Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Còn nhiều khó khăn

09:04, 20/04/2012
.

(QNg)- Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 theo Quyết định 1956/QĐ-TTg (gọi tắt là Đề án 1956) của Thủ tướng Chính phủ đã mở ra cơ hội cho người nông dân được tiếp cận với các chương trình đào tạo nghề để có thể kiếm việc làm, nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, từ khi triển khai đề án cho đến nay, tỉnh ta vẫn gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc khó có thể giải quyết ngày một, ngày hai, tình trạng này làm giảm đi hiệu quả của đề án.

TIN LIÊN QUAN


Khó khăn nhiều mặt…

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) tại các địa phương còn gặp nhiều khó khăn, nhất là nhận thức của người dân chưa cao. Bản thân người lao động, đặc biệt là lao động trẻ, chưa nhận thức được việc đào tạo nghề là một nhu cầu, một yếu tố cần thiết để đảm bảo cuộc sống cho bản thân, cho gia đình nên chưa quan tâm đến việc học nghề. Người dân, nhất là đồng bào miền núi vẫn còn tư tưởng "trông chờ, ỷ lại" vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên chưa ý thức được hiệu quả của việc học nghề. Điều đó cho thấy, các địa phương chưa làm tốt công tác tuyên truyền tới các tổ chức, đoàn thể và đông đảo người lao động trên địa bàn.

Người lao động học nghề tại Trường trung cấp nghề Quảng Ngãi.
Người lao động học nghề tại Trường trung cấp nghề Quảng Ngãi.


Năm 2010, xã Đức Hòa (Mộ Đức) được chọn làm mô hình thí điểm dạy nghề may công nghiệp tại xã với chỉ tiêu 70 học viên, với cơ chế khuyến khích, hỗ trợ rất rõ ràng. Tuy nhiên, đến đầu năm 2011, xã Đức Hòa đã báo cáo không thực hiện được mô hình dạy nghề trên. Còn ở xã Ba Vinh (Ba Tơ), ông Phạm Văn Rạch - Chủ tịch xã cho biết: Sau 2 lớp học nghề cho lao động nông thôn là thú y và xây dựng được triển khai tại xã, đối với nghề thú y người dân đã biết cách áp dụng nghề được học vào đời sống, nâng cao hiệu quả kinh tế khi biết cách chăm sóc gia súc, gia cầm trong gia đình.

 

Tuy nhiên, đối với nghề xây dựng, nghề này chỉ thiết thực đối với một số ít đối tượng đã làm nghề và nâng cao kỹ thuật khi học nghề, nhưng đa phần người dân sau khi học nghề này thường ít sử dụng được trong việc phát triển kinh tế gia đình, chưa phù hợp với thực tế địa phương. Điều đó cho thấy sự lúng túng trong việc xác định nghề đào tạo cho lao động và chương trình đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu của người học. Thực tế cho thấy, còn nhiều bất cập trong công tác lựa chọn ngành nghề phù hợp nhu cầu của người lao động cũng như chưa phù hợp với đặc điểm của từng địa phương.

Ngoài ra, vấn đề khó khăn nhất trong công tác thực hiện Đề án 1956 ở tỉnh ta là kinh phí thực hiện. Nguồn kinh phí được xác định thực hiện các hoạt động của đề án chủ yếu từ ngân sách Trung ương hỗ trợ. Tuy nhiên bắt đầu từ năm 2011, tỉnh ta là một trong 13 tỉnh tự cân đối ngân sách, theo quy định đó, tỉnh ta không được hỗ trợ cho hoạt động đào tạo nghề cho LĐNT theo Đề án 1956. Để đề án thực hiện có hiệu quả, nguồn kinh phí phải đáp ứng là trên 18 tỷ đồng/năm. Nhưng trong năm 2011, với chỉ tiêu đào tạo nghề cho trên 6.200 LĐNT mà kinh phí thực hiện chỉ có 5,2 tỷ đồng, mới bằng 45% kế hoạch. Điều này ảnh hưởng nhiều mặt đối với công tác đào tạo nghề cho LĐNT ở các địa phương, các cơ sở đào tạo nghề cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến người LĐNT.

Theo số liệu từ Phòng LĐ - TB & XH huyện Sơn Hà, qua 2 năm triển khai Đề án 1956, toàn huyện chỉ mới đào tạo nghề thường xuyên cho 247 học viên, trong khi đó, theo khảo sát của huyện thì có trên 6.000 lao động có nhu cầu đào tạo nghề theo hình thức đào tạo nghề thường xuyên. Nhìn chung, ở các địa phương đều gặp phải tình trạng tương tự như huyện Sơn Hà, khi nhu cầu học nghề của người dân rất cao, nhưng do kinh phí thực hiện ít nên không đáp ứng được.


Với những khó khăn nêu trên, mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 45% theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XVIII của Đảng bộ tỉnh sẽ gặp khó khăn không nhỏ (hiện nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh ta chỉ mới đạt 31%).

Tháo gỡ  theo hướng nào?

Đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của LĐNT và điều kiện của địa phương đang là một hướng đi cần được quan tâm hiện nay. Điển hình như mô hình đào tạo nghề "Kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sắn sau thu hoạch" được triển khai ở 2 xã Nghĩa Lâm và Nghĩa Sơn (Tư Nghĩa) đã mang lại hiệu quả cao khi người dân ứng dụng nghề được học vào thực tế công việc của họ. Do đó, trong đào tạo nghề cho LĐNT cần làm tốt công tác khảo sát nhu cầu để phân loại đối tượng, ngành nghề đào tạo một cách hiệu quả nhất.

