(Báo Quảng Ngãi)- Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị là nhiệm vụ quan trọng được tỉnh quan tâm triển khai thực hiện. Đây cũng là nhiệm vụ chiến lược, cần có định hướng đúng và giải pháp phù hợp để phát triển bền vững đô thị Quảng Ngãi trong tương lai.
[links()]
Xây dựng các đô thị theo trục sông và hướng biển
Trong Kế hoạch số 151/KH-UBND ngày 22/9/2022 của UBND tỉnh triển khai Chương trình hành động số 21-CT/TU của Tỉnh ủy về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đã nêu rõ những định hướng lớn trong phát triển đô thị trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2030, Quảng Ngãi tập trung xây dựng các đô thị ven biển, ven sông trên cơ sở xác định rõ vai trò, chức năng của từng đô thị, nhất là các đô thị động lực của tỉnh, đô thị kết nối khu vực. Tỉnh sẽ phát triển TP.Quảng Ngãi về hướng biển; phát triển Bình Sơn thành đô thị loại IV và thành lập thị xã Bình Sơn. Đầu tư hạ tầng phát triển cảnh quan đô thị dọc 2 bên các sông Trà Khúc (TP.Quảng Ngãi), sông Trà Bồng (Bình Sơn).
Khu vực từ Quảng trường đường Phạm Văn Đồng đến núi Thiên Bút (TP.Quảng Ngãi) nhìn từ trên cao. Ảnh: Đức Tươi |
Kể từ năm 2023, việc quản lý hạ tầng đô thị Quảng Ngãi sẽ gắn với thực hiện ngầm hóa toàn bộ các đường dây, cáp dịch vụ công cộng tại đô thị, nhất là khu vực trung tâm và khu vực quy hoạch phát triển mới. Qua đó, từng bước xóa bỏ tình trạng "mạng nhện" gây mất mỹ quan, an toàn công cộng trong khu vực đô thị. Tổ chức phân loại rác thải rắn sinh hoạt ngay tại nguồn; di dời các cơ sở chế biến gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực trung tâm đô thị. Đồng thời, phát triển cây xanh trong vùng lõi và vùng đệm xung quanh đô thị. Theo đó, đối với TP.Quảng Ngãi, sẽ trồng toàn bộ cây gỗ lớn ở vùng đệm, chân, sườn, đỉnh núi Long Đầu, núi Thiên Ấn, núi Thiên Bút, đảm bảo 30 - 50 năm sau các điểm này trở thành rừng trồng giữa lòng TP.Quảng Ngãi.
Phát triển đô thị thông minh
Hiện nay, Quảng Ngãi nằm trong số 41/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt và bắt đầu triển khai thực hiện Đề án phát triển đô thị thông minh, nâng cao năng lực quản lý điều hành nhà nước, tạo ra môi trường năng động để doanh nghiệp và người dân được hưởng các dịch vụ thông minh, nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống. Đô thị thông minh là một yêu cầu tất yếu của phát triển, là nền tảng để thông minh hóa các hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế - xã hội khác.
Theo Sở GTVT, kế hoạch thực hiện Đề án thông minh cần thiết phải kết nối với tất cả các ngành, đặc biệt là giao thông, y tế, du lịch. Tuy nhiên, quá trình này nên thực hiện thí điểm rồi mới nhân rộng ra đại trà. Như ngành GTVT, cần thí điểm dự án xây dựng trung tâm quản lý, điều khiển và hệ thống giám sát giao thông khu vực trung tâm TP.Quảng Ngãi, nhằm kiểm soát tình hình giao thông tại các nút giao, phục vụ điều tiết giao thông, đảm bảo an toàn giao thông. Thí điểm xây dựng hệ thống theo dõi lịch trình xe buýt; lắp đặt camera giám sát để phục vụ giám sát chất lượng dịch vụ...
Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án phát triển đô thị thông minh, tỉnh cần lựa chọn đơn vị tư vấn có năng lực chuyên môn và kinh nghiệm để nghiên cứu khảo sát, tư vấn xây dựng kế hoạch phát triển đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh, đảm bảo đồng bộ và phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương.
T.NHỊ