Quảng Ngãi: 109 lao động đi XKLĐ về nước trước thời hạn

05:04, 13/04/2012
.

(QNĐT)- Đó là thông tin được đưa ra tại cuộc họp xác định nguyên nhân lao động Quảng Ngãi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài về nước trước thời hạn và bàn biện pháp hỗ trợ cho người lao động do Sở LĐ-TB&XH tổ chức vào sáng 13/4.

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh (NHCSXH), tổng số lao động vay vốn NHCSXH để tham gia XKLĐ đã về nước trước hạn còn dư nợ đến ngày 31/1/2012 trên toàn tỉnh là 109 lao động, với tổng số tiền dư nợ 2,247 tỷ đồng. Trong đó, huyện Sơn Hà có 34 lao động, Ba Tơ 42 lao động, Minh Long 7 lao dộng, Tây Trà 8 lao động, Trà Bồng 10 lao động và Đức Phổ 8 lao động.
 
Các lao động này đi XKLĐ tại các nước BaRanh, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia và UAE do các đơn vị đưa người đi XKLĐ là: Công ty AIRSECO, Công ty Châu Hưng, Công ty CP tiến bộ Quốc tế ATC, Công ty Phát triển phát thanh tryền hình thông tin EMI.CO, Công ty CP nhân lực Toàn cầu GMAS, Công ty Cung ứng nhân lực Quốc tế&TM (SONA), Công ty XKLĐ-TM&DL SOVILACO và Trung tâm Lao động nước ngoài.
 
aa
Nhiều lao động có trình độ tay nghề thấp, sức khỏe không đảm bảo yêu cầu công việc nên phải về nước trước thời hạn (ảnh minh hoạ).


Theo điều tra, ngoài nguyên nhân bị bệnh, tai nạn thì nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lao động Quảng Ngãi về nước trước thời hạn là do chất lượng tuyển dụng của một số Công ty chưa đảm bảo, chủ yếu quan tâm đến số lượng, chưa chú trọng nhiều đến chất lượng lao động, nên khi ra nước ngoài làm việc, người lao động có trình độ tay nghề kém, sức khỏe không đảm bảo yêu cầu công việc nên phải về nước trước thời hạn.

Lao động bỏ về do thu nhập thấp; bị kỷ luật, do thói quen sống và làm việc thiếu kỷ luật, thường xuyên uống rượu, đánh nhau; không thích nghi được với cộng động mới ở nước sở tại, bất đồng ngôn ngữ nên tự ý bỏ về nước.

Chất lượng khám chữa bệnh của một số cơ sở khám chữa bệnh trong nước chưa đảm bảo, nhiều trường hợp đã có bệnh tại Việt Nam nhưng khi khám bệnh không phát hiện, khi đến nước ngoài cơ quan y tế khám lại thì không đảm bảo sức khỏe.

Theo phân tích, đánh giá của NHCSXH, hiện  số lao động không có khả năng trả nợ là 27 lao động, với số tiền 541 triệu đồng, số còn lại có khả năng trả nợ, nhưng thời gian qua chậm trả nợ là do sau khi thanh lý hợp đồng với người lao động thì Công ty  chậm chuyển tiền về cho Ngân hàng để trừ nợ hộ vay, nhằm giảm bớt lãi tiền vay cho khách hàng, mặc  ù Ngân hàng đã làm việc với Công ty nhiều lần. Các Công ty XKLĐ chưa phối hợp với ngân hàng trong việc thu hồi nợ từ tiền lương người lao động. Các bên liên quan chưa làm tốt công tác phối hợp, đôn đốc, nhắc nhở lao động chuyển tiền trả nợ cho ngân hàng.

 

aa
Nhiều đại biểu kiến nghị UBND tỉnh có cơ chế hỗ trợ tiền lãi, gốc hoặc bổ sung nguồn vốn địa phương cho vay giải quyết việc làm tạo điều kiện cho người lao động chuyển đổi ngành nghề.



Đặc biệt, việc phối hợp cũng như sự hỗ trợ của các Công ty XKLĐ đối với người lao động về nước trước thời hạn chưa hết trách nhiệm, nhất là các thủ tục liên quan đến người lao động, nhiều trường hợp về nước trước hạn  do các nguyên nhân khách quan như: chết, bệnh tật, tai nạn lao động… nhưng không có giấy tờ chứng minh để làm thủ tục xử lý rủi ro theo quy định. Nhiều trường hợp lao động đã về nước không có điều kiện cũng như kinh phí để liên hệ các cơ quan liên quan bổ sung các thủ tục trên.

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng, nhằm hạn chế tình trạng trên, các Công ty tham gia tuyển dụng cần khai thác các thị trường thu nhập cao để hướng dẫn người lao động tham gia, thay vì chọn Malaysia là thị trường truyền thống vì thị trường này trả mức lương tương đối thấp nên không thu hút được lao động tham gia.

Với các trường hợp do nguyên nhân khách quan thì NHCSXH sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, hội đoàn thể nhận ủy thác, các cơ quan chức năng hướng dẫn người lao động lập hồ sơ đề nghị xử lý nợ rủi ro theo quy định.

Những trường hợp tự ý bỏ về nước, vi phạm hợp đồng, bị kỷ luật, đã vay vốn nhưng không đi XKLĐ, Ngân hàng sẽ chuyển sang cơ quan pháp luật để thu hồi theo quy định.

Nhiều đại biểu kiến nghị UBND tỉnh có cơ chế hỗ trợ tiền lãi, gốc hoặc bổ sung nguồn vốn địa phương cho vay giải quyết việc làm tạo điều kiện cho người lao động chuyển đổi ngành nghề, nâng cao thu nhập cải thiện cuộc sống, trả nợ cho Ngân hàng với những lao động bỏ về nước do thu nhập  thấp.



Ái Kiều

 

.