(Báo Quảng Ngãi)- Thiết bị giám sát hành trình (GSHT) tàu cá thường xuyên bị trục trặc, không phát được tín hiệu, hoạt động không ổn định... gây ảnh hưởng đến công tác quản lý tàu cá. Ngoài những nguyên nhân chủ quan, tình trạng này còn do sự chậm trễ trong việc khắc phục, sửa chữa thiết bị GSHT của các đơn vị lắp đặt và cung ứng.
[links()]
Trục trặc nhiều, hỗ trợ ít
Từ ngày 25/5 đến nay, nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh liên tục phản ánh thiết bị GSHT bị mất kết nối, hoạt động không ổn định nên không thể truyền tín hiệu về Trung tâm Dữ liệu giám sát tàu cá. Ngư dân Nguyễn Bé, ở phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) cho biết, ngày 25/5, trước khi tàu xuất bến, tôi kiểm tra và phát hiện thiết bị GSHT không có tín hiệu nên liên hệ với đơn vị lắp đặt.
Cán bộ Chi cục Thủy sản tỉnh kiểm tra tình trạng thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá của ngư dân. |
Việc hỗ trợ khắc phục kịp thời sự cố thiết bị GSHT tạo thuận lợi cho ngư dân vươn khơi đánh bắt cũng như trong công tác quản lý tàu cá. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều trường hợp đơn vị cung ứng và lắp đặt thiết bị GSHT chậm hỗ trợ sửa chữa thiết bị khi xảy ra hư hỏng. Đơn cử như tàu cá QNg 98228TS ở phường Phổ Quang, sử dụng thiết bị GSHT do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) lắp đặt đã bị mất kết nối, không thể truyền phát tín hiệu về Trung tâm Dữ liệu giám sát tàu cá. Chủ tàu đã thông báo với lực lượng chức năng và đơn vị lắp đặt, nhưng thời gian chờ sửa chữa kéo dài, ảnh hưởng đến kế hoạch vươn khơi của ngư dân.
Đối với thiết bị GSHT của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, thường xuyên xảy ra tình trạng mất kết nối, tín hiệu gián đoạn, nhưng ngư dân không liên hệ được với đơn vị này để yêu cầu sửa chữa thiết bị. Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản tỉnh, trong số 7 đơn vị cung ứng với 8 hãng thiết bị GSHT được Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) chỉ định cung ứng và lắp đặt cho tàu cá của ngư dân trong tỉnh, thiết bị của VNPT thường xảy ra hiện tượng lỏng sim dẫn đến mất kết nối. Đối với thiết bị GSHT của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, đơn vị này sản xuất nhưng lắp đặt và thu phí dịch vụ là hai doanh nghiệp khác nhau. Điều này dẫn đến tình trạng “đá bóng” trách nhiệm khi thiết bị GSHT xảy ra sự cố.
Đơn vị cung cấp, lắp đặt thiết bị chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm
Thiết bị GSHT gắn trên tàu cá là công cụ để cơ quan chức năng kiểm soát hoạt động của tàu cá. Luật Thủy sản năm 2017 quy định, tất cả tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên bắt buộc phải lắp đặt, bật tín hiệu máy GSHT 24/24 giờ khi khai thác ở các vùng biển xa, tự động báo cáo vị trí tần suất 2 - 3 giờ/lần về Trung tâm Dữ liệu giám sát tàu cá. Nếu thiết bị GSHT bị mất tín hiệu quá 10 ngày, chủ tàu sẽ bị xem xét xử lý và bị phạt tiền từ 300 - 500 triệu đồng đối với tàu có chiều dài từ 24m trở lên, 20 - 30 triệu đồng đối với tàu có chiều từ 15 - 24m. Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương, việc đơn vị cung ứng và lắp đặt thiết bị GSHT chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc hỗ trợ kỹ thuật, cũng như chậm khắc phục, sửa chữa những hư hỏng, trục trặc không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác thủy sản của ngư dân, mà còn gây khó khăn cho công tác quản lý hoạt động tàu cá của các lực lượng chức năng.
Để khắc phục tình trạng này, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản tỉnh phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân báo cáo ngay cho lực lượng chức năng khi thiết bị GSHT bị mất kết nối. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT báo cáo với Tổng cục Thủy sản chỉ đạo các đơn vị cung cấp thiết bị GSHT phải phối hợp chặt chẽ với Chi cục Thủy sản tỉnh để xác định nguyên nhân mất kết nối, cũng như hỗ trợ ngư dân khắc phục kịp thời những hư hỏng. Đồng thời, tổ chức rà soát, đánh giá việc thực hiện trách nhiệm của các đơn vị cung cấp trong việc lắp đặt và bảo dưỡng thiết bị GSHT tàu cá của ngư dân trên địa bàn tỉnh. Qua đó, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định trong việc thực thi pháp luật về thiết bị GSHT tàu cá.
Bài, ảnh:
MỸ HOA