(Báo Quảng Ngãi)- Hành vi xả chất thải, vứt rác thải và gia súc, gia cầm (GS, GC) chết, mắc bệnh xuống kênh mương không chỉ ảnh hưởng đến dòng chảy, gây ô nhiễm môi trường, mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan các loại dịch bệnh.
[links()]
Từ cuối năm 2019, nước sông Bàu Giang chảy qua xã Nghĩa Trung và thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) chuyển màu nâu đục, sủi bọt và bốc mùi hôi thối khiến nhiều loại cá như trắm cỏ, rô phi, cá diếc... bị chết hàng loạt. Tình trạng trên thường xuyên tái diễn, nhất là vào đầu tháng 5/2022, cá trên sông Bàu Giang tiếp tục bị chết bất thường khiến người dân bức xúc.
Đoạn cuối kênh N8 qua xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) ngập tràn rác thải. |
Còn tại sông Hầm Giang, đoạn chảy qua xã Tịnh Thiện và Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi), cũng thường chuyển màu đen, bốc mùi hôi thối, khiến cá và vịt của người dân xung quanh bị mắc bệnh hoặc chết. Sau khi kiểm tra, lực lượng chức năng xác định nguyên nhân nước sông Hầm Giang bị ô nhiễm là do các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại Cụm công nghiệp làng nghề Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi) và KCN Tịnh Phong (Sơn Tịnh) xả thải.
Trong khi đó, tại hai bên bờ sông Thoa, đoạn qua xã Đức Thạnh (Mộ Đức) cũng tái diễn vấn nạn xác GS, GC bị vứt bừa bãi. Các tuyến kênh chính thuộc hệ thống thủy lợi Thạch Nham, đoạn qua khu dân cư trên địa bàn các huyện Nghĩa Hành, Mộ Đức, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa... cũng thường xảy ra tình trạng rác thải, chất thải, GS, GC chết nổi lềnh bềnh trên mặt nước.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Trần Thiên Thanh cho biết, vứt rác thải, chất thải, GS, GC chết xuống kênh mương là việc làm thiếu ý thức của một số tổ chức, cá nhân. Điều này không chỉ gây tắc dòng chảy, mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường, mà còn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh và lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm. Dù chính quyền các địa phương thường xuyên tuyên truyền, nhưng tình trạng này vẫn tái diễn, nguyên nhân một phần do việc xử lý vi phạm vẫn còn “giơ cao đánh khẽ”.
Theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y, trong đó hành vi vứt GS, GC chết, mắc bệnh ra môi trường sẽ bị phạt từ 5 - 6 triệu đồng đối với cá nhân, 10 - 12 triệu đồng đối với tổ chức. Luật Thú y năm 2015 cũng quy định hành vi vứt xác động vật gây ô nhiễm môi trường là một trong những hành vi bị cấm. Trường hợp đã bị xử phạt hành chính hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng.
Bài, ảnh:
THANH PHONG