Sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử

09:01, 08/01/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Để thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đạt hiệu quả, Quảng Ngãi đang nỗ lực ứng dụng công nghệ số, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Từ đó, giúp sản phẩm OCOP mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
 
[links()]
 
Kênh quảng bá và tiêu thụ hiệu quả
 
Sản phẩm bò khô Thu Ba của Công ty TNHH Thu Ba là thương hiệu nổi tiếng tại Quảng Ngãi, với 30 năm có mặt trên thị trường. Sản phẩm là hàng Việt Nam chất lượng cao, đạt chuẩn OCOP 4 sao... Để sản phẩm vươn xa, cùng với các kênh bán hàng truyền thống, doanh nghiệp đã mạnh dạn đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử lớn như Tiki, Shopee, Sendo, Alibaba...
 
Cùng với các kênh bán hàng truyền thống, sản phẩm bò khô Thu Ba đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử.                        ẢNH: ÁI KIỀU
Cùng với các kênh bán hàng truyền thống, sản phẩm bò khô Thu Ba đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử. ẢNH: ÁI KIỀU
Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thu Ba Lê Nhất Vũ chia sẻ, sàn thương mại điện tử là nơi giúp sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhanh nhất. Việc đưa sản phẩm lên sàn đã giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, có kênh phân phối khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, doanh thu không ngừng tăng lên.
 
Nắm bắt được xu thế chuyển đổi số, Doanh nghiệp tư nhân Na Ni cũng đưa sản phẩm mật ong Na Ni, đạt chuẩn OCOP 3 sao, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh lên sàn thương mại điện tử. Trung bình mỗi tháng có 30% số lượng sản phẩm mật ong Na Ni được tiêu thụ thông qua sàn thương mại điện tử. 
 
Toàn tỉnh hiện có 90 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 5 sản phẩm đạt 4 sao và 85 sản phẩm đạt 3 sao. Có 51 chủ thể có sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh. Hầu hết sản phẩm OCOP có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt nhưng việc tiêu thụ sản phẩm OCOP vẫn còn nhiều khó khăn.
 
Đưa sản phẩm OCOP vươn xa
 
Năm 2022, các cấp, ngành đã đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, đặc biệt là hướng dẫn, hỗ trợ cho các chủ thể OCOP cùng phối, kết hợp với các sàn giao dịch thương mại điện tử đưa sản phẩm lên các nền tảng này, góp phần mở rộng thị trường cho sản phẩm. Quảng Ngãi hiện đã xây dựng trang thông tin điện tử của Chương trình OCOP (ocop.quangngai.gov.vn) và sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Quảng Ngãi (quangngaitrade.gov.vn) để giới thiệu, quảng bá, giao dịch, tiêu thụ sản phẩm.
 
Mới đây, Hội Nông dân tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp với Bưu điện tỉnh để đưa sản phẩm OCOP và các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh lên sàn thương mại điện tử Bưu điện Việt Nam (postmart.vn). Hiện có 26 sản phẩm OCOP và một số sản phẩm đặc trưng của tỉnh đã được đưa lên sàn thương mại điện tử này. Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Trần Ngọc Vinh, hội đã phối hợp với Bưu điện tỉnh tập huấn cho các chủ thể OCOP, nông dân có sản phẩm đặc trưng tiếp cận, đưa hàng hóa, trao đổi mua bán trên sàn thương mại điện tử postmart.vn. Thời gian tới, hội tiếp tục phối hợp với Bưu điện tỉnh đưa tất cả sản phẩm OCOP, lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu... để đưa lên sàn thương mại điện tử.
 
Cùng với các hoạt động hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá, kết nối cung cầu trong và ngoài tỉnh, Sở Công thương đã phối hợp với Công ty TNHH Shopee Việt Nam tổ chức tập huấn cho các chủ thể phương thức bán hàng, kinh doanh trực tuyến trên sàn thương mại điện tử Shopee. Đặc biệt là truyền đạt kiến thức cơ bản về đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng của Quảng Ngãi tiếp cận khách hàng các tỉnh, thành phố thông qua phương thức thương mại điện tử và hệ thống logistics hiện đại.
 
Để hỗ trợ quảng bá, kết nối tiêu dùng trên môi trường số, tháng 10/2022, Quảng Ngãi đã tổ chức "Tháng tiêu dùng số", nhằm khuyến khích, thúc đẩy người dân tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ số nhiều hơn, thụ hưởng các lợi ích trực tiếp do chuyển đổi số mang lại. Thời gian tới, Quảng Ngãi cũng sẽ triển khai sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân”, nhằm tối ưu hóa ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, thương mại sản phẩm OCOP; thử nghiệm và nhân rộng các mô hình xúc tiến thương mại trên nền tảng công nghệ số, ứng dụng công nghệ thông tin, gắn với khai thác lợi thế về du lịch nông thôn.
 
ÁI KIỀU
 
 

.