(Báo Quảng Ngãi)- Những kết quả đạt được của Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) có sự đóng góp tích cực của khoa học và công nghệ (KH&CN). Trong giai đoạn 2021 - 2025, KH&CN được xem là “chìa khóa” nâng cao hiệu quả chương trình NTM, thông qua việc chuyển giao và ứng dụng KH&CN vào sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
[links()]
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) huyện Sơn Hà đã sản xuất thành công dưa lưới hoàng kim. Đây là mô hình sản xuất trong nhà màng, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp sạch theo công nghệ tưới nước nhỏ giọt tiên tiến và “5 không”: Không phân bón hóa học; không chất kích thích sinh trưởng, không thuốc bảo vệ thực vật hóa học, không chất diệt cỏ, không biến đổi gen.
Giám đốc Trung tâm DVNN huyện Sơn Hà Đinh Văn Trung cho biết, ngoài lợi nhuận thì cái được lớn nhất của mô hình này là cán bộ của trung tâm và nông dân đã tiếp cận, ứng dụng thành công KH&CN trong sản xuất. Qua mô hình cho thấy việc áp dụng KH&CN bài bản sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, nâng cao thu nhập và thay đổi tư duy làm nông nghiệp cho người dân.
Việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất và chế biến dầu phụng tại Hợp tác xã DVNN Tịnh Thọ (Sơn Tịnh) cũng là một trong những mô hình tiêu biểu mang lại hiệu quả thiết thực. Lãnh đạo HTX đã nhạy bén, tập trung đầu tư máy móc, thiết bị đồng bộ giúp việc sản xuất và chế biến dầu phụng thuận lợi, hiệu quả hơn trước.
Ứng dụng khoa học kỹ thuật gắn với đầu tư máy móc thiết bị trong chế biến dầu phụng giúp Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Tịnh Thọ (Sơn Tịnh) nâng cao hiệu quả kinh tế. |
Theo đánh giá của Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh, trong giai đoạn 2017 - 2021, có 48/85 nhiệm vụ KH&CN cấp bộ, cấp tỉnh được triển khai thực hiện trong lĩnh vực nông, lâm, diêm nghiệp, thủy lợi và thủy sản.
Tiêu biểu là mô hình liên kết giữa doanh nghiệp - nông dân để sản xuất bắp thương phẩm làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi trên đất lúa kém hiệu quả tại huyện Sơn Tịnh; ứng dụng KH&CN phục vụ phát triển chăn nuôi bò lai, góp phần nâng tỷ lệ đàn bò lai của tỉnh đạt gần 71%.
Kết quả này đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp; tạo liên kết chuỗi bền vững gắn với nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế nông nghiệp, góp phần tác động thiết thực đến kết quả xây dựng NTM.
Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM tỉnh Hồ Trọng Phương cho biết, trên cơ sở kết quả các chương trình KH&CN, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai và nhân rộng các mô hình hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế và thế mạnh của từng vùng, khu vực. Qua đó, thúc đẩy liên kết sản xuất và phát triển thị trường theo chuỗi giá trị nhóm sản phẩm chủ lực, tạo đột phá trong kinh tế nông nghiệp và động lực trong thực hiện, hoàn thành chương trình xây dựng NTM.
Bài, ảnh:
THANH PHONG