Niên vụ mì 2022 - 2023: Nông dân gặp khó trong tiếp cận nguồn giống

06:12, 26/12/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay đang bước vào vụ trồng mì niên vụ 2022 - 2023, nhưng trước đó hầu hết diện tích mì trên địa bàn tỉnh bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút, nên nông dân gặp khó trong việc tìm mua giống mì đảm bảo chất lượng.
 
[links()]
 
Theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNT, niên vụ 2021- 2022, toàn tỉnh có trên 8.100ha mì bị nhiễm bệnh vi rút khảm lá, trong đó có gần 6.500ha bị nhiễm nặng, chủ yếu ở giai đoạn phát triển củ - thu hoạch dẫn đến năng suất và chất lượng giảm. Các giống mì được nông dân trồng nhiều là KM94, KM419, HLS11 đều đã bị nhiễm bệnh, nặng nhất là giống HLS11.
 
Giống mì HN3 kháng bệnh vi rút khảm lá, năng suất và chất lượng cao nhưng nguồn hom giống khan hiếm.
Giống mì HN3 kháng bệnh vi rút khảm lá, năng suất và chất lượng cao nhưng nguồn hom giống khan hiếm.
Bệnh vi rút khảm lá chưa có thuốc phòng trừ nên giải pháp căn cơ hiện nay là sử dụng nguồn giống mới sạch bệnh gắn với điều chỉnh quy trình canh tác. Tuy nhiên, nông dân trồng mì trong tỉnh gặp khó trong việc tiếp cận nguồn giống mới đảm bảo chất lượng và năng suất, đó là giống HN3, HN5. Điều này dẫn đến việc tái sử dụng hom giống chưa qua sàng lọc, dẫn đến bệnh vi rút khảm lá di cư đến nhiều vùng.
 
Ông Đinh Văn Thành, ở xã Sơn Linh (Sơn Hà) cho biết, tôi đi nhiều nơi tìm mua giống HN3, HN5 nhưng không có, chấp nhận mua giá hom giống mì HN3, HN5 cao gấp 2 - 3 lần so với các giống khác (50 nghìn đồng/bó 200 hom giống) nhưng vẫn không thể tiếp cận được. 
 
Vậy nên vụ mì năm nay tôi vẫn phải sử dụng hom giống mì cũ. Tôi cố gắng xử lý đất, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, hy vọng rẫy mì không bị nhiễm bệnh. Còn bà Đinh Thị Lan, ở xã Sơn Thượng (Sơn Hà) cũng đang gặp khó trong việc tìm giống mì để trồng mới hơn 1ha. Bà Lan cho biết, đất đồi phụ thuộc nước trời nên chỉ có thể trồng mì, hơn nữa việc tiêu thụ mì cũng khá ổn định. Vậy nên dù mì bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút nhưng 3 năm qua, gia đình không thể chuyển sang các loại cây trồng khác. Chi phí trồng 1ha mì gần 15 triệu đồng, nếu không bị nhiễm bệnh vi rút khảm lá thì lợi nhuận cũng được gần 40 triệu đồng/ha. Mong cơ quan chức năng hỗ trợ mua giống mì mới đảm bảo chất lượng, giúp người dân yên tâm sản xuất.
 
Mì là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế đối với người dân khu vực miền núi trong tỉnh. Tuy nhiên, hơn 3 năm nay, trên 90% diện tích mì toàn tỉnh bị nhiễm bệnh, mức độ ngày càng nặng. Ngành chuyên môn đã thử nghiệm đối với giống mì HN3, HN5 có khả năng kháng bệnh khảm lá. Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đã công nhận và cấp phép lưu hành 2 giống mì HN3, HN5 nhưng bệnh vi rút khảm lá bùng phát trong cả nước, dẫn đến nguồn hom giống sạch bệnh bị thiếu hụt trầm trọng.
 
Niên vụ mì 2022 - 2023, dự kiến toàn tỉnh trồng trên 15 nghìn héc ta mì, nhưng nguồn hom giống mì HN3, HN5 chỉ đáp ứng 90ha. Trong đó, 60ha sử dụng nguồn hom giống sạch bệnh được thu gom từ mô hình sản xuất thử nghiệm giống mì HN3, HN5 tại xã Sơn Cao (Sơn Hà) và Hành Nhân (Nghĩa Hành); 30ha sử dụng 600 nghìn hom giống do UBND tỉnh mua của Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam để hỗ trợ nông dân tổ chức sản xuất.
 
Để phục vụ trồng mì niên vụ 2022 - 2023, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức tập huấn kỹ thuật, quy trình chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh theo đúng hướng dẫn. Đồng thời, tiếp tục theo dõi, nghiên cứu, triển khai nhanh công tác nhân giống nhằm sớm có nguồn hom giống mì HN3, HN5 kháng bệnh khảm lá vi rút để cung cấp cho người trồng mì trong tỉnh.
 
Bài, ảnh: THANH PHONG
 
 
 

.