(Báo Quảng Ngãi)- Các chủ thể tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã chủ động thay đổi cách tiếp cận thị trường, đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử (TMĐT), đồng thời chú trọng chất lượng sản phẩm... Qua đó, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
[links()]
Mở rộng thị trường
Hiện nay, các sản phẩm của Hợp tác xã Nấm Đức Nhuận (Mộ Đức) được bày bán ở các cửa hàng OCOP, cửa hàng sạch, siêu thị, trên các sàn TMĐT. Trung bình mỗi tháng, sản phẩm của hợp tác xã tiêu thụ trên sàn TMĐT tăng 30%.
Thông qua sàn thương mại điện tử, sản phẩm bột nêm từ nấm bào ngư của Hợp tác xã Nấm Đức Nhuận (Mộ Đức) được nhiều khách hàng biết đến và tin tưởng, lựa chọn. Ảnh: Tr.Ân |
Công ty TNHH MTV Sản xuất - Thương mại và Dịch vụ Mười Quý cũng chọn sàn TMĐT để quảng bá sản phẩm nước mắm Mười Quý. Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất - Thương mại và Dịch vụ Mười Quý Đào Trọng Mười cho biết, nếu bán hàng theo kiểu truyền thống thì thị trường hẹp, sản phẩm không được nhiều người biết đến. Vì vậy, 2 năm nay, công ty tích cực đưa các sản phẩm lên sàn TMĐT của Shopee, Lazada, foodmap.asia. Hiện tại, doanh số bán hàng truyền thống vẫn chiếm ưu thế, nhưng sàn TMĐT giúp công ty có được thị trường mới, khách hàng mới.
Quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP
Từ tháng 8/2021, Sở Công thương đã hỗ trợ, giới thiệu các doanh nghiệp đưa các sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền lên sàn giao dịch điện tử postmart.vn. Hầu hết các sản phẩm đều được tiêu thụ với số lượng khá.
Để cung cấp sản phẩm OCOP trên các sàn TMĐT, đơn vị sản xuất chỉ cần có giấy chứng nhận, đăng ký sản phẩm, số tài khoản ngân hàng, địa chỉ, số điện thoại và các thông tin liên quan đến sản phẩm như hình ảnh, giá bán... Hiện tại, nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh được đưa lên giao dịch tại các sàn TMĐT và đã thu hút được một lượng khách hàng nhất định. Trong đó, một số sản phẩm được khách hàng trong và ngoài tỉnh tin tưởng lựa chọn và đặt mua nhiều như hành tỏi Lý Sơn, nấm linh chi và các sản phẩm từ nấm, bò khô Thu Ba, mật ong sạch Na Ni…
Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) Kiều Văn Dũng cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất tiếp cận các sàn TMĐT, Sở Công thương đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn chủ thể các thao tác bán hàng; hướng dẫn, tuyên truyền tham gia chuyển đổi số thông qua các chương trình hội chợ trực tuyến, kết nối giao thương trực tuyến hướng tới đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh.
Sở Công thương cũng đã đẩy mạnh hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP trên sàn TMĐT qua hội chợ làng nghề và các sản phẩm OCOP Việt Nam. Qua đó, phát huy vai trò trung gian kết nối người tiêu dùng, đồng thời giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong tỉnh quảng bá thương hiệu, giới thiệu và đẩy mạnh phân phối, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nhất là các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, các sản phẩm nông sản đạt chuẩn VietGAP trên sàn TMĐT của tỉnh tại địa chỉ quangngaitrade.gov.vn. Đồng thời, tăng cường các hoạt động hợp tác xúc tiến, giao thương kết nối với các sàn TMĐT của các tỉnh, thành phố trong nước, giúp các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
TRUNG ÂN