Thu hút các dự án đầu tư trọng điểm

10:01, 07/01/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Kết luận số 371-KL/TU ngày 31/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Danh mục dự án trọng điểm thu hút đầu tư vào Quảng Ngãi, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh ta đã đạt được một số kết quả. Nổi bật là công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư (XTĐT) và mời gọi các nhà đầu tư đến khảo sát và tìm kiếm cơ hội đầu tư vào tỉnh.
 
[links()]
 
Quảng bá, kêu gọi đầu tư
 
Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Xuân Bắc cho biết, sau khi UBND tỉnh ban hành Danh mục dự án trọng điểm thu hút đầu tư vào tỉnh, giai đoạn 2021- 2025, Sở KH&ĐT đã phối hợp với các đơn vị có liên quan khẩn trương triển khai xây dựng tài liệu thông tin, dịch thuật (các ngôn ngữ: Anh, Nhật, Hàn) để phục vụ cho công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan truyền thông, quảng bá, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Báo Quảng Ngãi, Báo Đầu tư, Báo Đấu thầu, Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập... để các nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước nắm thông tin đầu tư vào Quảng Ngãi. Bên cạnh đó, lồng ghép giới thiệu danh mục dự án kêu gọi đầu tư tại các hội thảo, diễn đàn, sự kiện lớn... cho DN trong và ngoài nước. Nhất là tại các cuộc làm việc trực tiếp với các tổ chức XTĐT nước ngoài tại Việt Nam như KOTRA, JETRO, EUROCHAM... để kết nối DN nước ngoài đã đầu tư tại Việt Nam đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại tỉnh.
 
Sản phẩm công nghiệp cơ khí do Doosan Vina sản xuất tại Khu Kinh tế Dung Quất.                                                     Ảnh: PV
Sản phẩm công nghiệp cơ khí do Doosan Vina sản xuất tại Khu Kinh tế Dung Quất. Ảnh: PV
Sở KH&ĐT đã chủ động liên hệ với các nhà đầu tư để giới thiệu danh mục các dự án trọng điểm thu hút vào tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025 để các nhà đầu tư nghiên cứu. Trong đó, lĩnh vực đô thị, dịch vụ - thương mại có các nhà đầu tư đăng ký nghiên cứu khảo sát dự án như: Công ty CP Tập đoàn T&T, Công ty CP đầu tư C.E.O nghiên cứu về bất động sản; Công ty Hạ tầng bất động sản Việt Nam nghiên cứu khu Resort, khách sạn và thương mại; Công ty CP Stavian đăng ký nghiên cứu lĩnh vực đô thị, quần thể du lịch - khách sạn, nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại văn hóa - thể thao và sân golf, KCN, KCN công nghệ cao...
 
Riêng lĩnh vực xử lý rác thải, có Công ty CP Tập đoàn Công nghệ T-TECH Việt Nam đăng ký nghiên cứu Khu liên hợp xử lý chất thải tổng hợp và đốt phát điện; Liên danh Công ty TNHH KC Eviroserices và Công ty CP TTG đăng ký nghiên cứu dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh; Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ DH nghiên cứu dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn TX.Đức Phổ.
 
Ngoài ra, Sở KH&ĐT đã phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai xây dựng và chính thức vận hành phần mềm Bản đồ số đầu tư Quảng Ngãi, nhằm quản lý và phát triển công tác XTĐT trên nền tảng số đảm bảo tính khoa học, toàn diện, đồng bộ và thuận lợi trong việc truy cập, tra cứu, sử dụng, góp phần thúc đẩy và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, thu hút đầu tư vào tỉnh. Theo đó, Danh mục các dự án trọng điểm thu hút đầu tư vào Quảng Ngãi, giai đoạn 2021 - 2025 đã được vận hành tại địa chỉ https://bandodautu.quangngai. gov.vn để các DN trong và ngoài nước biết, tìm hiểu đầu tư.
 
Nhiều nhà đầu tư đến Khu Kinh tế Dung Quất
 
Sau 1 năm thực hiện Kết luận số 371 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đến nay Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh đã cấp phép đầu tư cho 11 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 87,5 nghìn tỷ đồng (khoảng 3,8 tỷ USD); trong đó có 5 dự án FDI (khoảng 99 triệu USD) và 6 dự án trong nước (85,294 nghìn tỷ đồng). Trong đó có 8/11 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 86 nghìn tỷ đồng (3,45 tỷ USD) thuộc lĩnh vực công nghiệp trong Danh mục dự án trọng điểm thu hút đầu tư vào Quảng Ngãi, giai đoạn 2021 - 2025.

Lãnh đạo Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh cho biết, trong năm 2022, Ban Quản lý đã tiếp và làm việc với Tổng Công ty IDICO, Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc), Cát Tường Group, Công ty DST, Công ty Tân Khoa, Công ty C.S.Q... khảo sát, nghiên cứu đầu tư các lĩnh vực như đầu tư hạ tầng KCN, sản xuất sợi thép, các sản phẩm sau thép, sản xuất cơ khí; Tập đoàn TEXWINCA (Hong Kong) tìm hiểu cơ hội đầu tư sản xuất dệt may. Ngoài ra, còn có đoàn công tác của Công ty GCL Solar Materials Company đến khảo sát về môi trường đầu tư để đầu tư dự án sản xuất nguyên vật liệu đầu vào cho các nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời tại KKT Dung Quất.

 
Bên cạnh đó, Ban Quản lý đẩy mạnh công tác XTĐT tại chỗ thông qua việc hỗ trợ cho các nhà đầu tư có dự án đã được cấp phép triển khai thực hiện dự án và an tâm sản xuất, kinh doanh, từ đó mở rộng đầu tư, tạo hiệu ứng lan tỏa thông tin thu hút các nhà đầu tư mới.
 
Cụ thể, đã hỗ trợ các nhà đầu tư trong quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư và triển khai thực hiện dự án đối với các dự án lớn như: Nâng công suất Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 từ 4 triệu tấn/năm lên 6 triệu tấn/năm; cấp nước thô cho Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát; Cảng tổng hợp - container Hòa Phát Dung Quất; Nhà máy sản xuất các sản phẩm sau thép Hòa Phát Dung Quất; dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN nhẹ Bình Hòa - Bình Phước; các dự án điện khí...
 
PHẠM DANH
 
 
 
 
 

.