Các thiết chế văn hóa cho công nhân: Khoảng trống chưa được lấp đầy

02:05, 03/05/2013
.

(QNg)- Hiện nay, Quảng Ngãi có một khu kinh tế (KKT) và hai khu công nghiệp (KCN) thu hút hàng chục ngàn lao động trong và ngoài tỉnh. Thế nhưng, các thiết chế văn hóa dành cho công nhân đang sinh sống và làm việc tại các KKT- KCN đang rất thiếu thốn.

 Dù đã đi vào hoạt động khá lâu và thu hút được nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, nhưng KKT Dung Quất và KCN Quảng Phú, Tịnh Phong vẫn còn thiếu nhà ở, cơ sở hạ tầng xã hội và các thiết chế văn hóa phục vụ công nhân. Trong khi đó hầu hết các doanh nghiệp đều chưa chú trọng đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, phòng đọc sách, nơi truy cập internet... khiến nhiều công nhân rơi vào tình trạng thiếu thông tin, nhận thức xã hội hạn chế.

 

Rất ít doanh nghiệp tổ chức ngày hội văn hóa- thể thao như Doosan Vina.
Rất ít doanh nghiệp tổ chức ngày hội văn hóa- thể thao như Doosan Vina.


Khi chúng tôi trao đổi với các cán bộ công đoàn cơ sở tại KKT Dung Quất và các KCN về việc xây dựng và duy trì các thiết chế văn hóa, thì hầu hết đều trả lời: “Khó lắm!”. Chị Đoàn Thị Thúy Hoanh- Cán bộ công đoàn Công ty Tam Minh (KKT Dung Quất), trăn trở: Dù thường xuyên tổ chức các giải bóng đá, bóng chuyền cho công nhân tham gia, nhưng điều kiện cơ sở vật chất của công ty còn hạn chế nên việc xây dựng các thiết chế văn hóa cho công nhân vẫn còn ở thì tương lai.

Khi quá chú trọng phát triển kinh tế mà xem nhẹ yếu tố văn hóa, nhiều địa phương đã phải gánh chịu hệ lụy. Ban Tuyên giáo Trung ương từng cảnh báo: “Công nhân đang nằm ngoài “vùng phủ sóng” văn hóa. Nhiều công nhân không quan tâm đến vấn đề chính trị, một bộ phận tự triệt tiêu nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần, một bộ phận khác thiếu định hướng tư tưởng, tìm đến luồng văn hóa thiếu lành mạnh”.

Hoạt động văn hóa thể thao góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, giúp mỗi công nhân tạo lập lối sống văn hóa, yêu lao động, có chí tiến thủ vươn lên. Chính vì vậy, nhiều chỉ tiêu và giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ đề ra trong Quyết định 1780/QĐ-TTg xác định nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các KCN đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Theo đó, đến năm 2015, 50% công nhân ở các KCN tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao (con số này vào năm 2020 là 70%).

Từ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các cấp, ngành và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần quan tâm bố trí nguồn lực để đầu tư phát triển các thiết chế văn hóa cho người lao động. Sau khi tiến hành khảo sát, điều tra tổng thể thực tế cần nhanh chóng tiến hành việc quy hoạch quỹ đất, có cơ chế khuyến khích xã hội hóa. Bên cạnh đó, củng cố và chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở; các mô hình sinh hoạt văn hóa thiết thực thu hút đông đảo công nhân tham gia, phù hợp đặc thù sản xuất, kinh doanh ở từng KKT- KCN và điều kiện kinh tế - xã hội địa phương.


Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU
 


.