(Báo Quảng Ngãi)- Cả một thời tuổi trẻ vào sinh ra tử ở nhiều chiến trường miền Nam, nhưng sau ngày thống nhất đất nước ông Lê Ngọc Lịnh lại tiếp tục tham gia nghĩa vụ quốc tế Campuchia. Dẫu vậy, niềm vinh dự, tự hào lớn nhất trong cuộc đời ông vẫn là được trực tiếp tham gia trận đánh Ba Gia cách nay nửa thế kỷ. Mỗi dịp tháng năm về, cựu chiến binh Lê Ngọc Lịnh lại nhớ về đồng đội, nhớ về tình quân dân trong những ngày chiến đấu gian khổ…
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ký ức xưa
Cái nắng đầu hè như đổ lửa. Con đường bê tông vào nhà cựu chiến binh Lê Ngọc Lịnh ở thôn Cộng Hòa 2, xã Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi) như hút sâu hơn những ngày thường. Đã thành thông lệ, suốt 20 năm qua, cứ vào dịp này, ông Lê Ngọc Lịnh (nguyên Chính trị viên phó Đại đội 6, Tiểu đoàn 45; nguyên chính ủy Trung đoàn Ba Gia) lại cùng với anh em trong Ban liên lạc của Trung đoàn Ba Gia năm xưa liên lạc với nhau để tổ chức gặp mặt ôn lại kỷ niệm của thời vào sinh ra tử, tưởng nhớ về đồng đội, về chiến trường xưa. Với ông, được sống đến ngày hôm nay là một may mắn hơn với những đồng đội của mình.
Ông Lê Ngọc Lịnh nhớ về đồng đội một thời qua những tấm ảnh được lưu giữ cẩn thận. |
Vì thế, ở cái tuổi 79 nhưng ông vẫn mang trọng trách là cầu nối những người đồng đội còn sống trên cương vị là Trưởng Ban liên lạc Trung đoàn Ba Gia ở Quảng Ngãi. Có lẽ vào những dịp này, ký ức cuộc chiến cách nay đã nửa thế kỷ lại ùa về trong ông như vừa mới hôm qua. Người chính trị viên năm xưa nhớ lại: Mùa hè 1965, thực hiện quyết tâm triển khai đánh lớn, Khu ủy Khu 5 quyết định đưa Trung đoàn 1 từ Quảng Nam vào Quảng Ngãi để mở chiến dịch Ba Gia nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng quân chủ lực của địch, hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang và mở rộng vùng giải phóng từ miền núi xuống đồng bằng. Trong 7 ngày (từ 20 -28.5.1965), 4 Tiểu đoàn của Trung đoàn 1 (sau này lấy tên là Trung đoàn Ba Gia) gồm 40, 60, 90 và 45 tiến vào các trận địa ở các xã Tịnh Minh, Tịnh Sơn, Tịnh Bình.
Thực hiện trận đánh này theo phương châm là đánh nhử, diệt viện, kéo địch ra trận địa mà đánh. Rạng sáng 29.5.1965, Tiểu đoàn 90 của ta nổ súng tấn công Trung đoàn dân vệ, buộc quân ngụy trên đồn Gò Cao phải xuống chi viện và chỉ trong buổi sáng hôm ấy, ta đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ Tiểu đoàn 1 của quân địch tại Ba Gia. Để giành lại chiến trường, sáng 30.5.1965, quân địch tổ chức máy bay, xe bọc thép từ thị xã Quảng Ngãi tiến lên Ba Gia. Chúng chia làm 3 mũi tấn công ta.
Đêm 30.5.1965, ta quyết định tập kết tấn công toàn bộ lực lượng của quân địch với hỏa lực mạnh nhất, đến sáng 31.5, quân ta đã tiêu diệt toàn bộ quân địch lên chi viện. Cuộc chiến chỉ diễn ra trong 3 ngày, quân ta đã tiêu diệt được chiến đoàn của Ngụy. Trong trận đánh lớn này, ông Lịnh là chính trị viên phó Đại đội 6, Tiểu đoàn 45 trực tiếp dẫn quân lên tấn công quân ngụy tại đồi Chóp Nón trong đêm 30, sáng 31.5.1965.
Tình quân dân ngày ấy
Nửa thế kỷ đã qua đi, cùng với những kỷ niệm về những đồng đội của mình, thì ký ức về tình quân dân ngày ấy cũng không hề phai nhạt. Năm 1965, với chiến lược lập các ấp chiến lược để bình định, tách dân ra khỏi cách mạng của Mỹ - ngụy để thực hiện “chiến tranh đặc biệt”, nên để có được chiến thắng trọn vẹn và nhanh gọn cần phải giữ bí mật tuyệt đối.
Các đại biểu về dự Lễ cung tiến lư hương tại tượng đài Chiến thắng Ba Gia nhân kỷ niệm 49 năm ngày chiến thắng. |
Ông Lịnh kể: Với một lực lượng lớn của ta vào tập kết trong các trận địa, nhân dân ở đây đã giúp bộ đội giữ bí mật tuyệt đối, họ cho gạo, lấy nước cho bộ đội uống, cùng tham gia đào chiến hào, công sự. Sau mỗi trận đánh, những chiến sĩ hy sinh, hay bị thương đều được nhân dân vào giúp đỡ để vận chuyển thương binh vào nơi an toàn để cứu chữa… Với ông, thời gian tham gia chiến đấu trong trận đánh Ba Gia tuy ngắn nhưng tấm lòng người dân đối với cách mạng là tuyệt vời. “Chỉ cần bị lộ bí mật nơi tập kết là ta khó mà đánh thắng nhanh trận đánh lớn như Ba Gia, nếu nhân dân không giúp đỡ và che chở cho bộ đội”, ông Lịnh chia sẻ.
Trận chiến Ba Gia là trận đánh lớn đầu tiên quân ta diệt gọn một chiến đoàn quân ngụy, có cố vấn Mỹ, đánh dấu sự trưởng thành quan trọng về tổ chức chỉ huy và vận dụng linh hoạt các phương pháp chiến đấu của quân ta. Chiến thắng này còn có sự giúp sức của nhân dân trong điều kiện “bình định” gắt gao của quân địch, góp phần đẩy nhanh sự phá sản của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy, đưa cách mạng miền Nam từng bước đi đến thắng lợi cuối cùng.
Bài, ảnh: X.THIÊN