Làm gì để hạn chế người lao động đi xuất khẩu về nước trước thời hạn?

08:06, 14/06/2012
.

(QNĐT)- XKLĐ là một chủ trương lớn, vừa tạo thu nhập, xoá đói, giảm nghèo cho lao động vừa góp phần phát triển nguồn nhân lực, nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, nhiều người lao động phải về nước trước thời hạn với khoản nợ không nhỏ từ ngân hàng.

TIN LIÊN QUAN


*Xuất ngoại về quê “ôm nợ”

Cũng như bao người dân ở huyện miền núi Tây Trà, với ước mơ đổi đời thoát khỏi cuộc sống nghèo túng, anh Hồ Văn Tìm đã chọn con đường đến Malaysia lao động kiếm tiền.

Theo hợp đồng với đơn vị đưa người đi XKLĐ là Công ty Châu Hưng, thời hạn làm việc ở Malaysia của anh Tìm là 36 tháng. Trước khi đi, anh Tìm được tham dự khóa đào tạo và giáo dục định hướng, khám sức khỏe và hoàn tất các thủ tục cần thiết, cũng như vay gần 19 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NH CSXH ).
 
Thế nhưng chỉ sau 8 tháng xuất cảnh, anh Tìm bị nhà máy thanh lý hợp đồng và trả về nước trước thời hạn vì lý do “nghỉ làm không xin phép”. Theo anh Tìm, anh nghỉ làm vì lý do đau dạ dày. Điều đáng nói là anh bị mắc bệnh này khi còn ở quê nhà, nhưng khi Công ty Châu Hưng đưa đi khám sức khỏe trước khi đi vẫn có kết quả “sức khỏe tốt”.

Cũng trở về từ Malaysia trong cảnh nợ nần là anh Lâm Quốc Việt (Minh Long). Dù không có tay nghề nhưng vì ham thu nhập cao, Việt “liều” đăng lý đi XKLĐ ở Hàn Quốc, dẫu biết rằng đây là thị trường đòi hỏi trình độ tay nghề cao. Sau 6 tháng bám trụ ở xứ Hàn, Việt đành làm đơn xin về vì sức khỏe không đảm bảo.

Anh Phạm Văn Tuệ (Ba Tơ) cũng tự nguyện xin thanh lý hợp đồng trước thời hạn vì “sốc” bởi công việc ở xứ người. Anh phải lao động trong điều kiện môi trường ô nhiễm, độc hại chứ không như những gì doanh nghiệp thông tin trước khi xuất cảnh.

Cũng do Công ty Châu Hưng đưa đi, trường hợp chị Hồ Thị Út (Tây Trà) càng oan ức hơn khi chị xuất cảnh đúng nửa tháng bị đơn vị chủ quản trả về vì chị Út mang thai đã vài tháng nhưng không được phát hiện sớm. Tiền mất tật mang, hiện chị Út không có khả năng trả nợ số tiền 25 triệu đồng vay từ ngân hàng trước khi xuất cảnh.

Đó chỉ là ba trong số những trường hợp vỡ mộng vì XKLĐ. Theo số liệu của Sở LĐ TB&XH, hơn 2 năm gần đây, Quảng Ngãi có 109 trường hợp lao động phải về nước trước thời hạn, trong đó Sơn Hà có 34 trường hợp, Minh Long 7, Tây Trà 8, Trà Bồng 10, Đức Phổ 8, đặc biệt Ba Tơ có tới 42 trường hợp.

*Nguyên nhân do đâu?

Có thể nói, công tác XKLĐ trong thời gian qua đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp, chính quyền các địa phương và nhân dân. Nhờ vậy, XKLĐ đã mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân, nhiều LĐ sau khi về nước còn có tay nghề vững vàng nên dễ dàng tìm được một công việc ổn định tại các nhà máy, xí nghiệp trong nước.
 
