Chuột gây hại nghiêm trọng vụ lúa đông xuân

05:02, 12/02/2023
.
(Baoquangngai.vn)- Chuột đang cắn phá gây thiệt hại lớn cho vụ lúa đông xuân. Nhiều ruộng lúa bị chuột gây hại đến 40% diện tích. Dù đã thực hiện nhiều biện pháp diệt chuột nhưng nông dân cũng đành bất lực .
[links()]
 
Chuột cắn phá lúa như bò ăn
 
Chiều muộn, chúng tôi gặp ông Từ Quang Phước, ở đội 9, thôn Độc Lập, xã Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi) mang bẫy và nhớt ra đồng để diệt chuột. Gia đình ông sạ 6 sào lúa đều bị chuột cắn phá tơi tả. Chuột cắn phá sát gốc lúa như bò ăn đến 40% diện tích.
 
“Chưa có vụ nào nông dân khổ như vụ này. Vừa xuống giống thì gặp mưa lớn, rồi ốc bươu vàng cắn phải sạ, cấy lại hai lần, giờ thì chuột tàn phá. Đặt cả chục cái bẫy không ăn thua, tôi mua nhớt về tưới quanh bờ. Làm mọi cách mà chuột vẫn cắn, không làm gì cho hết chuột. Vụ này chắc chắn nhà nông mất mùa”, ông Phước than thở. 
 
Nông dân đang bất lực với nạn chuột tàn phá lúa đông xuân.
Ông Phước dùng bẫy và nhớt để bẫy chuột.
Làm ruộng sát ruộng nhà ông Phước, ông Nguyễn Thanh Sơn cũng đau đầu vì chuột cắn phá 2 sào lúa. Hơn 30% diện tích lúa nhà ông Sơn bị chuột cắn sát gốc khiến cây lúa không còn cơ hội phục hồi. Ôm cả bó lúa bị chuột cắn trên tay, ông Sơn nói, chuột cắn phá tan tành. Đứng ngoài không thấy chứ lội vào giữa ruộng thấy loang lổ, có vạt không còn cây nào.

Từ sau tết Nguyên đán, nhiều diện tích lúa ở giai đoạn đẻ nhánh nhưng chuột gây hại nghiêm trọng khiến nông dân gặp muôn vàn khó khăn. "Sáng tôi thăm ruộng thấy chuột cắn 3 vạt lúa to, chiều mang thuốc ra bẫy hôm sau lại thấy cắn thêm 3 vạt. Tôi mua bao ni lông làm hàng rào ngăn bờ dưới nó lại chạy lên bờ trên cắn phá. Không biết cách nào để diệt hết chuột?”, bà Lê Thị Luận bất lực nói. 

 
Ruộng lúa nhà ông Phước bị chuột cắn phá tơi tả.
Nhiều ruộng lúa bị chuột cắn phá tơi tả.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, đến ngày 7/2, toàn tỉnh có hơn 1.841ha lúa đông xuân bị chuột gây hại, phân bố ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố, trong đó có 256ha lúa bị chuột gây hại nặng.

  Cần phát động phong trào diệt chuột
 
Theo Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung (Cục Bảo vệ thực vật) Lương Anh Tuấn, chuột gặm nhấm để mài răng nên phá hại ở hầu hết các giai đoạn của cây lúa. Đặc biệt, chuột gia tăng gây hại lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng trổ trong điều kiện thời tiết ấm áp, lúc này cây lúa non, có vị ngọt. Chuột cắn phá mạnh nhất là ở các ruộng ven làng, gò đồi. Để diệt chuột hiệu quả, nông dân cần thực hiện đồng loạt các biện pháp trên diện rộng, thường xuyên và liên tục. 
 
Nhiều nông dân dùng bao ni lông ngăn chuột cắn phá lúa.
Nhiều nông dân dùng bao ni lông ngăn chuột cắn phá lúa.

“Nông dân không nên dùng nhớt bẫy chuột, vì biện pháp này sẽ gây ô nhiễm môi trường và hệ sinh thái. Tuyệt đối không dùng điện bẫy chuột, vì gây nguy hiểm đến con người và động vật”

Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung
LƯƠNG ANH TUẤN

Nông dân cần ra quân diệt chuột trước; bảo vệ các loại động vật săn bắt chuột như mèo, rắn, cú mèo... Nên sử dụng các loại bẫy chuột cơ học như bẫy mặt trăng, bẫy kẹp để bẫy chuột; căng hàng rào ni lông xung quanh đồng ruộng, đào hang bắt chuột, đổ nước, xông khói, vôi, ớt... vào hang chuột.

Khi dùng bả diệt chuột hóa học, nông dân lưu ý phải đảm bảo an toàn cho người, gia súc, gia cầm và môi trường trong quá trình đánh bả chuột. 

Hiện nay, thời tiết nắng ấm, có sương mù về đêm và sáng sớm có sương. Nông dân cần thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện sâu, bệnh hại, đặc biệt là bệnh đạo ôn. Bệnh hại nặng ở các ruộng lúa sạ dày, bón thừa đạm và các giống nhiễm. 
Nông dân không nên dùng nhớt bẫy chuột vì biện pháp này sẽ gây ô nhiễm môi trường và hệ sinh thái.
Nông dân không nên dùng nhớt bẫy chuột, vì biện pháp này gây ô nhiễm môi trường và hệ sinh thái.
Khi lúa bị bệnh đạo ôn lá, nông dân tuyệt đối không bón đạm, phun bất kỳ một loại kích thích sinh trưởng hoặc phân bón lá, mà cần giữ đủ nước trên ruộng; sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục thuốc được sử dụng ở Việt Nam và tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” là đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng cách. Ngoài ra, nông dân phải sử dụng thuốc đúng hướng dẫn ghi trên bao bì sản phẩm.
 
Bài, ảnh: ÁI KIỀU
 

.