Từ Dốc Sỏi đến Sa Huỳnh lộng gió...

04:01, 03/01/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Đô thị Quảng Ngãi đang “sải cánh” theo trục Bắc - Nam, với điểm đầu là Dốc Sỏi, Châu Ổ, Vạn Tường (Bình Sơn) đến điểm trung tâm là TP.Quảng Ngãi rồi xuôi về phía nam, từ La Hà, Sông Vệ, Mộ Đức đến TX.Đức Phổ và kết thúc tại Sa Huỳnh...
 
Khai thác lợi thế để phát triển
 
Là tỉnh có xuất phát điểm thấp, nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế. Song, bằng ý chí và quyết tâm, Quảng Ngãi đã từng bước phát triển, tạo chuyển biến tích cực trong phát triển đô thị. Không gian đô thị Quảng Ngãi đang phát triển chủ yếu theo trục Bắc - Nam, với điểm đầu là Dốc Sỏi, Châu Ổ và đô thị Vạn Tường (Bình Sơn) đến TP.Quảng Ngãi, La Hà, Sông Vệ (Tư Nghĩa), Mộ Đức, TX.Đức Phổ và Sa Huỳnh. Trong đó, TP.Quảng Ngãi và đô thị vệ tinh là cụm đô thị động lực trung tâm, khu vực Châu Ổ và đô thị Vạn Tường giữ vai trò là trung tâm phía bắc của tỉnh, còn TX.Đức Phổ đóng vai trò trung tâm phía nam.
 
Một góc Sa Huỳnh, phường Phổ Thạnh  (thị xã Đức Phổ).            Ảnh: Thanh Kỳ
Một góc Sa Huỳnh, phường Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ). Ảnh: Thanh Kỳ
Là đô thị đạt chuẩn đô thị loại II duy nhất của tỉnh, TP.Quảng Ngãi từng chỉ phát triển tập trung tại vùng lõi trung tâm. Song, kể từ dấu mốc trở thành đô thị loại II vào năm 2015, được chú trọng đầu tư các công trình lớn, mang tính trọng điểm, như cầu Thạch Bích, cầu Cửa Đại, cùng hàng loạt tuyến phố mới là bờ nam sông Trà Khúc, Phan Đình Phùng nối dài, Trường Chinh, đường ven biển Tịnh Khê - Tịnh Kỳ... đã giúp không gian đô thị TP.Quảng Ngãi ngày càng rộng mở theo hướng văn minh, hiện đại.
 
“Thời điểm năm 2015, dù chỉ "cách nhau" bởi cầu Trà Khúc, nhưng khung cảnh phía bắc thành phố vẫn còn quá cách biệt so với phía nam. Đường sá chưa phát triển, dịch vụ mua bán cũng thưa thớt. Vậy mà từ năm 2021 đến nay, nhiều khu vực thuộc phường Trương Quang Trọng, đường sá, nhà cửa, dịch vụ chẳng những bắt kịp các phường trung tâm, mà có nơi còn sầm uất hơn. Chẳng hạn như khu dân cư 577, khu dân cư dọc đường Hoàng Sa...”, bà Nguyễn Thị Nhung, ở phường Trương Quang Trọng, tự hào nhận xét.
 
Tại TX.Đức Phổ, sau gần 3 năm kể từ ngày lên thị xã, diện mạo đô thị nơi cực nam tỉnh ngày càng phát triển mạnh mẽ ở cả khu vực nội thị lẫn phía nam, phía đông. Cùng với các công trình trọng điểm là tuyến Quốc lộ 1 - Phổ Vinh, Quốc lộ 1 - Mỹ Á, Quảng trường 8/10, Trung tâm Văn hóa huyện, TX.Đức Phổ đã đầu tư liên tiếp các hạng mục công trình thiết yếu như: Hệ thống điện chiếu sáng khu vực nội thị, hệ thống thoát nước trung tâm nội thị... Từ huyện lên thị xã, Đức Phổ đã có những bước tiến dài trong thu hút đầu tư, phát triển các dự án khu dân cư mới. Trong năm 2022, TX.Đức Phổ có nhiều dự án khu dân cư đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng vốn hàng nghìn tỷ đồng, đó là: Khu dân cư Bắc Sa Huỳnh (phường Phổ Thạnh), Nam Phổ Minh (phường Phổ Minh và Phổ Vinh), khu dân cư An Thường và chỉnh trang đô thị (phường Phổ Hòa và Phổ Vinh)... Nhờ đó, không gian đô thị TX.Đức Phổ ngày càng phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.
 
Định hình tầm vóc đô thị tương lai
 
Từ việc chỉ có một đô thị trung tâm là TP.Quảng Ngãi, tỉnh đã phát triển lên 13 đô thị (đô thị loại II, IV và V). Nếu như tỷ  lệ đô thị hóa toàn tỉnh vào năm 2012 chưa đến 15%, thì đến nay, tỷ lệ này đã tăng gần gấp đôi. Tuy nhiên, hệ thống đô thị mới chỉ tạo ra nhiều điểm nhấn theo trục Bắc - Nam. Mặc dù không gian đô thị được quy hoạch mở rộng về phía tây với các đô thị mới như thị trấn Di Lăng (Sơn Hà), Ba Vì (Ba Tơ), nhưng việc phát triển đô thị ở khu vực miền núi vẫn gặp nhiều khó khăn.
 
