(Báo Quảng Ngãi)- “Dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch” là một trong 6 nhóm sản phẩm thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Qua đây mở ra hướng phát triển kinh tế, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân ở khu vực nông thôn.
[links()]
Từ hai sản phẩm đầu tiên...
Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 2 sản phẩm trong nhóm này được công nhận OCOP cấp tỉnh, đó là làng Gò Cỏ, ở phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) và điểm du lịch Thành cổ Quảng Ngãi (TP.Quảng Ngãi).
Làng Bình Thành, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) là một trong những điểm du lịch thu hút du khách qua các hoạt động trải nghiệm về ẩm thực, vườn cây ăn quả. ẢNH: THANH PHONG |
Vật dụng trong nhà được chế tác từ các vật liệu đơn sơ và gần gũi như tre, nứa, gỗ... Bà Bùi Thị Sen, người dân làng Gò Cỏ cho biết, tôi đang nâng cấp lại homestay của gia đình, cải tạo lại vườn, ao nuôi cá để cung cấp thêm dịch vụ, trải nghiệm cho khách du lịch đến lưu trú. Trong đó, có các loại hình như hát bài chòi, hát hố, hát bội, trải nghiệm đan lát, ngồi thuyền câu cá trên đầm, nấu rượu ghè và thưởng thức ẩm thực...
Điểm du lịch Thành cổ Quảng Ngãi được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh vào tháng 1/2022. Số lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan ngày càng tăng, trong đó có các nhà nghiên cứu, thực tập sinh ngành văn hóa... Ông Võ Văn Diêu, du khách đến từ Thủ đô Hà Nội cho biết, điểm đến Thành cổ Quảng Ngãi hấp dẫn tôi bởi kiến trúc nhà rường cổ Việt và “con đường gốm sứ trên biển” qua hàng nghìn cổ vật quý giá được trục vớt từ con tàu đắm 700 năm tuổi... Gia đình tôi cũng rất thích khi trải nghiệm ẩm thực của Quảng Ngãi như xôi nếp ngự Sa Huỳnh, mắm tiến vua (mắm nhum)...
Đẩy mạnh "OCOP du lịch cộng đồng"
Để khai thác tiềm năng và lợi thế của làng Gò Cỏ và điểm du lịch Thành cổ Quảng Ngãi, chính quyền địa phương và ngành chức năng cùng với Hợp tác xã Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ tập trung phát triển các sản phẩm du lịch và nâng cao chất lượng dịch vụ. Riêng làng Gò Cỏ được hỗ trợ nguồn lực để đầu tư nâng cấp, bảo tồn và phát triển nhằm nâng hạng sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 5 sao.
Ngoài 2 sản phẩm trên, toàn tỉnh còn nhiều cơ sở sản xuất các sản phẩm nông sản, đồ thủ công mỹ nghệ, dệt thổ cẩm... cũng có thể trở thành điểm dừng chân cho du khách trong hành trình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nếu được khai thác và phát huy hiệu quả. Đơn cử như Khu bảo tồn văn hóa Làng Teng, ở xã Ba Thành (Ba Tơ); làng Bình Thành, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành); cơ sở sản xuất tranh mo cau về các làng nghề truyền thống ở Quảng Ngãi, phường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi); vùng sản xuất nếp ngự Sa Huỳnh, cơ sở chế biến muối Sahu ở phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ)...
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Phạm Giang Nam cho biết, người dân đồng thuận và mong muốn phát triển Khu bảo tồn văn hóa Làng Teng thành điểm du lịch cộng đồng. Cùng với công tác bảo tồn, huyện tăng cường tổ chức cho người dân tham quan, học hỏi làm du lịch cộng đồng. Huyện cũng sẽ tham vấn các ngành chuyên môn và đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực du lịch xây dựng các sản phẩm du lịch và kết nối với các địa phương để hình thành những tour tham quan, trải nghiệm. Qua đó tạo điều kiện để người dân ở địa phương phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Mở ra hướng khởi nghiệp
Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh cho rằng, nhiều điểm du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh đẹp về cảnh quan, lại giàu truyền thống lịch sử văn hóa. Nếu được đầu tư xây dựng và công nhận sản phẩm OCOP sẽ phát huy giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời mở ra hướng khởi nghiệp cho các chủ thể, đặc biệt là lực lượng trẻ đam mê và tâm huyết với lĩnh vực du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch. Đây cũng là một trong những mục tiêu của Kế hoạch số 32/KH-UBND triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.
|
THANH PHONG