(Báo Quảng Ngãi)- Cùng với ngành chuyên môn và chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh đã và đang nỗ lực khắc phục những tồn tại liên quan đến chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) mà Ủy ban Châu Âu (EC) đưa ra trong đợt kiểm tra lần thứ 4 vào cuối tháng 10/2022.
Doanh nghiệp chung sức
Là DN duy nhất trong tỉnh xuất khẩu thủy sản trực tiếp sang thị trường Châu Âu (EU), Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu thủy sản Hải Phú (KCN Quảng Phú) gặp nhiều khó khăn kể từ khi EC áp “thẻ vàng”. Việc EU kiểm tra nghiêm ngặt nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu thủy sản từ khai thác dẫn đến chi phí đầu vào của DN tăng cao, sản lượng xuất khẩu đến thị trường EU vì thế giảm.
Cùng với tuân thủ các quy định về nguồn gốc xuất xứ, các doanh nghiệp chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. |
Đại diện Công ty TNHH MTV Xuất khẩu thủy sản Hải Phú cho rằng, dù chật vật do thiếu nguyên liệu nhưng công ty kiên quyết chỉ thu mua nguyên liệu thủy sản từ những tàu cá khai thác hợp pháp, được lực lượng chức năng xác nhận và chứng nhận nguồn gốc khai thác rõ ràng, đúng quy định. Điều này sẽ góp phần hạn chế, tiến đến chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm những quy định chống khai thác IUU. Bởi nếu không sớm gỡ “thẻ vàng” thì không chỉ EU, Nhật Bản, Mỹ, mà sắp đến sẽ có thêm nhiều nước khác áp dụng “hàng rào kỹ thuật” tương tự quy định IUU đối với thủy sản khai thác, khi đó thiệt hại kinh tế sẽ rất lớn.
Cùng với Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu thủy sản Hải Phú, cộng đồng DN hoạt động trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh vận động, khuyến khích chủ tàu, thuyền trưởng chấp hành các quy định chống khai thác IUU. Kiên quyết không thu mua những sản phẩm khai thác không rõ nguồn gốc, hoặc của chủ tàu không thực hiện các quy định về xuất nhập cảng và bốc dỡ hàng hóa qua cảng. Chú trọng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình chế biến... góp phần thực hiện tốt các nội dung kiểm tra của đoàn thanh tra EC (nếu có).
Kỳ vọng lấy lại “thẻ xanh”
Thủy sản là một trong những ngành hàng hưởng lợi lớn từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (được phê chuẩn và thực thi từ tháng 8/2020), với 90% dòng thuế của mặt hàng thủy sản được cam kết cắt giảm về 0% trong lộ trình dài nhất là 7 năm. Đây là cơ hội để DN chế biến thủy sản của tỉnh tái cấu trúc, mở rộng và khai thác thị trường “tỷ đô” EU, Nhật Bản và Mỹ. Song, điều kiện tiên quyết là phải lấy lại “thẻ xanh” và DN là một trong những mắt xích quan trọng trong tiến trình thực hiện mục tiêu trên.
Doanh nghiệp chế biến thủy sản trong tỉnh thu mua hải sản khai thác có nguồn gốc hợp pháp sẽ góp phần chống khai thác hải sản bất hợp pháp. |
Sau đợt kiểm tra lần thứ 3 vào cuối tháng 10/2022 vừa qua, phía EU tiếp tục gia hạn và yêu cầu Việt Nam thực hiện 4 nhóm khuyến nghị, trong đó có vấn đề truy xuất nguồn gốc từ lúc tàu xuất bến tới lúc cập cảng về nhà máy và xuất đi. Dự kiến tháng 6/2023, EC sẽ kiểm tra đợt cuối cùng để xem xét gỡ “thẻ vàng” hay tăng mức “thẻ đỏ”. Vì vậy, cùng với 27 tỉnh, thành phố ven biển, ngày 25/1/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch về việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trước mắt về chống khai thác IUU, chuẩn bị làm việc với đoàn thanh tra EC lần thứ 4 (nếu có).
Theo đó, ngoài tập trung khắc phục những tồn tại về tàu đánh bắt bất hợp pháp, UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị và DN liên quan theo dõi số lượng, truy xuất nguồn gốc, quản lý nguyên liệu thủy sản nhập khẩu... Qua đó, đảm bảo 100% lô hàng thủy sản xuất khẩu sang Châu Âu và các thị trường có yêu cầu truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu khai thác; đảm bảo 100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên phải cập cảng chỉ định để bốc dỡ thủy sản và tuân thủ các quy định khi cập cảng.
Bài, ảnh:
MỸ HOA