Trước thực trạng không gian đô thị phát triển chưa đồng đều giữa đồng bằng, miền núi và hải đảo, tỉnh đã định hướng quy hoạch hệ thống đô thị (được tích hợp trong Quy hoạch tỉnh) dự kiến đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, hệ thống đô thị tỉnh sẽ phát triển dựa trên 6 không gian phân vùng kinh tế - xã hội là vùng kinh tế động lực cụm đô thị và trung tâm dịch vụ, vùng kinh tế công nghiệp phía bắc, vùng kinh tế sinh thái ven biển, vùng kinh tế rừng xanh, vùng kinh tế nông nghiệp, vùng kinh tế biển đảo. Nhằm tạo sự liên kết giữa các đô thị, quy hoạch hướng đến phát triển đô thị theo 5 vùng liên huyện: TP.Quảng Ngãi - Tư Nghĩa, Bình Sơn - Sơn Tịnh, TX.Đức Phổ - Nghĩa Hành - Mộ Đức, Trà Bồng - Sơn Tây - Sơn Hà - Ba Tơ - Minh Long, huyện Lý Sơn. Song hành cùng hạ tầng giao thông, hệ thống đô thị tỉnh sẽ phát triển theo 4 hành lang, đó là: Hành lang Bắc - Nam quốc gia, hành lang liên kết nội tỉnh theo các Tỉnh lộ 622, 626 và 24B kết nối từ Trà Bồng đến Ba Tơ, hành lang Đông - Tây phía bắc, hành lang Đông - Tây phía nam.
 
Cùng với đó, từ nay đến năm 2050, Quảng Ngãi phấn đấu nâng hệ thống đô thị từ 13 lên trên 30 đô thị. Để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đô thị Quảng Ngãi sẽ phát triển theo 3 lộ trình. Giai đoạn từ nay đến năm 2025, ưu tiên phát triển trung tâm tỉnh lỵ, huyện lỵ và các đô thị động lực gắn với kinh tế trọng điểm của tỉnh. Trong đó, điểm nhấn là phấn đấu phát triển Bình Sơn trở thành thị xã, đưa TP.Quảng Ngãi trở thành đô thị loại I. Giai đoạn 2026 - 2030, nâng cấp TP.Quảng Ngãi đạt một số tiêu chí đô thị loại I; nâng cấp cơ sở hạ tầng của các đô thị hiện hữu như Bình Sơn, Đức Phổ, Di Lăng, Ba Tơ... Giai đoạn 2031 - 2050, ưu tiên các nguồn lực, giải pháp nâng cao chất lượng đô thị TP.Quảng Ngãi, TX.Bình Sơn và TX.Đức Phổ...
 
Để đô thị phát triển đồng bộ, bền vững
 
Tỉnh đang đặt ra chiến lược liên kết chuỗi đô thị đồng bộ và bền vững tại các khu vực quy hoạch vùng đồng bằng, miền núi và hải đảo. Chuỗi đô thị này sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội các khu vực lân cận.
 
Tại Chương trình hành động số 21-Ctr/TU thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tỉnh ủy cũng đã cụ thể hóa công tác xây dựng, phát triển hệ thống đô thị trong thời gian đến bằng các chỉ tiêu cụ thể. Đó là: Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đến năm 2025 đạt tối thiểu 35,6%, đến năm 2030 đạt trên 50%, phấn đấu đến năm 2025 đưa Đức Phổ đạt chuẩn đô thị loại IV và đạt một số tiêu chí đô thị loại III; phát triển huyện Bình Sơn đạt tiêu chí đô thị loại IV và tiến đến thành lập thị xã...
 
Trên cơ sở Nghị quyết số 06, Chương trình hành động của Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Kế hoạch số 151 để triển khai thực hiện bằng những giải pháp cụ thể. Trong đó, chú trọng việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững. Đặc biệt, tập trung xây dựng các đô thị ven biển, ven sông, phát triển TP.Quảng Ngãi về hướng biển, đầu tư hạ tầng ven biển để kêu gọi nhà đầu tư đầu tư vào các khu đô thị, khu du lịch, dịch vụ, vui chơi, nghỉ dưỡng cao cấp, hiện đại.
 
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Công Hoàng, mạng lưới đô thị của tỉnh có sự cải thiện lớn từ sau năm 2020, nhờ thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển đô thị, giai đoạn 2021 - 2025. Việc xây dựng cơ chế, chính sách đã tạo thuận lợi cho quá trình phát triển đô thị, khi được ưu tiên, bố trí nguồn vốn để thực hiện hạ tầng kỹ thuật thiết yếu như giao thông, cấp điện, nước. Song song đó, hạ tầng xã hội đô thị và các khu dân cư cũng được đầu tư, cải tạo, chỉnh trang và nâng cấp. Do vậy, việc Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch về phát triển đô thị sẽ tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong quản lý, phát triển bền vững đô thị trong thời gian đến.
 
LAM GIANG
 
 
 

.