Đào tạo nghề cho LĐNT không chỉ là một chính sách có ý nghĩa an sinh xã hội mà còn là tiêu chí quan trọng trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, các địa phương cần sớm tháo gỡ các khó khăn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn cho người lao động; dạy nghề; tạo việc làm cho LĐNT, nhất là các vùng bị ảnh hưởng bởi đô thị hóa. Do nhận thức của đa số LĐNT còn hạn chế nên trước mắt, cần tập trung vào các nghề dễ và gần gũi với người nông dân như trồng rau an toàn, trồng hoa, cây cảnh, chăn nuôi thú y, mây tre đan, làm nhang… phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Các nghề khó học và khó thu hút được lao động như cơ khí, điện thì nên triển khai có lộ trình phù hợp để có thể thu hút được học viên.

Ngoài ra, tỉnh cần phải đáp ứng được kinh phí thực hiện phù hợp với chỉ tiêu giao hoặc nếu không cân đối được kinh phí thì phải có sự điều chỉnh chỉ tiêu đào tạo nghề hàng năm trong đề án.
 

*Ông Võ Việt Chính -  Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: Theo tôi, để thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho LĐNT phát triển một cách bền vững đòi hỏi các cơ sở đào tạo nghề tham gia đào tạo nghề nông thôn phải xác định ngành nghề đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội, tức là phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động, phù hợp với đặc điểm địa phương và nguyện vọng của người học nghề, không dựa hoàn toàn vào các nghề có sẵn của đơn vị. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo nghề cần có kế hoạch khảo sát thị trường lao động, nắm bắt kịp thời thông tin lao động theo từng nghề để có cơ sở tư vấn, định hướng kịp thời cho người lao động xác định chọn đúng nghề để học hoặc tự tạo được việc làm ổn định, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng người lao động sau khi kết thúc khóa học không tìm được việc làm hoặc không tự tạo được việc làm phù hợp gây lãng phí tiền của Nhà nước cũng như công sức, thời gian của người đi học.

*Bà Cù Thị Thanh Mai - Phó Giám đốc Sở LĐ - TB & XH: Việc thực hiện chính sách đào tạo nghề cho LĐNT vẫn còn một số tồn tại, nhất là việc phân bổ kinh phí còn chậm, chưa đảm bảo so với nhu cầu học nghề ngày càng cao của LĐNT các địa phương, chưa có kinh phí cho các hoạt động khác của đề án. Sở LĐ - TB & XH đang tham mưu với tỉnh để giải quyết vấn đề này nhằm triển khai tốt Đề án 1956 trong thời gian tới. Ngoài ra, một số địa phương, cấp ủy đảng, Chính quyền, các Hội đoàn thể vẫn chưa thật sự vào cuộc, chưa có sự phối hợp đồng bộ, còn lúng túng trong công tác tổ chức thực hiện để có thể tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong học nghề, tạo động lực để chuyển đổi cơ cấu chuyển động theo mục tiêu xây dựng kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh đó cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề, đội ngũ giáo viên của một số Trung tâm dạy nghề cấp huyện còn thiếu và yếu; trong điều hành chưa tạo được sự gắn kết tương tác giữa cơ quan quản lý Nhà nước và cơ sở đào tạo nghề, lao động nông thôn học nghề và doanh nghiệp sử dụng lao động, vì vậy một số LĐNT sau khi học nghề vẫn chưa tìm được việc làm thích hợp.
 
*Ông Trịnh Minh Đức - Hiệu trưởng Trường trung cấp Nghề Quảng Ngãi: Trong nhiều năm qua, trường đã thực hiện mô hình đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và đem lại hiệu quả rất tốt. Vừa qua, mô hình này cũng đã được Sở LĐ - TB & XH triển khai thực hiện trong Đề án đào tạo nghề cho LĐNT. Theo tôi, để triển khai mô hình này có hiệu quả, tỉnh ta cần tổ chức nhiều hội nghị để người dân có cơ hội tiếp xúc doanh nghiệp. Qua quá trình tiếp xúc, người dân sẽ biết ngành nghề nào có nhu cầu cao để có quyết định nghề học của mình trong tương lai. Tương tự, các trường nghề phải tìm nghề phù hợp nhu cầu của người học để đào tạo đúng, trúng... Như vậy, để tìm được một nghề thật sự hợp với người dân, địa phương cần phải có cam kết ba bên giữa người học, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để đáp ứng đầy đủ cho LĐNT.

*Ông Trần Hoài An - Giám đốc Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất: Vừa qua, Công ty chúng tôi đã ký kết đặt hàng đào tạo và sử dụng 200 LĐNT đã qua đào tạo nghề năm 2012 với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh, UBND các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành. Công ty chúng tôi hết sức ưu tiên trong việc sử dụng lao động địa phương, nhất là lao động đã qua đào tạo nghề. Tôi cho rằng, sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở dạy nghề và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ góp phần thực hiện hiệu quả Đề án 1956 tại tỉnh nhà.

*Anh Nguyễn Văn Phát - người dân xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh): Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi cũng biết về Đề án 1956 và mong muốn được đào tạo nghề theo nhu cầu của bản thân, để có công ăn việc làm sau khi học nghề. Tôi nghĩ rằng, đề án này rất có ý nghĩa với người lao động nông thôn, cần được phổ biến rộng rãi và có định hướng cho người dân nên học những nghề gì phù hợp để người dân có thể ổn định được kinh tế gia đình, phát triển ngành nghề nông nghiệp hoặc tìm kiếm việc làm sau khi học các ngành phi nông nghiệp.


XUÂN HIẾU

 


.