AA
Thời gian qua, nhiều LĐ về nước trước thời hạn đã gây ảnh hưởng đến công tác XKLĐ. Ảnh chỉ mang tính minh hoạ

 

Nhưng phải thừa nhận rằng, thời gian gần đây, công tác này đang chững lại, nhiều lao động có tâm lý không muốn đi dẫu biết rằng XKLĐ là hướng quan trọng tạo thu nhập, xoá đói, giảm nghèo. Công tác quản lý nhà nước chưa chặt chẽ, dẫn đến hiện tượng một số tổ chức, cá nhân không có chức năng XKLĐ, nhưng vẫn đứng ra thu tiền bất chính của người lao động, khiến nhiều người hoang mang.

Trong số 109 lao động về nước trước thời hạn có tới 64 trường hợp tự ý bỏ về do chê thu nhập thấp; bị kỷ luật, do thói quen sống và làm việc thiếu kỷ luật, thường xuyên uống rượu, đánh nhau; không thích nghi được với cộng động mới ở nước sở tại, bất đồng ngôn ngữ.
 

Theo lý giải của đơn vị đưa người đi XKLĐ thì nguyên nhân là do quá nuôi ảo tưởng, người lao động có trình độ tay nghề kém; ý thức, lối sống cùng suy nghĩ còn hạn hẹp, cứ thích đi là đi, khi nào gặp khó khăn thì tự ý bỏ về.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, điều này không thể đổ lỗi hết cho người lao động, mà trách nhiệm thuộc về cơ quan chức năng bởi chúng ta quá đặt nặng vấn đề số lượng, chỉ tiêu mà chưa chú trọng đến chất lượng lao động, tiếp nhận lao động ồ ạt trong khi họ không có tay nghề.

Một nguyên nhân phải kể đến nữa là nhiều doanh nghiệp đã đưa thông tin, quảng cáo ban đầu không đúng sự thật, khiến người lao động không lường được sức mình, nuôi ảo mộng, khi đặt chân đến xứ người, viễn cảnh không như doanh nghiệp “thêu dệt” làm người lao động vỡ mộng, mất niềm tin.

Một khi không chịu đựng thêm được nữa, trong tình thế bắt buộc họ phải tự ý bỏ về nước, đành chấp nhận nợ nần. Một số lao động khi về nước thừa nhận, biết thực tế như vậy thà rằng họ ở quê làm ruộng, nương rẫy, làm thuê, làm mướn còn hơn bỏ tiền bạc, công sức để đi XKLĐ để rồi ôm nợ nần.

Dường như doanh nghiệp “mang con bỏ chợ”, bởi có nhiều trường hợp lao động về nước trước thời hạn nhưng phía doanh nghiệp không hề hay biết. Khi các cơ quan chức năng đề cập, họ mới bắt đầu cuống cuồng tìm hiểu.

Thực tế cho thấy, việc phối hợp cũng như sự hỗ trợ của các doanh nghiệp đối với người lao động về nước trước hạn chưa hết trách nhiệm, nhất là các thủ tục liên quan đến người lao động. Nhiều lao động về nước trước hạn do các nguyên nhân khách quan như: Bệnh tật, tai nạn lao động… nhưng không có giấy tờ để làm thủ tục xử lý rủi ro theo quy định.

Theo quy định, người lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài, khi đến bệnh viện đủ tiêu chuẩn để khám sức khỏe yêu cầu phải thực khám và làm các xét nghiệm bắt buộc cận lâm sàng, X-quang và các xét nghiệm khác như: công thức máu, nhóm máu, xét nghiệm viêm gan, xét nghiệm HIV, xét nghiệm giang mai, chụp X-quang tim phổi thẳng, chẩn đoán thai nghén….

