(QNĐT)- Thời gian qua, hội chứng viêm dày sừng da bàn tay bàn chân khiến cho nhiều hộ dân ở xã Ba Điền, Ba Tơ hoang mang, lo lắng không cho con em đến trường vì sợ bị lây bệnh. Trước tình trạng đó, đội ngũ giáo viên nơi đây vẫn kiên nhẫn bám lớp, không quản đường xa đến tận nhà vận động học sinh trở lại trường học.
Đến với “rốn dịch” Ba Điền, những ngày cao điểm của bệnh dịch, ngoài không gian vắng vẻ, đìu hiu của ruộng đồng, vườn tược, Trường tiểu học- THCS Ba Điền cũng không là ngoại lệ. Dù là giờ ra chơi nhưng sân trường chật hẹp nơi vùng cao chỉ lác đác vài em học sinh đang chơi đùa, trái hẳn với sự nhộn nhịp, ồn ã vốn có. Hỏi ra mới biết, từ ngày chứng bệnh lạ xuất hiện, trường học luôn rơi vào tình trạng… thiếu học sinh.
Trường Tiểu học-THCS Ba Điền vắng vẻ những ngày cao điểm của bệnh dịch |
Thầy Nguyễn Văn Dương- Hiệu trưởng Trường Tiểu học- THCS Ba Điền cho biết: Căn bệnh quái lạ đã gây ra một thách thức quá lớn đối với cả thầy và trò trường Ba Điền. Một năm trở lại đây, kể từ khi ca bệnh đầu tiên được ghi nhận, hầu như không có ngày nào sĩ số các lớp học được đầy đủ. Việc chưa tìm ra căn nguyên chính xác và phác đồ điều trị bệnh càng khiến cho bậc phụ huynh hoang mang không cho con em đến lớp.
Theo thống kê của Trường Tiểu học- THCS Ba Điền, hiện có 168 học sinh, được chia thành 5 lớp tiểu học và 4 lớp THCS. Tuy nhiên, từ đầu năm học 2011-2012 đến nay đã có 29 học sinh mắc bệnh viêm dày sừng, phải nghỉ học giữa chừng. Trong đó có 8 học sinh tử vong và 9 em đang nằm điều trị tại các cơ sở y tế của địa phương và khu vực.
Thầy Đỗ Hồng Thơm- Giáo viên chủ nhiệm lớp 7a, Trường Tiểu học- THCS Ba Điền kể: Lớp 7a năm học trước có sĩ số là 15 học sinh nhưng đến nay chỉ còn 7 học sinh. Tuy vậy, hằng ngày cũng chỉ có 3-4 em đi học. Nhiều học sinh trong lớp vì bị bệnh, phải ở nhà để điều trị. Đến lúc hết bệnh, đi học lại thì đến phiên các bạn khác trong lớp nghỉ và chuyển trường nhằm “trốn bệnh” vì sợ bị lây.
Căn bệnh "lạ" khiến cho nhiều học sinh hoang mang bỏ học, chuyển trường |
Mới đây, lại có 2 học sinh của trường là em Phạm Văn Dũi và Phạm Văn Đinh, học sinh lớp 8 của trường đã xin chuyển học ở địa phương khác. Tình trạng học sinh đi học giã gạo, bỏ học và chuyển trường luôn là vấn đề khiến các thầy cô giáo tại trường phải lo nghĩ.
“Trường Tiểu học- THCS Ba Điền vốn là trường được đánh giá cao trong việc đảm bảo sĩ số lớp học và chất lượng giáo dục tại phương. Vậy mà, hội chứng viêm dày sừng đã gây ra lắm phiền toái, ảnh hưởng lớn đến cả thầy và trò.”- Thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Dương than thở.
Trước tình trạng nan giải đó, Ban giám hiệu Trường Tiểu học- THCS Ba Điền đã nỗ lực chỉ đạo giáo viên và cán bộ y tế tại trường thực hiện nhiều biện pháp để kiểm soát dịch bệnh và vận động học sinh đến lớp.
Hằng ngày, giáo viên chủ nhiệm các lớp đều nắm chắc số học sinh nghỉ học và phân tích nguyên nhân để tìm ra biện pháp cứu vãn tình thế. Trong thời gian cao điểm này, trường luôn có báo cáo đầy đủ về sĩ số học sinh lên Phòng Giáo dục huyện Ba Tơ.
Khi có thông tin học sinh nào mắc bệnh phải nghỉ học, các thầy cô giáo đã tích cực đến nhà động viên tinh thần của gia đình các em với hy vọng sẽ tiếp tục cho các em đến lớp sau khi khỏi bệnh. Đồng thời làm công tác tư tưởng cho phụ huynh, tránh hoang mang, lo sợ trước tình trạng bệnh diễn biến phức tạp mà làm ảnh hưởng đến chất lượng học tập của các em.
Thầy Nguyễn Văn Dương- Hiệu trưởng Trường Tiểu học- THCS Ba Điền khẳng định: Chúng tôi luôn làm hết sức mình để đảm bảo chất lượng học tập của các em. Dù chỉ còn 1-2 em/lớp học thì các thầy cô giáo vẫn đứng lớp dạy bình thường. Trường cũng đã phối hợp với ngành y tế, tổ chức khám, lấy mẫu xét nghiệm của tất cả các học sinh trong trường nhằm phát hiện bệnh kịp thời để điều trị hiệu quả hơn.
Thầy Nguyễn Văn Dương- Hiệu trưởng Trường Tiểu học- THCS Ba Điền phấn khởi cho biết: Sau những nỗ lực của các thầy cô giáo, đến nay số học sinh đi học trở lại đã tăng. |
Bà Đinh Thị Thu Hiền- Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Ba Tơ cho biết: Thời gian qua, cán bộ Phòng GD-ĐT huyện cũng đã về trường nắm tình hình cũng như đề xuất để nhà trường linh động trong công tác giảng dạy. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo trường tổ chức cho học sinh thi sớm hơn so với các trường khác. Tuy nhiên, vấn đề là nhà trường cần linh hoạt hơn để bảo đảm chương trình học tập cho các em.
Bên cạnh nhiều biện pháp kiểm soát dịch bệnh và vận động học sinh trở lại lớp sau khi khỏi bệnh, trường cũng đã điều chỉnh số tiết học của các môn sao cho phù hợp với tình trạng học sinh nghỉ học nhiều.
Trao đổi với phóng viên QNĐT vào sáng 3/5, thầy Dương phấn khởi nói: Đến thời điểm này số học sinh trở lại lớp đã tăng lên khoảng 80-90%. Thay vì tổ chức thi học kỳ II vào ngày 14/5 như kế hoạch chung, được sự đồng ý của phòng Giáo dục huyện, cuối tuần này trường sẽ tổ chức cho các em thi, với thời gian kéo dài từ 5-7 ngày. Nếu sĩ số học sinh không đủ, chúng tôi sẽ chủ động cho các em kiểm tra bù, đảm bảo kịp chương trình dạy học.
“Dù biết là rất khó, nhưng chúng tôi quyết tâm sẽ đảm bảo chất lượng dạy và học trước diễn biến phức tạp của hội chứng viêm dày sừng da bàn tay bàn chân”- Thầy Dương chia sẻ.
Thanh Phương