(QNg)- Xã Ba Chùa (Ba Tơ) là địa phương duy nhất ở miền núi được tỉnh chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2015. Những năm qua, cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xã Ba Chùa còn chú trọng đến việc dạy nghề, đưa khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, tạo thu nhập cho bà con, góp phần vào việc xây dựng NTM.
Điều kiện sống của người dân Ba Chùa còn ở mức thấp và còn gặp nhiều khó khăn, do thiếu tư liệu sản xuất, trình độ tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông lâm nghiệp còn nhiều hạn chế, sự tích luỹ vốn chưa nhiều chỉ giải quyết cuộc sống trước mắt và chưa có những điều kiện căn bản để phát triển sản xuất theo chiều hướng ổn định và sản xuất theo hướng hàng hóa. Chính vì vậy, việc chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Bởi đây là điều kiện tốt để các nông hộ có điều kiện tiếp cận và tuyên truyền vận động áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, nhằm từng bước thay đổi một số lề lối tập quán cũ, lạc hậu và hiệu quả thấp. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số thì việc "cầm tay chỉ việc" là điều cần thiết trong quá trình chuyển giao khoa học-kỹ thuật.
Mới đây, Ủy ban nhân dân xã Ba Chùa đã hợp đồng với Trung tâm dạy nghề tỉnh Quảng Ngãi mở một số lớp dạy nghề, trong đó lớp thú y được nhiều người quan tâm. Ông Phạm Đức Quynh - một người chăn nuôi heo theo học lớp thú y bộc bạch: " Mặc dù tôi tham gia lớp học nghề này không được hỗ trợ chi phí nhưng tôi vẫn xin đi học để có kiến thức vận dụng vào chăn nuôi heo, gà, vịt". Hiện ông Quynh đã đầu tư gần 50 triệu đồng xây dựng chuồng trại để nuôi heo hướng nạc.
Nuôi hươu sao - mô hình chăn nuôi mới ở huyện Ba Tơ. |
Sau khi tham dự lớp học này, nhiều hộ chăn nuôi ở xã Ba Chùa đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại để mở rộng chăn nuôi. Ông Phạm Văn Nành, một hộ chăn nuôi gà ở địa phương cho biết, trước đây gia đình ông cũng nuôi gà nhưng nuôi nhỏ lẻ chủ yếu để ăn thịt và gà thường hay dịch bệnh chết. Bây giờ học được lớp thú y này, ông đầu tư hơn 20 triệu đồng làm chuồng trại chăn nuôi gà thịt. Ông Phạm Văn Nành cho biết thêm: "Học lớp này tôi nắm được kiến thức, cách nuôi, kỹ thuật nuôi và có thể chữa được dịch bệnh cho gia súc, gia cầm".
Đào tạo nghề gắn liền với việc làm và tăng thu nhập là một trong những tiêu chí của xã Ba Chùa trong tiến trình phát triển kinh tế xây dựng NTM. Ông Phạm Văn Ka Ny, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ba Chùa cho biết, đất nông nghiệp ở địa phương ít nên xã chú trọng đến việc phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa và phát triển kinh tế rừng. Do đó, xã luôn quan tâm đến các chương trình khuyến nông cơ sở, tập huấn chuyển giao nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là việc đưa nhanh các tiến bộ kỹ thuật sản xuất trồng trọt và chăn nuôi.
Từ đó giúp người dân có những nhận thức về mức độ hiệu quả của các chương trình, thông qua việc nâng dần tỷ lệ hộ dân thoát nghèo. "Sắp đến chúng tôi sẽ tiếp tục đăng ký với Trung tâm đào tạo dạy nghề Quảng Ngãi mở thêm nhiều lớp chăn nuôi cho nên bà con tiếp thu được kiến thức trong việc chăn nuôi nhằm giúp bà con thoát nghèo, góp phần xây dựng NTM" - Ông Phạm Văn Ka Ny cho biết thêm.
Anh Vinh