Tuy vậy, công tác khám sức khỏe cho người lao động đã bị xem nhẹ, dễ dãi; khám bệnh qua loa đại khái. Vì không khám kỹ, nhiều lao động có sức khỏe không đủ tiêu chuẩn vẫn được đi, đến khi ra nước ngoài cơ quan y tế khám lại thì không đảm bảo sức khỏe, buộc phải thanh lý hợp đồng.  Điều này càng thấy rõ công tác tuyển chọn cho người lao động ra nước ngoài làm việc của ta chưa chú trọng nhiều đến chất lượng.

Theo số liệu thống kê của NH CSXH tỉnh, tổng số tiền dư nợ mà các lao động về nước trước thời hạn là 2,247 tỷ đồng, trong đó có 27 LĐ không có khả năng trả nợ, với số tiền 541 triệu đồng, số còn lại có khả năng trả nợ, nhưng thời gian qua chậm trả nợ là do sau khi thanh lý hợp đồng với người lao động thì công ty chậm chuyển tiền về cho ngân hàng để trừ hộ nợ vay, nhằm giảm bớt lãi tiền vay cho khách hàng, mặc  dù ngân hàng đã làm việc với công ty nhiều lần. Các công ty XKLĐ chưa phối hợp với ngân hàng trong việc thu hồi nợ từ tiền lương người lao động.

*Cần sự phối hợp đồng bộ

Có thể khẳng định, XKLĐ là một chủ trương lớn, vừa tạo thu nhập, xoá đói, giảm nghèo cho lao động vừa góp phần phát triển nguồn nhân lực, nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động.

Đây là chủ trương quan trọng, có ý nghĩa của Đảng và Nhà nước. Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, ra nước ngoài làm việc lại càng có ý nghĩa hơn. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta chạy theo số lượng bỏ qua vấn đề chất lượng.

Để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, tồn tại trong công tác XKLĐ, các cấp, ngành, doanh nghiệp và các địa phương cần có sự điều chỉnh và phối hợp lại với nhau một cách chặt chẽ và thường xuyên hơn.

Hàng năm, ngành LĐTB&XH xây dựng kế hoạch XKLĐ sát nhu cầu thực tế, đôn đốc các địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền để người lao động hiểu rõ.

 

aa
Trên thực tế, nhu cầu đi XKLĐ rất lớn, nhưng không phải vì thế mà chúng ta chạy theo số lượng, bỏ qua chất lượng.


Việc người lao động thạo nghề mang tính chất quyết định trong XKLĐ. Vì vậy, đào tạo phải theo thị trường chứ không phải theo kế hoạch. Doanh nghiệp cần kết hợp với trường nghề  đào tạo thật kỹ cho người lao động, tập trung vào các khâu như: Trình độ ngoại ngữ, văn hóa, truyền thống của các nước sở tại, tác phong công nghiệp, vốn kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật trước khi đưa người đi XKLĐ.


Phía công ty XKLĐ phải có trách nhiệm thông tin chính xác, minh bạch, rõ ràng những vấn đề liên quan đến đời sống, công việc của người lao động ở nước ngoài như: điều kiện sống, điều kiện làm việc, tiền lương… cả trước, trong và sau khi XKLĐ cho gia đình và cơ quan chức năng địa phương biết để họ có những lựa chọn phù hợp với năng lực của bản thân, tránh “thêu dệt” thái quá dẫn đến tình trạng “vỡ mộng” của nhiều lao động như hiện nay.


Trong quá trình người lao động đang làm việc ở nước ngoài, nếu nảy sinh mâu thuẫn từ phía người lao động hoặc từ phía đơn vị chủ quản thì các bên có sự phối hợp chặt chẽ để giải quyết vấn đề, tránh những mâu thuẫn. Một điều cần phải lưu tâm nữa là siết chặt công tác khám sức khỏe trước khi đi XKLĐ, nhằm hạn chế đến mức thấp lao động về nước trước thời hạn. Bởi người lao động về nước trước thời hạn, không chỉ gây dư luận xấu mà còn dẫn đến tình trạng NLĐ không có tiền trả nợ vay của ngân hàng để làm thủ tục đi XKLĐ, vì hầu hết gia đình có con em đi XKLĐ đều khó khăn nên mới cần vay vốn.

