Vụ sản xuất đông xuân 2022 - 2023: Khởi đầu nhiều khó khăn

06:12, 12/12/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Từ ngày 15/12, nông dân trong tỉnh bắt đầu xuống giống trên 38 nghìn héc ta lúa trà chính. Tuy nhiên, những ngày qua nhiều địa phương trong tỉnh có mưa khiến nhiều ruộng bị ngập sâu trong nước, làm ảnh hưởng đến tiến độ gieo sạ.  
 
[links()]
 
Tiết trời mưa lạnh, nhưng từ đầu tháng 12 đến nay, nông dân trong tỉnh đã đồng loạt ra đồng dọn cỏ, làm đất, cải tạo đất sản xuất lúa bị đất, cát, đá bồi lấp do mưa lũ. Tại cánh đồng xã Đức Tân (Mộ Đức), hàng trăm nông dân dầm mưa đắp bờ, làm luống, nhặt ốc bươu vàng để sẵn sàng cho việc xuống giống khi thời tiết thuận lợi.Ông Vương Thanh Ka, ở thôn 7 xã Đức Tân cho biết, năm nay không có lụt lớn nên cỏ dại và lúa chắt mọc um tùm trên ruộng. Từ giữa tháng 11, tôi đã cày ải ruộng, đặt bã sinh học diệt chuột, nhặt ốc bươu vàng, nạo vét kênh mương để gieo sạ cho đúng lịch thời vụ. Nhưng tình hình thời tiết thế này, tôi vẫn canh cánh nỗi lo, nhất là mưa lụt muộn gây trôi giống hoặc ngập úng, thối mạ non. Rồi lo kênh mương thủy lợi bị hư hỏng chưa kịp khắc phục hay sâu bệnh và các loại địch hại như chuột, ốc bươu vàng gây hại.
Nông dân xã Đức Tân (Mộ Đức) dọn vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị gieo sạ vụ lúa đông xuân 2022 - 2023.
Nông dân xã Đức Tân (Mộ Đức) dọn vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị gieo sạ vụ lúa đông xuân 2022 - 2023.
Những lo lắng của nông dân không phải không có cơ sở, khi cơ quan khí tượng thủy văn dự báo:  Bão, áp thấp nhiệt đới và mưa lớn có thể xảy ra dồn dập tại miền Trung, trong đó có khu vực Quảng Ngãi, từ nay đến cuối tháng 12/2022. Trong khi đó, hệ thống kênh Thạch Nham đã mở nước phục vụ sản xuất từ ngày 2/12 nhưng đến thời điểm này, nhiều cánh đồng, công trình thủy lợi, kênh mương vẫn còn ngập trong nước nên chỉ có huyện Bình Sơn đăng ký kế hoạch nhận nước với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi.
 
Về phía Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cũng tăng cường công tác dự báo, thông tin kịp thời đến nông dân tình hình dịch bệnh và biện pháp phòng chống; tập trung phổ biến, hướng dẫn nông dân ứng dụng gói kỹ thuật ICM (3 giảm, 3 tăng) và IPHM, “1 phải, 5 giảm”... Đồng thời, phối hợp với các địa phương rà soát, xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng vụ đông xuân 2022 - 2023 và năm 2023 đảm bảo phù hợp với từng địa phương, điều kiện sản xuất. Theo đó, sẽ ưu tiên chuyển đổi loại cây trồng phù hợp khả năng cấp nước, điều kiện tự nhiên của địa phương. Thay các loại cây trồng hiệu quả kinh tế thấp bằng các loại có hiệu quả kinh tế cao hơn, tăng lợi nhuận trên cùng một đơn vị diện tích; vùng chuyển đổi được xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo kế hoạch sản xuất, an ninh lương thực trên địa bàn.
 
Trong khi đó, Sở NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị liên quan huy động mọi nguồn lực, máy móc để tập trung làm đất, đảm bảo tiến độ gieo sạ; bố trí gieo sạ tập trung với những giống có cùng thời gian sinh trưởng cho từng cánh đồng để thuận tiện cho việc cơ giới hóa chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch. Tăng cường điều tra, dự tính dự báo, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nhất là những nơi thường xuất hiện ổ dịch để kịp thời phòng trừ, hạn chế lây lan ra diện rộng.
 
Giá lúa giống ổn định, giá phân bón giảm
 
So với vụ hè thu 2022, các loại lúa giống chủ lực phục vụ sản xuất đông xuân 2022 - 2023, gồm: ĐH815-6, Bắc Thịnh, Thiên ưu 8, Thiên Hương 6, Hà Phát 3, DT45, Đài Thơm 8, QNg13, ML232, MT10 đảm bảo sản lượng, ổn định giá bán từ 15 - 25 nghìn đồng/kg. Còn phân bón các loại đang bắt đầu giảm, cụ thể: Urê Phú Mỹ 690 nghìn đồng/bao 50kg, giảm 80 nghìn đồng/bao; DAP Nga là 1,245 triệu đồng/bao 50kg, giảm 30 nghìn đồng/bao; Ka li Phú Mỹ 895 nghìn đồng/bao 50kg, giảm 20 nghìn đồng; NPK công thức 16-16-8 là 960 nghìn đồng/bao 50kg, giảm 60 nghìn đồng/bao; NPK công thức 20-20-15 Bình Điền là 1,085 triệu đồng/bao 50kg, giảm 10 nghìn đồng/bao; phân lân Ninh Bình 225 nghìn đồng/bao 50kg; phân lâm Lâm Thao 235 nghìn đồng/bao...
 
Bài, ảnh: MỸ HOA
 
 
 
 
 

.