhà trọ cho công nhân thuê để có thêm thu nhập. Sáu giờ chiều, trời tắt nắng, dọc QL 1 A, từng tốp công nhân rời nhà máy về nhà trọ với dáng vẻ mệt mỏi.

 

Công nhân tranh thủ mua đồ ăn sau giờ tan ca.
Công nhân tranh thủ mua đồ ăn sau giờ tan ca.

 

Dù vậy nhưng họ vẫn phải lo bữa cơm tối. Người nấu cơm, người làm rau và thay phiên nhau tắm giặt. Căn phòng trọ của chị L. cùng nhóm bạn (đều là công nhân Nhà máy giày Rieker) chỉ rộng chừng 9m2, mái lợp tôn Proximăng nên nóng hừng hực. Phòng chật nên các chị chỉ trải chiếu giữa phòng nghỉ, xoong nồi, bát đĩa được xếp một góc, quần áo treo đầy trên tường. Chị B. phân trần: "Anh thông cảm, tụi em sáng đi làm, tối mịt mới về, ăn uống tạm bợ gì đó rồi đi ngủ nên chẳng cần bàn, ghế hay ti vi làm gì". - Còn trẻ mà sống như thế không buồn sao? Tôi hỏi.  "Đi làm cả ngày mệt rũ rượi nên chỉ trông hết ca về nhà nghỉ. Thỉnh thoảng chị em cũng rủ nhau xuống mấy quán dọc QL 1A uống cà phê mà thôi. Ngẫm nghĩ cũng thấy buồn lắm, nhưng vì tương lai nên đành phải hy sinh thôi"- chị B. kể.

Cũng theo chị B. làm việc ở Nhà máy giày Rieker mọi người không được biết thu nhập của nhau. Các anh chị em đều có ít cơ hội để vui chơi giải trí. Chủ nhật được nghỉ, ai ở gần thì tranh thủ về thăm gia đình, còn ở xa thì ở lại nhà trọ tranh thủ ngủ bù. Những người có gia đình đều phải gửi con về quê nhờ ông bà nuôi nấng.

Công nhân "VIP"!

Trời đã về đêm, nhưng hơi nóng trong phòng chưa vơi nên mọi người phải kéo nhau ra hành lang ngồi hóng mát. Công nhân V. làm việc tại Nhà máy điện tử Foster tâm sự: “Hôm nay về sớm chứ mọi khi 19 giờ mới về. Làm việc ở  đây không đòi hỏi kinh nghiệm, nhưng phải chịu áp lực về thời gian, nên chuyện vui chơi chẳng bao giờ dám nghĩ. Vả lại, lương đâu có nhiều mà chơi hả anh? ". Nhưng điều làm cho V. khó xử ở đây là mỗi lần về quê không dám nói sự thật là mình làm công nhân, vì sợ bố mẹ buồn và hàng xóm đàm tiếu đã học cao đẳng mấy năm ra trường mà chỉ làm công việc của người không có điều kiện để học.

Cùng cảnh ngộ về quê làm công nhân, H. tốt nghiệp cao đẳng kế toán ngậm ngùi chia sẻ: “Ra trường đi xin việc đâu cũng đòi 2 năm kinh nghiệm. Trong tình thế đó em quyết định đi làm công nhân, vì không thể ăn bám bố mẹ mãi. Tụi bạn làm cùng công ty gọi những anh chị đã học qua trung cấp, cao đẳng là công nhân VIP đấy". Thoạt nghĩ, chuyện đi làm công nhân âu đó cũng là chuyện bình thường, nhất là làm trong những nhà máy công nghệ cao, nhưng cũng thật xót xa cho công tác đào tạo hiện nay, vì quá lãng phí nguồn lực. Bởi lẽ, thu nhập của H. hiện nay chỉ khoảng hơn 3 triệu đồng (kể cả tăng ca).

Còn Hương- công nhân Công ty Vinatex tâm sự: “Thu nhập của em khoảng 2,4 triệu đồng, tằn tiện lắm mới tạm đủ chi tiền trọ, tiền ăn, tiền điện... Một thân mà đã chật vật thế này nên những anh chị đã có gia đình không biết phải xoay xở thế nào?" Để chia sẻ những khó khăn đối với công nhân, C.ty TNHH MTV Vinatex Quảng Ngãi đã nhiều lần xin chuyển khu đất ở phân xưởng 6 sang xây dựng khu nhà ở cho công nhân nhưng tỉnh chưa đồng ý. "Công ty quyết định hỗ trợ công nhân 100 nghìn đồng/tháng tiền thuê nhà và  tổ chức 4 chuyến đưa đón công nhân ở xa”- ông Nguyễn Thạnh, Chủ tịch Công đoàn C.ty TNHH MTV Vinatex Quảng Ngãi cho biết.  

Chuyện các công ty quan tâm về đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng, năng suất lao động của doanh nghiệp. Điển hình trong số đó là C.ty TNHH MTV Vinatex Quảng Ngãi, Nhà máy may Thuyên Nguyên, Nhà máy giày Rieker, Xí nghiệp may Đông Thành, Nhà máy điện tử Foster,... Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm đến việc này, kể cả cơ quan quản lý nhà nước, dẫn đến một bộ phận công nhân gặp khó khăn thiếu thốn trăm bề.    

      
       Bài, ảnh: Bá Sơn
 


.