 
Ông Cao Đình Hòa
Ông Cao Đình Hòa Phó Giám đốc Sở LĐ TB&XH

* Ông Cao Đình Hòa- Phó Giám đốc Sở LĐ TB&XH: Có thể nói, Quảng Ngãi là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác XKLĐ. Thời gian qua, có một số lao động về nước trước thời hạn, nhưng nếu so với các tỉnh, thành khác trong cả nước thì Quảng Ngãi chiếm tỷ lệ thấp. Tuy nhiên tình trạng trên đã gây hoang mang trong dư luận, làm ảnh hưởng đến chính sách XKLĐ.

Để thực hiện tốt chính sách, cần sự nỗ lực của cả 3 phía là cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và các DN.  Vì vậy, thời gian tới ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, ngành LĐ TB&XH sẽ chỉ đạo các bên liên quan nghiêm khắc chấn chỉnh tình trạng trên, nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác XKLĐ.


Ông
Ông Lữ Đình Ngộ- Phó trưởng phòng LĐ TB&XH huyện Sơn Hà.
* Ông Lữ Đình Ngộ- Phó trưởng phòng LĐ TB&XH huyện Sơn Hà: Trong 109 lao động về nước trước thời hạn, huyện Sơn Hà có tới 44 LĐ. Để rộng đường dư luận, vừa qua lãnh đạo huyện đã tổ chức đối thoại với số LĐ này để tìm ra nguyên nhân. Có rất nhiều nguyên nhân từ khách quan đến chủ quan, nhưng nguyên nhân cốt lõi dẫn đến việc về nước trước hạn của LĐ tại địa phương là bị kỷ luật, do thói quen sống và làm việc thiếu kỷ luật, thường xuyên uống rượu, đánh nhau. Theo tôi, cần có những biện pháp căn cơ với những LĐ bỏ về để răn đe các LĐ khác. Doanh nghiệp cũng cần tuyên truyền và tư vấn chính xác, minh bạch về các điều kiện tuyển dụng, điều kiện làm việc cũng như chính sách hỗ trợ cho người LĐ được rõ. Ngoài ra, phải siết chặt công tác khám sức khỏe trước khi đi XKLĐ, nhằm hạn chế đến mức thấp LĐ về nước trước thời hạn.

* Ông Đặng Tấn Thủ- Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây: Trong danh sách LĐ về nước trước thời hạn do NH CSXH cung cấp, Sơn Tây không có trường hợp nào nhưng thực tế huyện ghi nhận 7 trường hợp. Nói thế để thấy rằng, doanh nghiệp đã không  thực hiện tốt trách nhiệm của mình với người LĐ, không có sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp, chính quyền địa phương và người LĐ. Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ LĐTB&XH phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp. Những đơn vị nào không làm tốt trách nhiệm của mình cần tước giấy phép hoạt động. Đây là một trong những cách giúp giảm bớt thiệt hại cho người LĐ trong quá trình XKLĐ.

Ông
Ông Ông Võ Duy Yên- Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh
* Ông Võ Duy Yên- Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh: Nhiều LĐ bỏ về do mức lương làm việc tại Malaysia thấp so với các nước khác. Nhưng trên thực tế, Malaysia vẫn được xem là thị trường phù hợp với phần đông LĐ Quảng Ngãi do LĐ chúng ta chủ yếu là LĐ ở miền núi, trình độ tay nghề kém. Với mức thu nhập khoảng 5-7 triệu đồng/tháng, nếu người LĐ chịu khó làm việc và tiết kiệm thì thu nhập cũng khá ổn định, giúp cho gia đình có cơ hội thoát nghèo.
 

 

 
 

Ái Kiều


 

.