Người dân hiến đất làm kè chống sạt lở

11:12, 27/12/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều công trình chống sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh sớm được xây dựng và hoàn thành nhờ sự nỗ lực của chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị và đặc biệt là sự chung tay của người dân thông qua việc hiến đất, tự nguyện tháo dỡ vật kiến trúc, cây cối, hoa màu phục vụ dự án. 
 
[links()]
 
Những ngày cuối năm, người dân sống dọc bờ sông Phước Giang, thuộc thôn Kim Thành, xã Hành Dũng (Nghĩa Hành) phấn khởi khi công trình kè chống sạt lở đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Ông Lê Tấn Sáu, ở thôn Kim Thành cho biết, mùa mưa bão vừa qua, nước sông Phước Giang dâng cao, nhưng nhờ bờ sông được đầu tư kiên cố nên gia đình tôi yên tâm, không còn lo lắng bờ sông bị sạt lở, nhà cửa, đất đai bị sông “ngoạm” như trước.
 
Kè chống sạt lở bờ sông Phước Giang hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng nhờ có sự góp sức rất lớn của người dân.
Kè chống sạt lở bờ sông Phước Giang hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng nhờ có sự góp sức rất lớn của người dân.
Phó Chủ tịch UBND xã Hành Dũng Phạm Văn cho biết, kè chống sạt lở bờ sông Phước Giang hoàn thành ngay trước mùa mưa bão đã bảo vệ an toàn tính mạng, nhà cửa, diện tích sản xuất của người dân cũng như công trình, trụ sở, hệ thống giao thông. Thành quả này có sự góp sức rất lớn của người dân, nhất là việc đồng tình ủng hộ các phương án đền bù giải phóng mặt bằng, giúp công trình thi công đảm bảo tiến độ. 
 
Kè chống sạt lở bờ sông Phước Giang có chiều dài hơn 1.300m, phạm vi thực hiện công trình ảnh hưởng đến nhiều diện tích sản xuất và đất vườn của người dân dọc sông Phước Giang. Nguồn vốn đầu tư xây dựng kè là 25 tỷ đồng, nên không đủ kinh phí để thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Để tháo gỡ vướng mắc này, hệ thống chính trị ở xã Hành Dũng đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện hiến đất sản xuất nông nghiệp, đất vườn cũng như tháo dỡ vật kiến trúc, cây cối, hoa màu phục vụ dự án. Ông Nguyễn Duy Minh, người dân ở thôn Kim Thành cho biết, khi chính quyền địa phương tổ chức họp dân và vận động hiến đất, tôi đồng ý hiến 4.750m2 đất. Hàng chục hộ dân cũng tự nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất như tôi mà không đòi hỏi bất cứ quyền lợi vật chất nào từ Nhà nước. Xây dựng kè chống sạt lở cũng là vì lợi ích của người dân nên chúng tôi đồng tình, góp sức để công trình sớm xây dựng hoàn thành. 
 
Công trình kè chống sạt lở bờ sông Phủ thuộc xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) cũng được hoàn thành đúng tiến độ nhờ sự đồng thuận của người dân. Tuyến kè chống sạt lở bờ sông Phủ đoạn từ cầu Phủ đến đập Bến Nén có chiều dài gần 600m kết hợp giao thông. Kinh phí thực hiện công trình chỉ được hỗ trợ 9 tỷ đồng, trong khi phạm vi xây dựng ảnh hưởng đến nhiều diện tích sản xuất, đất vườn cũng như cây cối, hoa màu của 30 hộ dân ở thôn An Hà 3, nên không đủ kinh phí để đền bù giải phóng mặt bằng. Do vậy, cùng với việc công khai, minh bạch thông tin liên quan đến dự án, UBND xã Nghĩa Trung đã tổ chức họp dân, vận động người dân chung tay hỗ trợ xây dựng kè. Các hộ dân ở thôn An Hà 3 thống nhất phương án: Người dân tự nguyện hiến đất và tháo dỡ vật kiến trúc, cây cối hoa màu trong phạm vi thi công; đơn vị thi công hỗ trợ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Sự đồng thuận này đã giúp công trình kè chống sạt lở dọc sông Phủ triển khai thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng và mỹ quan.
 
Ông Huỳnh Văn Vinh, ở thôn An Hà 3 cho biết, kè được xây dựng giúp người dân yên tâm, không lo sạt lở. Đường ven kè được mở rộng và bê tông hóa nên cảnh quan sông Phủ sạch đẹp hơn. Nhìn thành quả này, tôi cũng như các hộ dân ở thôn An Hà 3 cảm thấy việc hiến đất của mình thật ý nghĩa.  
 
Bài, ảnh: MỸ HOA
 
 
 

.